'Điểm nóng’ nhập khẩu vũ khí mang tên lục địa đen

Một báo cáo mới được đăng trên tờ Guardian (Anh) cho hay, thị trường buôn bán vũ khí trên thế giới đã tăng 16% trong thập kỷ qua. Số lượng vũ khí mà châu Phi nhập khẩu tăng gấp 3 lần so với trung bình của thế giới. Nga là nhà "cung ứng" vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay.
Bất ổn chính trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhập khẩu vũ khí tăng đột biến ở châu Phi.

Nhập khẩu vũ khí tăng 45%

Theo báo cáo, trong thập kỷ qua, thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu tăng 16%. Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển thị trường buôn bán vũ khí và châu Phi trở thành thị trường "đầy tiềm năng". Số lượng vũ khí mà "lục địa đen" nhập khẩu, chủ yếu ở những quốc gia là Algeria, Morocco, Sudan, Cameroon, Nigeria đã tăng đột biến - 45%. Vũ khí mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương mua tăng 37% so với cùng kỳ, tương tự như vậy, khu vực Trung Đông tăng 25%.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), những sản phẩm được cung cấp nhiều nhất là xe tăng, máy bay, tên lửa, radar, pháo, tàu chiến. SIPRI cũng cho biết thêm, cơ sở dữ liệu thống kê không bao gồm vũ khí nhỏ được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh dân sự. "Chúng tôi đã nhận ra tầm quan trọng của vũ khí nhỏ nhập khẩu, đặc biệt ở châu Phi. Tuy nhiên, việc thống kê loại vũ khí này không hề đơn giản", Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp tại SIPRI nói.

Những bất ổn chính trị "châm ngòi" cho nhập khẩu vũ khí

"Bạo lực và sự tàn phá do vũ khí nhập khẩu đã khiến châu Phi phải chi khoảng 18 tỷ USD/năm, bao gồm cả thiệt hại về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp phải đóng cửa và trẻ em không được đến trường", Martin Butcher, chuyên gia cố vấn chính sách nhận định.

"Châu Phi chi trung bình 5 USD/người/năm để chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng chi phí điều trị cho các nạn nhân của bạo lực vũ khí vào khoảng 165 USD/người/năm", Butcher giải thích thêm.

Nhiều quốc gia sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để mua vũ khí, nhưng giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí quốc phòng trong thời gian tới.

Theo nhận định của Pieter Wezeman, những bất ổn chính trị là nguyên nhân khiến thị trường buôn bán vũ khí ở châu Phi thêm sôi động. Đó là sự tham gia của Algeria, Morocco, Uganda trong cuộc nội chiến ở Nam Sudan. Cameroon và Nigeria có "nhu cầu khẩn cấp" trang bị vũ khí trong cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram.

Bên cạnh đó, sự tham gia của Uganda, Ghana và Kenya trong các hoạt động quân sự bắt buộc của Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc cũng góp phần làm gia tăng lượng nhập khẩu vũ khí ở lục địa này. "Những bất ổn chính trị ngày càng sâu sắc có thể khiến thị trường buôn bán vũ khí tiếp tục tăng trong thời gian tới", Malcolm Chalmers, Giám đốc chính sách quốc phòng tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc phòng hoàng gia Anh nói.

Những "ông lớn" cung ứng vũ khí toàn cầu

Theo số liệu của SIPRI, Nga là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay. Nga bán vũ khí cho hầu hết các nước châu Phi, trong đó nhiều nhất là cho Algeria, cùng một số khách hàng châu Á truyền thống là Ấn Độ, Trung Quốc. Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai, nhiều sản phẩm vũ khí của Pháp được xuất khẩu đến Ma-rốc.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, số lượng vũ khí mà Mỹ và Nga xuất khẩu chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán vũ khí của thế giới. Nhà cung cấp vũ khí Trung Quốc đã tăng trưởng 143% kể từ năm 2005, trở thành nhà buôn bán vũ khí lớn thứ ba trên thế giới. Ngược lại, xuất khẩu vũ khí của châu Âu giảm 16%.

Theo nhà nghiên cứu Wezeman, vũ khí Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu đến Pakistan, Bangladesh. Nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Mỹ là Hàn Quốc, các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Australia. Ấn Độ nhập khẩu vũ khí từ năm 2010 đến năm 2014, tiếp theo là Saudi Arabia, Trung Quốc, UAE và Pakistan. 5 nước này chiếm 33% tổng số vũ khí nhập khẩu trong giai đoạn 2010 - 2014.

Theo ước tính của SIPRI, giá trị buôn bán vũ khí trên thế giới trong năm 2007 đạt hơn 50 tỷ USD, Mỹ bán được 12,8 tỷ USD vũ khí và trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới tại thời điểm này. Nga đứng thứ hai, với thu nhập 7,4 tỷ USD, tiếp theo là Pháp với 6,2 tỷ USD, Israel với 4,4 tỷ USD và Anh với 4,1 tỷ USD.

Theo Theo Cảnh sát Toàn cầu