Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ổ dịch Ebola đầu tiên xảy ra vào năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Đại dịch Ebola bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2014, bắt đầu từ Tây Phi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, sau hơn 1 năm bùng phát, đã có hơn 27.000 người bị nhiễm virus Ebola, gần 11.200 người thiệt mạng.
Đáng chú ý, trong quá trình nghiên cứu virus Ebola, các nhà sinh học đã tìm thấy dấu vết của virus trong DNA của các loài động vật gặm nhấm, mà theo phân tích của các nhà sinh học, căn bệnh này tấn công tổ tiên của loài động vật từng sinh sống trên trái đất khoảng 20 triệu năm trước.
Trong một nghiên cứu mới, Powel Kazanjian, giáo sư về lịch sử và các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Michigan, đưa ra các giả thuyết cho rằng, virus Ebola có thể lây truyền từ động vật sang người, và xuất hiện trước năm 1976 nhiều thế kỷ.
Theo giáo sư Powel Kazanjian, đây có thể là một trong những tác nhân chính dẫn tới sự xuất hiện của các bệnh dịch thời Athens cổ đại, căn bệnh bí hiểm đã xóa sổ 1/3 dân số Athens trong những năm 430-427 trước Công nguyên.
Sử gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Thucydides (460 trước công nguyên - 395 trước công nguyên), không chỉ là nhân chứng cho bệnh dịch Athens, mà còn chính là người bị lây nhiễn căn bệnh bí hiểm này, đã ghi lại rằng: "Người đang khỏe mạnh bỗng cảm thấy choáng váng như bị đánh mạnh bởi luồng hơi nóng chạy từ đỉnh đầu, như có lửa cháy trong mắt, trong thân thể, trong cổ họng và lưỡi, thở ra một thứ mùi bất thường và hôi thối".
Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu - tiếp đến là hắt hơi, ho, rồi tiêu chảy, nôn mửa và đau thắt. Kế đó, da người bệnh trở nên xanh xám, nổi mụn và lở loét, rồi khát cháy cổ họng. Hầu hết bệnh nhân chết vào khoảng ngày thứ 7 hoặc 8 của cơn bệnh do mụn nhọt ăn vào ruột, tiêu chảy kết hợp với kiệt sức.
Một số ít còn sống sót, nhưng bệnh tật để lại di chứng trên cơ thể họ - ngón tay ngón chân, cơ quan sinh dục biến mất, mắt mù lòa. Một số người khác mất hoàn toàn trí nhớ, họ không biết mình là ai cũng không nhận ra bạn bè.
Powel Kazandjian lập luận rằng, các triệu chứng, tỷ lệ tử vong và nguồn gốc địa lý của các bệnh dịch hạch Athen trùng khớp với những gì mà giới khoa học ngày nay biết về Ebola.
Giáo sư Powel Kazanjian cho rằng, bệnh Athens tuy cũng xuất hiện các triệu chứng giống sốt phát ban, đậu mùa, sởi, dịch hạch, bệnh than…, nhưng Ebola có nhiều điểm tương đồng nhất với những phác họa lâm sàng của Thucydides.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, còn quá sớm để kết luận đại dịch thời Athens là do virus Ebola gây ra. “Chúng ta không bao giờ có thể biết những gì gây ra đại dịch Athens”, Schaffner, một nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nói: “Nhưng tôi cho rằng, nghiên cứu này rất đáng quan tâm”.
Kazanjian cho biết thêm rằng, Athens là bài học cho thế giới hiện đại. Thucydides lưu ý rằng, sự sợ hãi gây ra bởi căn bệnh, và khiến mọi người từ bỏ trách nhiệm của mình đối với những người khác. Chính sự sợ hãi đã làm trầm trọng thêm sự lây lan của căn bệnh này.
Năm 430 trước công nguyên, trong cuộc chiến Peloponnesia ở Hy Lạp cổ đại, người dân thành Athens đã bị một loại bệnh bí hiểm tấn công, gây hậu quả đến mức giờ đây đọc lại ghi chép của các nhà sử học, người ta vẫn rùng mình.
Thucydides cho biết căn bệnh này xuất phát từ Ethiopia, lan sang Ai Cập và Libya rồi tới vùng đất của Hy Lạp. Trong vòng 4 năm, nó giêt chết một phần ba dân số và quân đội Athens, trong đó có nhà lãnh đạo đô thị cổ này.