Điểm mới nổi bật là phát triển nhận thức về CNXH

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, GS-TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, Nghị quyết Đại hội XI phản ánh sự phát triển nhận thức và lý luận của Đảng ta trong nhiều vấn đề then chốt và công cuộc xây dựng của Chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Về Nghị quyết Đại hội Đảng XI, GS - TS Hoàng Chí Bảo:

Điểm mới nổi bật là phát triển nhận thức về CNXH

Xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh là đặc trưng của XHCN Ảnh: Hồng Vĩnh.

GS-TS Bảo nói: Đại hội XI của Đảng đã bàn thảo rất nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước, dân tộc ta và sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc Đổi mới. Đại hội đã thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Đây là văn kiện của mọi văn kiện. Ngoài ra, Đại hội XI cũng thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Báo cáo chính trị của BCH T.Ư khóa X tại Đại hội XI của Đảng, Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Đây là những văn kiện quan trọng, là những quyết định chính trị ở tầm chiến lược.

Hệ mục tiêu của Đổi mới trở thành quan điểm tổng quát về CNXH

Theo ông, các văn kiện được thông qua tại Đại hội XI có những điểm gì mới, nổi bật?

Chúng tôi thấy nổi bật là sự phát triển quan niệm của Đảng ta về CNXH. Qua hơn 20 năm Đổi mới, hệ mục tiêu của Đổi mới dần dần từng bước được hoàn chỉnh. Lần này, hệ mục tiêu đó đã trở thành quan điểm tổng quát của Đảng ta về CNXH. Xã hội XHCN ở Việt Nam là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ hệ mục tiêu của Đổi mới bây giờ trở thành đặc trưng tổng quát của CNXH ở Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc đảo trật tự từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng, văn minh” trong Cương lĩnh có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đảng ta đã nhận thức rằng, qua thực tiễn đổi mới thì dân chủ càng ngày càng tỏ rõ là mục tiêu của sự phát triển xã hội, của CNXH. Dân chủ đồng thời là động lực của sự phát triển. Cho nên thực hiện đầy đủ vấn đề dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, thực hành rộng rãi dân chủ, nhất là trong Đảng để làm tấm gương thúc đẩy dân chủ trong toàn xã hội, sẽ tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận để phát triển. Vì vậy, dân chủ được nhấn mạnh đưa lên trước các giá trị công bằng, văn minh.

GS - TS Hoàng Chí Bảo.

Cách diễn đạt uyển chuyển, mềm dẻo

Ngoài ra, chúng ta còn phát triển nội dung gì quan trọng trong lĩnh vực đặc trưng của CNXH nữa không, thưa ông?

Khi trình bày những đặc trưng của xã hội XHCN, chúng ta nêu rõ xã hội XHCN là xã hội do “nhân dân làm chủ”, trong khi trước đây chúng ta thường nói là do “nhân dân lao động làm chủ”. Bớt từ “lao động” là sự phát triển tinh tế trong nhận thức lý luận. Bởi nói đến nhân dân, dân tộc Việt Nam với gần 90 triệu người là chúng ta tính đến tất cả nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Cho nên nói “nhân dân làm chủ” là để thu hút được mọi tiềm năng sáng tạo của dân tộc, của từng người dân đang sinh sống ở cả trong và ngoài nước. Đây là quan điểm mới, cho thấy tư duy rất khoáng đạt của Đảng ta.

Một số chuyên gia đã đánh giá cao sự phát triển nhận thức trong văn kiện về đặc trưng kinh tế của nước ta trong thời kỳ quá độ, ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Cho đến ngay trước Đại hội XI, đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN được diễn đạt là “nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Luận điểm này đã thu hút sự chú ý, thảo luận của nhiều đại biểu trong Đại hội cũng như sự quan tâm của nhân dân.

Đến biểu quyết cuối cùng tại Đại hội, chúng ta có điều chỉnh nhận thức xung quanh vấn đề này. Diễn đạt mới là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Nói như thế là phù hợp với quy luật và thực tiễn, bởi quan hệ sản xuất bao giờ cũng chịu sự chi phối của lực lượng sản xuất.

Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ, cho nên, trước mắt phải xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp để thích ứng với lực lượng sản xuất hiện có. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì phải tuân theo quy luật của thị trường, có cơ cấu đa dạng về thành phần kinh tế, hình thức sở hữu, phân phối... Do vậy, đây là cách diễn đạt uyển chuyển, mềm dẻo, phản ánh một bước phát triển tư duy mới của Đảng ta.

Xã hội XHCN ở Việt Nam là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ hệ mục tiêu của Đổi mới bây giờ trở thành đặc trưng tổng quát của XHCN ở Việt Nam.

Hà Nhân

Theo Báo giấy