Điểm lại những pha vượt ngục khiến thế giới bàng hoàng

TPO - Đào hầm dài 1,5km, uốn người qua chấn song, giả dạng làm thanh tra hay lái trực thăng cướp tù... là những vụ vượt ngục ngoạn mục và li kì nhất từng được ghi nhận trong lịch sử tội phạm thế giới.

Đào đường hầm dài 1,5km

Không chỉ là trùm ma túy khét tiếng, Joaquin “El Chapo” Guzman (người Mexcico) từ lâu đã nổi danh khắp giới giang hồ với những biệt danh như “Shorty” (Người lùn), “The Mole” (Chuột chũi) hoặc “Vua đào đường hầm”.

Guzman được cho là một người bí ẩn và gần như không biết chữ, nhưng lại có thể giám sát một mạng lưới hầm ngầm dùng để buôn lậu số lượng lớn ma túy trên khắp nước Mỹ.

Guzman được cho là đã trốn thoát khỏi nhà tù Puente Grande (Mexico) hồi năm 2001 bằng cách chui vào xe đẩy chở quần áo giặt ủi.

Sau khi bị bắt lại hồi tháng 2/2014, Guzman tiếp tục lên kế hoạch đào đường hầm để bỏ trốn khỏi Altiplano - nhà tù được canh gác cẩn mật ở Mexico.

Trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman khi bị bắt lại tháng 2/2014. Ảnh: Reuters

Ngày 11/7/2015, trùm ma túy này thoát bằng một đường hầm được cho là phải mất nhiều tháng để đào.

Trong buồng giam của ông ta, nhân viên an ninh phát hiện một hố sâu 10m và có thang leo xuống dưới. Hố này dẫn tới một đường hầm dài 1,5km được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió. Đường hầm thông với một ngôi nhà chưa hoàn thiện phía ngoài nhà tù. Bên trong đường hầm, nhà chức trách tìm thấy một môtô được cải tiến để dùng trên đường ray.

Cảnh sát còn phát hiện một chiếc xe máy được bố trí sẵn trong hầm nhằm tăng tốc độ tẩu thoát của trùm ma túy khỏi nhà tù Altiplano. Ảnh: Grupo Reforma
Rất nhiều người đặt câu hỏi vì sao nhà chức trách Mexico không phát hiện vụ vượt ngục dù kế hoạch táo bạo này diễn ra trong nhiều tháng. Theo tính toán, những kẻ đào hầm phải đưa hơn 3.500 tấn đất đá ra ngoài.

Đến tháng 1/2016, Guzman bị cảnh sát bắt trở lại nhà tù.

Tổng chưởng lý Mexico, bà Gomez Gonzalez quan sát lối lên của đường hầm nối từ nhà tù Altiplano, được Guzman sử dụng để vượt ngục. Ảnh: Reuters
 Camera an ninh ghi lại cảnh Guzman biến mất khỏi phòng giam vào tháng 7/2015. Nguồn: CNN 

Dùng thìa khoét lỗ thông hơi

Nhà tù Alcatraz được coi là nhà tù không thể trốn thoát ở Mỹ. Nó nằm trên hòn đảo ở giữa vịnh San Francisco, nhằm cách ly tù nhân khỏi thế giới bên ngoài bằng dòng nước lạnh lẽo.

Tuy nhiên, năm 1962, Frank Morris cùng anh em John và Clarence Anglin, những người bị kết án tù chung thân vì cướp bóc và các tội danh khác, đã vượt ngục thành công.

Từ trái sang, Frank Lee Morris, Clarence Anglin and John Anglin khi còn trẻ và khi trung niên. Ảnh: Reuters

Cụ thể, bốn tù nhân này dùng thìa kim loại, máy khoan tự chế để mở rộng lỗ thông hơi, rồi chui vào đó. Họ trèo lên mái nhà và di chuyển tới địa điểm có chiếc bè chuẩn bị sẵn từ áo mưa và xi măng, cao su.

Trong lúc vượt ngục, West đã bị bắt và buộc phải khai báo kế hoạch vượt ngục. Tuy nhiên, cảnh sát sau đó đã không thể tìm thấy Morris và hai anh em Anglin. Nhà chức trách phỏng đoán rằng ba người này đã bị chết đuối trước khi vào đến bờ.

Người ta thu được cuốn tạp chí Popular Mechanics mà qua đó, anh em nhà Anglin và Frank Morris học cách làm bè cao su để thoát khỏi hồ nước vây quanh nhà tù. Ảnh: NPS.gov

Vụ vượt ngục trở nên nổi tiếng với bộ phim “Escape from Alcatraz” (“Vượt ngục Alcatraz”) do tài tử gạo cội Clint Eastwood thủ vai chính Frank Lee Morris, ra rạp vào năm 1979.

Giả dạng làm thanh tra

Siêu lừa khét tiếng Frank Abagnale đã trốn khỏi trại tạm giam liên bang ở Atlanta, bang Georgia (Mỹ) vào năm 1971 bằng cách thuyết phục quản giáo rằng mình là thanh tra ngầm chứ không phải phạm nhân.

Frank Abagnale năm 1978. Ảnh: The Denver Post

Chuyện xảy ra khi một cảnh sát giải Abagnale đến nhà tù nhưng quên mang giấy tống giam hắn. Lợi dụng điều này, Abagnale câu kết với một đồng phạm bên ngoài để tìm cách thuyết phục các quản giáo tin hắn là thanh tra ngầm.

Sau vài tuần xuất hết chiêu thức khiến lính gác tin tưởng, Abagnale đường hoàng đi ra ngoài và leo lên xe đồng phạm chạy mất. Hắn ta trốn được 2 tháng trước khi bị bắt lại ở thủ đô Washington. Abagnale nằm nhà đá suốt 4 năm trước khi được tạm tha. Abagnale sau đó trở thành cố vấn cho FBI về tội phạm “cổ cồn trắng”.

Năm 2002, chuyện đời ông được đưa lên màn ảnh rộng trong bộ phim “Catch Me If You Can” (“Hãy bắt tôi nếu có thể”) của đạo diễn Steven Spielberg.

Luồn qua chấn song

Choi Gap-bok là một người Hàn Quốc, từng luyện yoga trong 23 năm. Ngày 12/9/2012, Choi bị bắt vì tình nghi ăn cướp. Ông ta bị giam tại đồn cảnh sát ở thành phố Daegu và ở lại đó 5 ngày.

Đến sáng sớm ngày 17/9, Choi bôi dầu trơn lên toàn cơ thể và chui khỏi nhà giam bằng cách len người qua khe đưa cơm tù với kích thước 15 x 45 cm rồi trèo qua cửa sổ, khi cả 3 cảnh sát trực đều ngủ thiếp đi.

Yonhap dẫn lời phía cảnh sát điều tra cho hay không ai có thể tin vào mắt mình khi xem lại clip quay cảnh cơ thể Choi luồn qua khe đưa thức ăn như bạch tuộc trong 34s, bất chấp chiều cao 1,65 m và nặng 52 kg.

Choi Gap-bok co người và chui qua lỗ đưa thức ăn trên chấn song. Ảnh: Joongang Daily

Bậc thầy yoga kiêm tội phạm bị tóm chỉ sau 6 ngày lẩn trốn và lần này ông ta bị tống vào xà lim không có song sắt, còn khe đưa thức ăn thì hẹp hơn lần trước.

Dùng trực thăng

Kẻ cướp nhà băng Michel Vaujour từng gây ra một vụ vượt ngục rúng động nước Pháp với sự hỗ trợ của vợ y vào năm 1986.

Quá nóng lòng khi nghe tin đức ông chồng phải bóc lịch 28 năm ở một nhà tù tại Paris vì tội mưu sát và cướp nhà băng có vũ trang, “hiền thê” Nadine Vaujour đã quyết tâm học lái trực thăng để... cứu chồng.

Michel năm 1986 cầm quả xuân đào được vẽ trông giống như lựu đạn để hù dọa lực lượng an ninh và chạy lên mái nhà tù. Nadine đến đón chồng bằng trực thăng và đưa ông ta đến một sân vận động. Họ hạ cánh và lái xe tẩu thoát.

Tạp chí Paris Match năm 1986 đăng bức ảnh không chuyên ghi lại cảnh vượt ngục của đôi vợ chồng Vaujour. Ảnh: delcampe.com

Tuy nhiên, Nadine bị phát hiện vài tháng sau đó và bắt giữ ở tây nam nước Pháp.