Điểm mặt 6 loại vũ khí 'chống lưng' sức mạnh quân sự Nga

TPO - Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov khẳng định, từ năm 2018 đến 2027, quân đội Nga sẽ nhận được sáu loại vũ khí mới vượt trội so với các hệ thống tương tự được thiết kế ở nước ngoài từ năm 2018-2027.

Tên lửa Sarmat là một trong những loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới được Tổng thống Nga Putin lần đầu tiết lộ vào cuối tháng 2/2018. Đây là loại tên lửa được cho là không giới hạn tầm bay và có khả năng mang một lượng chất nổ lớn xuyên qua vùng cực Bắc và Nam đến bất cứ địa điểm nào trên hành tinh, nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Dự kiến, dự án sản xuất tên lửa Sarmat trên quy mô lớn sẽ được khởi động vào năm 2019 hoặc 2020. Người đứng đầu nước Nga cho hay, loại tên lửa có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa này là bước đột phá trong chương trình hạt nhân của Nga.

Siêu tăng không người lái được Nga phát triển trên nền tảng xe chiến đấu Armata chính thức được Viện nghiên cứu Trung tâm số 3 thuộc Bộ Quốc phòng Nga công bố. Siêu tăng không người lái được thiết kế dựa trên cơ sở nền tảng xe chiến đấu Armata của Nga sẽ mang tên Tachanka B. Một trong những tính năng chiến đấu chính của nền tảng xe chiến đấu Armata của Nga là hệ thống phòng thủ chủ động và thụ động, giúp cho các loại xe tăng và thiết giáp trên nền tảng này có sức mạnh vượt trội hơn so với các loại tăng thiết giáp cùng loại. Các loại xe chiến đấu trên nền tảng Armata có tốc độ và độ cơ động cao, cũng như được trang bị hỏa lực mạnh. Xe tăng T-14 Armata được trang bị pháo 125 mm với hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số.

S-500 Prometheus là hệ thống phòng không tương lai của Nga, có phạm vi tấn công mục tiêu bay lên tới hơn 600km, độ cao đánh chặn từ 185-250km, thời gian phóng quả tên lửa tiếp theo chỉ mất 3-4 giây (trong khi hệ thống S-400 mất 9-10 giây). Hơn nữa, tuy chưa xác định chính xác tầm phóng nhưng vận tốc bay của tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 dao động trong khoảng từ 5 đến 7 km mỗi giây (tối đa 25.200km/h), cho phép S-500 kịp thời đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình siêu thanh của đối phương. Hệ thống radar cảnh giới trên không của S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km, đủ khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo của đối phương. Với hệ thống radar tiên tiến, kết hợp các phương tiện trinh sát tầm xa khác, S-500 có khả năng phát hiện và đồng thời đánh chặn 10 tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), có tầm phóng lên tới 3500km và cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa đường bay.

Nudol là sản phẩm của Tổ hợp thiết kế của tập đoàn Almaz-Antey, hệ thống tên lửa này với khả năng bao quát tới 2.000 km (nhiều nguồn tin là 3.700 km) và độ cao tới 40km. Tổ hợp A-235 Nudol được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin. Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800 km; tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km.

Với Dự án Tirada-2C, Quân đội Nga sẽ sở hữu hệ thống vũ khí chống vệ tinh có thể kiểm soát được các vệ tinh liên lạc của đối phương mà không cần dùng đến hệ thống đánh chặn tầm cao Nudol hay S-500. Đây là một hệ thống di động hoạt động bằng chế áp điện tử đối với các vệ tinh liên lạc. Mặc dù vậy, phần lớn thông tin về Dự án đặc biệt này vẫn được Nga bảo mật. Tuy nhiên, theo nguồn tin quân sự Nga, Dự án Tirada-2C của Bộ Quốc phòng nước này được thực hiện với sự hợp tác phát triển của Tập đoàn KRET.

Ngoài ra còn có hệ thống máy bay quân sự mạnh mẽ đầy tiềm năng. Điểm mặt một số chiến đấu cơ nổi bật của Nga khiến Mỹ phải lo ngại như: Sukhoi Su-27, MiG-29, Sukhoi Su-35, Sukhoi T-50/PAK FA, Tupolev Tu-160. Tính đến năm 2015, Nga là quốc gia duy nhất sở hữu máy bay Tu-160 và Moscow lên kế hoạch sản xuất thêm 50 chiếc Tu-160. Những chiếc Tu-160 sản xuất mới sẽ là phiên bản nâng cấp với tên gọi Tu-160M2, và Nga dự kiến bắt đầu sản xuất kể từ năm 2023.