Diễn đàn Điều em muốn nói: Lời 'khẩn cầu' trước kỳ thi

TPO - Nhiều học sinh lớp 9, chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay chia sẻ, bản thân tự so sánh với bạn bè, tạo ra áp lực cho chính mình. Đã có lúc, em không muốn giao tiếp với những người xung quanh. Chỉ xin bố mẹ, thầy cô đừng tạo thêm áp lực mà hãy tin tưởng, động viên để con tiếp thêm sức mạnh, tự tin "vượt vũ môn".

Áp lực trượt kỳ thi bố mẹ sẽ rất buồn

N.L.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng, em tự nhận thấy mình không lọt vào tốp đầu của lớp nên đã từng rất buồn, thậm chí căng thẳng. Em cũng muốn thi trường THPT chuyên, đặt nguyện vọng 1 vào một trường có chất lượng tốt rồi dằn vặt: “Nếu mình thi trượt, bố mẹ sẽ buồn lắm. Các em cũng sẽ nhìn vào mình để làm gương. Em muốn mình phải trở thành niềm tự hào của bố mẹ. Chỉ vậy thôi em cũng thấy rất áp lực”, P nói.

Cũng theo P., bố mẹ cũng từng có quan điểm: áp lực tạo ra kim cương nên bắt con nỗ lực học. Giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi, có hôm em học đến 11 giờ đêm, sáng dậy 5 giờ học tiếp nhưng hôm nào nhiều bài phải học đến 1 -2 giờ sáng. Sau đó, bố mẹ thấy con học nhiều quá lại thương và động viên.

“Tuy nhiên ở độ tuổi này, em cảm thấy có khoảng cách thế hệ với bố mẹ nên sẽ không tâm sự, chia sẻ tất cả mọi thứ. Có những chuyện, em biết nếu có nói ra, bố mẹ cũng sẽ không đồng ý nên em không nói thay vào đó sẽ chia sẻ với bạn bè. Rất may mắn, em có bạn thân luôn lắng nghe, động viên, an ủi cũng như đưa ra lời khuyên hợp lý”, P nói.

P. mong muốn, trong giai đoạn học tập căng thẳng này, thầy cô, bố mẹ không nên tạo áp lực mà hãy tin tưởng, động viên để con “vượt vũ môn”.


Học sinh Trường THCS Giảng Võ sau một giờ học (ảnh: Như Ý)

Vấp ngã phải có nghị lực đứng lên

Hoàng Văn Anh, học sinh lớp 9, một trường THCS ở quận Thanh Xuân nói: Trong đợt dịch COVID-19, em từng thu mình trong phòng, không muốn giao tiếp với bố mẹ, bạn bè. Năm học cuối cấp em cảm thấy khó khăn bộn bề vì phải đứng trước nhiều lựa chọn. Bố mẹ em luôn động viên, nếu thi trượt trường THPT chuyên hay trường công không sao cả, gia đình sẽ lựa chọn trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, em có mơ ước của riêng mình, từ lâu em muốn phải thi đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ nên tự đặt áp lực cho chính mình. Khi hay tin, có bạn học sinh gặp khó khăn lựa chọn việc kết thúc cuộc đời em đã rất buồn. “Bởi vì mình vẫn còn trẻ, nếu vấp ngã, thất bại cần có nghị lực, thời gian để đứng dậy thay vì tìm hướng đi tiêu cực. Với cách làm như vậy sẽ chuyển nỗi đau từ người này sang người khác mà thôi”, Văn Anh nói.

Phụ huynh bất ngờ

Cô giáo Nguyễn Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Giảng Võ chia sẻ: "Học sinh đang chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có sự kỳ vọng của phụ huynh, sức ép của kỳ thi. Có phụ huynh hiểu, không gây áp lực nhưng cũng có người bắt con thi trường quá sức và cô giáo phải tư vấn, giải thích để họ hiểu năng lực của con đang ở đâu để chọn trường vừa sức. Hay khi có phụ huynh nói với con đừng thức khuya, đừng cố quá nhưng chính các con cũng có những mục tiêu, sự so sánh với bạn bè nên tự tạo áp lực cho chính mình. Trong những tình huống này giáo viên tư vấn, khuyên nhủ các em cũng không nghe. Điều đáng quan tâm là có một số em không chịu nói ra khó khăn, vướng mắc, áp lực của mình để giáo viên, phụ huynh chia sẻ. Khi các em “chịu nói”, cô giáo trao đổi với phụ huynh để cùng có giải pháp hỗ trợ con thì chính phụ huynh cũng rất bất ngờ vì ở nhà con cố tỏ ra bình thường".

Giáo viên, học sinh đều gặp khó khăn

Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ chào học sinh trong Lễ khai giảng trực tuyến.

Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ chia sẻ, sau đại dịch, trường học mở cửa trở lại, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn về tinh thần lẫn thể chất do ở trong không gian hẹp kéo dài. Điều dễ nhận thấy là các em biểu hiện lo âu, bực bội, căng thẳng và cần được trợ giúp. Do đó, nhà trường đã nghĩ, phải làm sao giúp các em thích nghi với thói quen học tập mới, giải tỏa áp lực tâm lý. Đồng thời động viên thầy cô phải tạo được sự tin tưởng của học sinh, khi đó các em mới cởi mở, chia sẻ chuyện khó khăn của mình.

Đối với giáo viên, nhà trường cũng tìm cách giảm tải công việc, không gây áp lực, tăng cường động viên tinh thần. Luôn tạo ra không khí làm việc trong trường cũng như trong hội đồng đồng sư phạm thân thiện, gần gũi.

Hội đồng đội T.Ư phối hợp Báo Tiền Phong, Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Ba Đình tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày mai (17/5) tại Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội).

Diễn đàn lần đầu tiên tổ chức có sự tham gia của khoảng 1.000 học sinh THCS, các chuyên gia, diễn giả, nhà quản lý giáo dục.

Khách mời là lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, đại diện Cục bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động thương binh và xã hội, Đại diện tổng đài 111, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nghệ sĩ Xuân Bắc, TS – chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà… hứa hẹn mang đến những câu chuyện thực tế bất ngờ, lý thú cũng như cùng lắng nghe, chia sẻ những nỗi niềm sâu kín, áp lực trên con đường học tập, cuộc sống của các em học sinh.

Trân trọng kính mời các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các em học sinh… đặt câu hỏi, chia sẻ chuyện “khó nói” của mình với các nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả của Diễn đàn để được gỡ rối cũng như có giải pháp đồng hành, hỗ trợ lâu dài các em trên con đường học tập, trưởng thành. Câu hỏi xin được gửi về địa chỉ email: nguyenha49@gmail.com hoặc số điện thoại: 0988018827. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn.