Bảo tàng Điêu khắc Chăm nằm giữa trung tâm TP. Đà Nẵng, ngay bên cạnh cầu Rồng, thuận lợi cho khách di chuyển đến tham quan.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tàng lâu đời nhất Việt Nam, được người Pháp xây dựng từ năm 1915. Năm 1919, bảo tàng mở cửa đón khách. Bảo tàng đang trưng bày khoảng 400 hiện vật và chia khu trưng bày theo địa điểm tìm ra hiện vật. Ảnh: Thanh Hiền.
Từ 9h sáng, bảo tàng bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều đoàn rất đông, tới gần cả trăm người. Anh Nguyễn Hoàng Tâm (hướng dẫn viên du lịch) cho hay hiện nay du khách có xu hướng du lịch văn hoá, thích tìm hiểu văn hoá điểm đến và bảo tàng là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Du khách quốc tế bị cuốn hút bởi bề dày lịch sử và bộ sưu tập cổ vật điêu khắc Chăm. Chị Thu Trang - nhân viên một công ty du lịch đang khai thác điểm đến bảo tàng này cho biết từ tháng 10 trở đi là cao điểm của khách quốc tế, đặc biệt là khách tàu biển. “Do đặc thù tàu biển thường rời đi trong ngày nên du khách chọn những điểm tham quan gần, thuận lợi di chuyển. Họ thường ưu tiên chọn Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chợ Hàn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà…” chị Thu Trang nói.
Anh Kevin (Pháp) chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên anh đến Đà Nẵng và cũng là lần đầu biết đến nền văn hóa, nghệ thuật Chăm. “Tôi rất ấn tượng về bộ sưu tập tại bảo tàng, những cổ vật cho thấy trình độ thẩm mỹ và kỹ năng rất điêu luyện của các nghệ nhân, phản ánh sự phát triển của nền văn hóa”, anh Kevin bày tỏ.
Theo bảo tàng, những tháng cuối năm đến đầu năm sau là cao điểm đón khách, cao hơn cả những tháng hè. Tháng 11, bảo tàng đón hơn 17.000 lượt khách, trong đó hơn 16.000 khách quốc tế.
Đặc biệt, bảo tàng còn có 9 bảo vật quốc gia, gồm đài thờ Trà Kiệu, tượng bồ tát Tara, tượng thần Ganesha, tượng Gajasimha, Apsara, đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Đồng Dương, tượng thần Shiva, đản sinh Brahma càng gây sự tò mò, hấp dẫn du khách.
Apsara - một trong 9 bảo vật quốc gia. Apsara là nàng tiên trong thần thoại Ấn Độ. Họ là những cô gái xinh đẹp, thanh tao, hát hay, múa dẻo, là vợ của nhạc công Gandharva và là tỳ nữ hầu hạ cho thần bão tố Indra. Apsarsa được sinh ra từ cuộc khuấy biển sữa của các thần và quỷ Asura để tìm ra loại nước trường sinh bất tử. Các Apsara được thể hiện trong tư thế đang múa một vũ điệu mà hiện nay vẫn đang phổ biến trong nghệ thuật múa của Ấn Độ. Chiếc váy của các vũ nữ Apsara được đính rất nhiều chuỗi hạt ngọc, đây là một trong những đặc trưng của phong cách Trà Kiệu.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là di tích lịch sử cấp thành phố.
Mới đây, Rhea Singha - Hoa hậu Hoàn vũ Ấn Độ 2024 - ghé thăm bảo tàng. Cô bày tỏ rất ấn tượng trước bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu của nền văn hóa Chăm.
Thanh Hiền