Di sản của cựu Thủ tướng Trung Quốc vừa qua đời vì đau tim

TPO - Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời rạng sáng 27/10 ở Thượng Hải sau một cơn đau tim, CCTV đưa tin. Trong một thập kỷ làm thủ tướng, ông Lý đã lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn: Nợ chính phủ ngày càng tăng; căng thẳng thương mại với Mỹ và đại dịch COVID-19, South China Morning Post nhận định.

Phát biểu với các phóng viên sau kỳ họp Quốc hội thường niên vào tháng 3 năm nay, ông Lý Khắc Cường cho biết đây là cuộc họp báo cuối cùng của ông trên cương vị thủ tướng Trung Quốc.

Ông Lý Khắc Cường được nhớ đến với nhiều quyết sách về kinh tế. Ảnh: Xinhua.

“Likonomics”

Ông Lý Khắc Cường sinh vào tháng 7/1955 tại tỉnh miền đông An Huy, nơi cha ông là quan chức địa phương. Trong hai nhiệm kỳ thủ tướng của mình, ông đã tạo được dấu ấn riêng về chính sách kinh tế. Ông Lý được chú ý vì sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm và thúc đẩy cải cách, phá vỡ quan điểm với người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo - người đã đưa ra gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD vào thời điểm đó) trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ông Lý nói: “Chúng ta vẫn đang phải đối mặt một môi trường phức tạp và đầy thách thức. Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương (Đảng Cộng sản Trung Quốc) với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là với sự nỗ lực chung của người dân Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua khó khăn”.

Không giống như người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo, ông Lý không đọc thơ để bày tỏ nguyện vọng của mình. Không có cảm xúc cá nhân nào được bộc lộ, không có cảm giác hồi hộp hay tiếc nuối nào được đề cập khi nhìn lại 10 năm làm thủ tướng của ông.

Khi ông Lý từ chức vào tháng 3 sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ (mức tối đa được phép theo Hiến pháp Trung Quốc đối với chức vụ thủ tướng), báo chí, truyền thông Trung Quốc không đưa tin rầm rộ. Giờ đây, sau khi ông qua đời, thân thế, sự nghiệp của ông được đề cập nhiều hơn, nhưng có chừng mực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2017. Ảnh: Reuters.

Ông Lý được cho là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc có nền tảng học vấn cao nhất. Ông có bằng cử nhân luật và tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh. Ông nói tiếng Anh trôi chảy.

Thủ tướng Lý được biết đến rộng rãi nhờ việc áp dụng kết hợp các chỉ số để nắm bắt nhịp độ của nền kinh tế thường không rõ ràng của Trung Quốc.

Năm 2007, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Liêu Ninh, ông nói với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc rằng ông sử dụng dữ liệu chi tiết hơn, như khối lượng hàng hóa đường sắt, mức tiêu thụ điện và khoản vay ngân hàng, làm thước đo để thách thức số liệu GDP chính thức bị thổi phồng của khu vực đông bắc Trung Quốc (gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và một phần khu tự trị Nội Mông).

Sáu năm sau, trong năm đầu tiên cầm quyền, ông Lý đã đẩy mạnh chính sách mà truyền thông nước ngoài gọi là “Likonomics” (kinh tế Lý) - không kích cầu, giảm đòn bẩy tài chính và cải cách cơ cấu. Chính sách này được coi là liệu pháp điều trị cho một nền kinh tế mất cân bằng với nợ chính phủ ngày càng tăng và đầu tư cơ sở hạ tầng quá mức, sau khi gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (553,8 tỷ USD) tràn vào hệ thống tài chính.

Ba trụ cột chính trong cách tiếp cận của ông Lý - không kích thích, giảm đòn bẩy tài chính và cải cách cơ cấu – đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc ổn định ở mức 6% từ năm 2015 đến năm 2019, Nikkei nhận định. Dưới thời ông, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh phát triển công nghệ cao và tiêu dùng nội địa để duy trì tăng trưởng.

Ý tưởng là đánh đổi nỗi đau ngắn hạn của nền kinh tế để lấy lợi ích lâu dài. Đó “chính xác là những gì Trung Quốc cần để đưa nền kinh tế của mình đi theo con đường bền vững”, các nhà kinh tế của ngân hàng đa quốc gia Barclays (trụ sở ở Anh) viết trong một báo cáo nghiên cứu năm 2013.

Đầu nhiệm kỳ thủ tướng của mình, ông Lý đã kêu gọi cải cách kinh tế và chính trị, nhưng đến năm 2018, nhiều trách nhiệm của ông đã được chuyển giao cho các quan chức khác.

Năm 2018, ông Lưu Hạc trở thành Phó Thủ tướng Trung Quốc và được trao quyền kiểm soát một số danh mục đầu tư và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, bao gồm đàm phán thương mại với Mỹ.

Ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng 2 nhiệm kỳ. Ảnh: Getty Images.

“Bất kể gió và mây quốc tế có thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ không ngừng mở rộng cửa. Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược” - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Tuyên chiến với ô nhiễm không khí

Ông Lý cũng bắt đầu giải quyết một trong những vấn đề kinh niên và khét tiếng nhất của Trung Quốc – ô nhiễm không khí.

Ngày 4/3/2014, khi trình bày báo cáo công việc thường niên, ông Lý cho biết Trung Quốc sẽ “kiên quyết tuyên chiến với ô nhiễm”, phá vỡ chính sách lâu dài của nước này là đặt tăng trưởng kinh tế lên trên môi trường.

Sau đó, Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động về chất lượng không khí quốc gia, yêu cầu tất cả các khu vực đô thị giảm mật độ bụi mịn trong không khí ít nhất 10%. Đây là chiến dịch đầu tiên trong chuỗi chiến dịch vì môi trường.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được tiến bộ về môi trường. Mật độ bụi gây ô nhiễm không khí có hại nhất, PM2.5, đã giảm 2/3 ở Bắc Kinh và hầu hết các nơi còn lại ở miền bắc Trung Quốc.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Không khí sạch, nhận định: “Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã mang lại kết quả ngoài mong đợi của hầu hết mọi người”.

George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc - Đại học Oxford, nói: “Ấn tượng chung của tôi về ông Lý Khắc Cường là thời kỳ hoàng kim của ông ấy diễn ra vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình trong khi ông Tập Cận Bình tập trung các chương trình nghị sự liên quan đến đảng, an ninh nội bộ và quân đội. Ông Lý có vẻ thuộc phe cải cách tự do hơn trong nhiều lập luận chính sách kinh tế, dường như đóng một vai trò nổi bật trong chương trình cải cách toàn thể lần thứ ba”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2013 công nhận vai trò quyết định của thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc. Và lần đầu tiên, Đảng cho rằng khu vực kinh tế tư nhân nên được đặt ngang hàng với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Một ủy ban được thành lập để Đảng giám sát tất cả khía cạnh của các chính sách cải cách toàn diện, với ông Tập là trưởng ban và ông Lý là một trong bốn phó trưởng ban.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc từng mờ mịt khói bụi. Ảnh: EPA-EFE.

Danh tiếng cá nhân

Ở cấp độ cá nhân, ông Lý duy trì được danh tiếng về sự liêm chính trong nội bộ đảng, báo Hong Kong South China Morning Post nhận định. Các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc biết ông Lý nói rằng ông là một người vui vẻ và chu đáo.

Đối với công chúng, ông Lý được coi là “thủ tướng của nhân dân” - một vai trò được các bậc tiền bối từ Chu Ân Lai đến Ôn Gia Bảo đảm nhiệm. Ông Lý là lãnh đạo trung ương đầu tiên đến thăm thành phố Vũ Hán vào tháng 1/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Vào tháng 8 năm ngoái, ông Lý đến thăm Trịnh Châu sau khi lũ lụt giết chết hàng trăm người trong thành phố này. Việc làm, doanh nghiệp nhỏ và lao động nhập cư là những chủ đề được ông thường xuyên thảo luận, đặc biệt là khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát COVID-19.

Tại một cuộc họp báo năm 2020, ông tiết lộ rằng hơn 40% trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc sống với mức thu nhập dưới 1.000 nhân dân tệ (5 USD) một tháng, nhiều người trong số họ không có lương hưu hoặc bảo hiểm y tế.

Mặc dù ông Lý đóng vai trò điều hành nhiều hơn trong những năm gần đây nhưng ông vẫn đưa ra một số sáng kiến chính sách nhất định nhằm giảm gánh nặng thuế và phí cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Vào tháng 3, ông tuyên bố chính phủ sẽ tạo điều kiện cắt giảm thuế và phí 2.500 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, sau khi chính phủ miễn 1.100 tỷ nhân dân tệ tiền thuế cho các công ty vào năm 2021.

Chính phủ cũng đã đưa ra các khoản trợ cấp tạm thời cho người lao động nhập cư thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong thập kỷ qua, GDP của Trung Quốc tăng hơn gấp đôi từ 54.000 tỷ nhân dân tệ lên 114.000 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, với tỷ trọng của nước này trong nền kinh tế thế giới tăng 7,2 điểm phần trăm lên 18,5%, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nền kinh tế gần đây hoạt động kém hiệu quả khi các thách thức gia tăng, từ COVID-19 đến lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.

Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà phân tích, ông Chu Dung Cơ nổi tiếng là người thúc đẩy những cải cách khó khăn trong khu vực nhà nước. Ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo cách đây một thập kỷ rằng việc cải cách chính trị không thể bị đình trệ mãi mãi, nếu không Trung Quốc có nguy cơ lặp lại những bi kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa. Ông Lý Khắc Cường cũng chủ trương cải cách nhưng sức ảnh hưởng không bằng.