Di sản của những lời mẹ dặn

TP - Thế giới càng phát triển, càng hội nhập, con người càng phải có ý thức giữ gìn bản sắc và bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc họ. Dường như thế hệ trẻ những người Việt ở nước ngoài đang dần nhận ra điều đó.
Tác giả bài viết giới thiệu sự trù phú của tiếng Việt với bạn đọc Mỹ khi giao lưu ra mắt tập thơ Bí mật của Hoa Sen.

Tiếng Việt - đó là thứ tiếng của một đêm mùa đông đầy băng giá khi đi trên chuyến tàu dài dằng dặc của nước Ðức xa xôi cùng với những con người hoàn toàn xa lạ, tôi chợt nghe ba tiếng: “Cha ơi, cha”. Sự thân thuộc bỗng bừng lên trong tâm khảm, để rồi tôi dõi mắt tìm kiếm, và mỉm cười khi thấy một cậu bé choàng tay ôm cổ cha mình - người đang cúi xuống, ân cần trò chuyện với con trai. Sự thánh thót của tiếng Việt trên môi của họ đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông năm ấy trong tôi.

Trên những nẻo đường xa xứ, tiếng Việt trong tôi còn là những bài hát của Trịnh Công Sơn vang lên trên một con phố nhỏ Paris để rồi nắng mùa thu rực lên như lụa trên những tàng cây vạm vỡ, là tiếng những đứa trẻ ríu rít gọi nhau “cậu, tớ” ở khuôn viên Ðại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh để rồi đất nước đạo Hồi nghèo khó ấy trở nên gần gũi, thân thương, là giọng trầm ấm của bạn bè tôi giữa mùa đông nước Bỉ khi chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng đón Tết để rồi những chiếc bánh ấy dường như xanh hơn hương vị quê nhà. Tiếng Việt còn là câu “con ơi, chỉ đường cho dì đến khu Footscray, được không con?” ở trung tâm thành phố Melbourne, Australia khi một phụ nữ tôi chưa từng gặp mặt níu lấy tay tôi, để rồi trong giây phút chúng tôi trở nên thân thiết.

Trên những chuyến đi trùng điệp của cuộc sống này, tôi nhận ra rằng: với những người Việt xa xứ, di sản mà chúng tôi mang theo chính là tiếng Việt. Di sản ấy tạo nên sắc màu của những cộng đồng người Việt trên thế giới, là sợi dây gắn kết chúng tôi.Chúng tôi đã được thừa kế tiếng Việt từ ông bà, cha mẹ, để giờ đây, băng qua năm châu bốn biển, chúng tôi cần gìn giữ di sản ấy và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Nhưng, việc giữ gìn và truyền lại tiếng Việt cho các thế hệ những người trẻ tuổi ở nước ngoài thực sự là một công việc khó khăn.Tôi đã gặp biết bao gia đình, nơi bố mẹ người Việt không thể nói chuyện với con họ bằng tiếng bổng trầm của quê hương mà phải xoay xở qua một ngôn ngữ khác. Tôi đã gặp những đứa trẻ gốc Việt trở về quê cha đất tổ, ngơ ngác như những người nước ngoài thực thụ. Chúng không thể giao tiếp được với ông bà, họ hàng. Sự xa cách về ngôn ngữ dẫn đến sự cách biệt về tâm tư, tình cảm, để rồi những đứa trẻ ấy không thích trở về. Mất đi ngôn ngữ của tổ tiên, những đứa trẻ ấy có nguy cơ trở thành những cái cây mất đi gốc rễ, những con chim không còn tổ.

Nhà thơ Cathy Linh Chế.

Tôi sẽ không bao giờ quên ánh mắt của Lan Nguyễn, người đã nắm thật chặt tay tôi ở nước Mỹ xa xôi và hỏi “cháu muốn về Việt Nam để học tiếng Việt, cô có biết nơi nào dạy tốt không cô?” Tôi sẽ không quên được cuộc gặp gỡ với Cathy Linh Chế - một nhà thơ người Mỹ gốc Việt, người đã chia sẻ với tôi bài thơ Language Came to the Door for Me (Ngôn ngữ đến cửa tìm tôi) với những câu thơ đầy ám ảnh (trích):

Chúng tôi hát bằng tiếng La tinh, và bằng tiếng Việt

Tiếng La tinh thì đã chết, còn tiếng Việt thì đang chết trong tôi.

….

Khi giọng của mẹ tôi vang lên

Giọng nói đó thật nhỏ bé, bị mã hoá

Không phải thứ ngôn ngữ mềm mại

Một thời đã thao thức hát lên

Tôi đang quay trên quỹ đạo, ngày càng xa. Tôi

hát những lời thú tội. Tôi nói xin làm ơn và hãy thứ lỗi

Chính sự trăn trở về cội nguồn đang khiến nhiều hơn những nhà văn gốc Việt đưa ngôn ngữ của quê hương mình vào các tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Ðọc những tác phẩm đó, tôi vui mừng nhận ra những nỗ lực trong việc bảo vệ hình hài, màu sắc và âm thanh của tiếng Việt. Không phải là thứ tiếng Việt đã bị bỏ mất dấu như thường lệ khi được in bên cạnh các ngôn ngữ khác, tiếng Việt giờ đây đang hãnh diện ngẩng cao đầu trong các tác phẩm viết bằng tiếng Anh của Ocean Vương, Lại Thanh Hà, Thi Bùi...

Nhà thơ Ocean Vương.

Trong tập thơ Night Sky with Exit Wounds của Ocean Vương, bài thơ Headfirst đã được in cùng với hai câu thành ngữ: “Không có gì bằng cơm với cá/ Không có gì bằng má với con”. Bài thơ My Father Writes from Prison được bắt đầu với sự thiêng liêng của tiếng Việt: “Lan ơi, em khoẻ không? Giờ em đang ở đâu? Anh nhớ em và con quá…” Những từ tiếng Việt xuất hiện trong tập thơ với đầy đủ dấu và không hề được giải thích về ngữ nghĩa, nhưng thật lạ, chúng được bạn đọc quốc tế đón nhận: tập thơ Night Sky with Exit Wounds đã trở thành một trong những tập thơ bán chạy nhất trong năm qua, được vinh danh với những giải thưởng danh giá nhất như Giải thưởng thơ Whiting 2016 của Mỹ, giải thưởng thơ Forward Prize 2017, vốn dĩ được xem là “Oscar thơ” của Anh, và gần đây nhất là giải thưởng T.S. Eliot.

Nhà thơ Lại Thanh Hà.

Cũng như Ocean Vương, nhà văn Lại Thanh Hà - người Mỹ gốc Việt đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ - đã lôi kéo bạn đọc quốc tế thâm nhập vào văn hóa Việt Nam qua việc “bắt” họ phải nhớ những từ tiếng Việt. Trong tiểu thuyết thơ Listen, Slowly (Lắng nghe, chậm rãi), sau khi giới thiệu Bà là “Dad’s mom” (mẹ của cha tôi), Lại Thanh Hà đã thoải mái dùng từ Bà xuyên suốt tác phẩm mà không giải thích thêm hay có chú thích nào. Từ Ông cũng được sử dụng nguyên dấu tiếng Việt, cũng như những câu hội thoại: “Ăn đi con”, “Bà biết mà, không sao đâu”, “Ai nói chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”, “Trời ơi!” Những địa danh tiếng Việt cũng được sử dụng với trọn vẹn hình hài tiếng Việt: Hà Nội, Sài Gòn.

Tưởng chừng như tiếng Việt, với sự rắc rối âm điệu của nó, khi được lồng vào một tác phẩm tiếng Anh, sẽ làm những bạn đọc nước ngoài “mất hứng”. Nhưng không! Listen, Slowly đang được những người yêu sách đánh giá rất cao, được tờ New York Times bình chọn là quyển sách xuất sắc, cũng như được tạp chí văn học Publishers Weekly vinh danh với giải thưởng quyển sách xuất sắc nhất trong năm.

Nhà thơ Thi Bùi.

Một quyển sách vừa được ra mắt khác, ở đó tiếng Việt được xuất hiện với trọn vẹn hình hài, chính là quyển hồi ký bằng tranh The Best We Could Do của Thi Bùi - nhà văn, họa sĩ người Mỹ gốc Việt. Trong quyển sách dày 330 trang này, với hàng trăm bức vẽ vô cùng sinh động tái hiện cuộc đời của ông bà, cha mẹ, và cuộc đời mình, Thi Bùi đã nâng niu và bảo tồn tiếng Việt như thể cô bảo tồn những gì thiêng liêng nhất. Từ “Má” xuất hiện đầu tiên ở trang đầu tiên và trang thứ hai mà không có lời giải thích bằng tiếng Anh nào. Rồi từ “Má” lại xuất hiện ở trang thứ ba, cạnh bức vẽ một người phụ nữ co ro đứng trong hành lang bệnh viện. Và “Má” xuất hiện tự nhiên như hơi thở trong suốt chiều dài quyển sách, mà chẳng cần phải dịch nghĩa sang tiếng Anh là “Mama” hoặc “Mother”. Cứ như thế, bằng những con chữ và bức họa của mình, Thi Bùi khiến bạn đọc quốc tế thâm nhập vào văn hóa Việt Nam qua nhiều từ ngữ tiếng Việt được thể hiện xuyên suốt qua tác phẩm.The Best We Could Do hiện đang là một quyển sách bán rất chạy, được dùng trong nhiều chương trình giảng dạy và liên tục được bầu chọn là hồi ký bằng tranh xuất sắc. Ðặc biệt hơn nữa, quyển sách này đã được tỷ phú Bill Gates bình chọn là một trong năm quyển sách hay nhất mà ông đã đọc trong năm 2017. Không chỉ dừng lại bằng quyển sách The Best We Could Do, dự án kế tiếp của Thi Bùi là quyển sách The Sea is Rising (Nước biển đang dâng) kể về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Dù chưa được viết xong, quyển sách đã được nhà xuất bản Random House mua bản quyền. Ðể thực hiện quyển sách này, Thi Bùi đã và đang cấp tốc cập nhật vốn tiếng Việt, trở về nước và trực tiếp chuyện trò với những người nông dân Việt Nam, để những bài học kinh nghiệm của họ về ứng phó với biến đổi khí hậu có thể vươn ra cộng đồng thế giới, kêu gọi sự chung tay bảo vệ môi trường của tất cả mọi người.

Nhà thơ Teresa Mei Chuc.

Học tiếng Việt để trở về là một trong những ước vọng của những người gốc Việt xa xứ. Trong nhiều năm qua, tôi đã được làm quen với Teresa Mei Chuc, một cô gái rời Việt Nam từ lúc hai tuổi, để giờ đây ở độ tuổi hơn bốn mươi, cô vẫn miệt mài học tiếng Việt. Và tiếng Việt đã giúp cô quay trở lại quê hương, xứ sở. Ðây là bài thơ Accents của cô, qua sự chuyển ngữ của dịch giả Ðinh Văn Thân:

Tiếng của mẹ

Tôi viết tên tôi

Bằng tiếng Việt

Chúc Mỹ Tuệ

Như trong giấy khai sinh

Mà cha mẹ đặt cho tôi lúc chào đời.

Dấu sắc như một tia chớp xé

Dấu ngã bồng bềnh như sóng lượn chân trời

Dấu mũ giống như một đỉnh núi chót vót

Và dấu nặng là giọt trăng rơi.

Vào năm 2002, khi ôm hai đứa con nhỏ lên máy bay để bắt đầu hành trình xa xứ, tôi mang theo lời dặn của mẹ tôi nặng trĩu trong tim: “Con ơi, hãy cố gắng đừng để các cháu quên tiếng Việt”. Có lẽ trong rất nhiều nỗi lo, cha mẹ tôi lo nhất là những chuyến đi xa sẽ cắt đứt sợi dây liên lạc của con cháu mình đối với gia đình và nguồn cội.

Lời dặn ấy của mẹ, tôi luôn khắc ghi trong tâm khảm, để rồi sợi dây mỏng manh níu gia đình tôi với quê hương, bản xứ ngày càng dẻo dai hơn. Hàng ngày tiếng Việt vẫn ngập tràn trong không gian gia đình tôi, dẫu chúng tôi có sống ở quốc gia nào chăng nữa. Tôi nhận ra rằng, hai con tôi tự hào về nguồn cội của mình, một phần nhờ vào việc chúng có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Niềm tự hào ấy đã trào dâng khi chúng tôi cùng nhau đọc những câu thơ của Lưu Quang Vũ:

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…