Đi săn cá đồng

TP - “Cách nay khoảng chục năm, đêm nào ông nhà tôi cũng đi cắm câu ở cánh đồng trước nhà. Tối cắm, sáng ra thế nào cũng có một ký cá lóc đem về”.
Bắt đầu cắm câu vào chiều tà

Bác Hoàng gái bảo tôi vậy khi thấy Nhật, con trai út, tính rủ tôi hôm nay làm một chuyến săn cá đồng, vừa thư giãn, vừa biết cái mùi đồng quê miền Tây.

Bắt đầu cắm câu vào chiều tà.

Nhà Nhật ở xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, Long An, cách Sài Gòn khoảng 40km. ĐBSCL vào mùa nước nổi. Có nơi ngập 2-3 tháng trời, khắp nơi toàn một màu nước trắng. Nhật bảo, mấy hôm nay ngó đồng lúa, bờ kinh, thấy cá đớp nước như cơm sôi.

“Hình như đồng đã có cá trở lại. Dạo này chính quyền gắt gao kiểm soát tụi chích điện bắt cá nên lũ cá chắc đã có cơ hội sinh sôi trở lại. Nhưng mà cũng hên xui, chưa biết tối nay có đủ vài con cá lóc đồng nướng trui đãi anh không đây”.

Khi đàn cá trở lại

Từ sáng sớm, hai anh em đã ra tiệm đồ câu, sắm “đồ nghề”. Nhật mua một bó cần câu, là những que tre to bằng chiếc đũa, dài khoảng 70 cm. Một bó dây câu đã gắn sẵn lưỡi, mỗi sợi dài khoảng 20cm.

Muốn cắm câu, phải đợi trời tối. Bác Hoàng trai, ba Nhật, giải thích: Phàm những con cá trê, cá lóc lớn thường rất tinh khôn. Ban ngày, nhiều nguy hiểm, chúng ít đi kiếm mồi mà núp trong lau sậy, hang hốc nơi đáy nước.

Sáng nay, để thám thính những nơi có thể cắm câu vào buổi tối, chúng tôi mang ít mồi và hai cần câu đi giật cá rô. Nhật bảo, mấy năm trước, ở xóm này, nhà nào cũng có đồ nghề chích điện. Người người, nhà nhà đi chích cá. Chẳng mấy chốc mà lũ trê, lóc, và ngay cả những con rô bí, lòng tong cũng sạch bóng. Chợt nghĩ, cái thú nhậu bia với đĩa cá rô hạt bí (chưa đủ tuổi “thành niên”) chiên dòn của mấy cha trên thành phố cũng có khác gì trò hủy diệt.

Trong buổi câu thử, khoảng hơn chục con cá rô đen bóng, to cỡ ba ngón tay được giật lên trong vòng một giờ đem lại hy vọng cho hai anh em.

Cá lóc, cá trê nướng trui, đặc sản Nam bộ.

Ở xóm, bác Hoàng trai được tiếng là người hiểu biết và có uy tín vì từng làm ở ủy ban xã nhiều năm. Bác bảo, chứng kiến sự tận diệt đối với đàn cá đồng, bác không nề hà sự khó chịu của hàng xóm láng giềng mà liên tục vận động, thậm chí to tiếng, để người ta ngưng lại những hành vi hủy hoại môi trường như xung điện chích cá, bắt cá bố mẹ trong thời kỳ nuôi con. “Cứ thấy ai lừa bắt đám ròng ròng cùng cá lóc mẹ là tui la liền. Bắt con cá lóc bố, lóc mẹ thì đương nhiên đàn con chúng sẽ chết. Mùa sau lấy đâu cá ăn nữa”.

Ở nhiều xã của huyện Tân Trụ, chính quyền sẵn sàng tịch thu đồ nghề xung điện, phạt tiền. “Bên Thủ Thừa nhà em, dân ngoài bãi, chính quyền còn tịch thu cả xuồng. Vì đối với dân vùng ngập, xuồng là phương tiện quan trọng, có khi hơn cả chiếc xe máy, nên người ta chùn”, Sơn, một thanh niên ở xã Mỹ Thạnh, Thủ Thừa, Long An, nói.

Sơn bảo, ác nhất là trò câu cá lóc mẹ bằng vịt con. “Trò này đánh vào tình mẫu tử của con cá nên ác quá. Thường khi câu bằng mồi vịt, khó có con cá lóc bố mẹ nào thoát nổi”. Bọn câu lóc lấy một chú vịt con mới nở, khỏe mạnh, buộc cước. Dưới bụng chú vịt giấu một lưỡi câu sắc ngọt. Khi thấy đàn ròng ròng (cá lóc con) ở đâu, người câu liền quăng con vịt tới, kéo rề rề trên mặt nước. Con cá lóc mẹ sợ đàn con gặp nguy liền bay tới táp liền và dính câu.

Lắm khi, cá mẹ dính rồi, cá cha lại dính tiếp do cái sự “đắm đuối vì con”, để thằng người bắt thóp. “Cá sinh ra là để nuôi sống người. Bắt cá ăn là chuyện thường. Nhưng bắt cá mà nó không còn sinh sôi, nảy nở được thì không chỉ ác mà còn phải xem là dốt nát”, bác Hoàng trai bảo.

Cá lóc đồng, tuy nhỏ nhưng ngon“ăn đứt” cá lóc nuôi.

Cắm câu

5 giờ chiều. Nhật và tôi ra vườn, đào trùn (giun) làm mồi câu. Nhật hướng dẫn: trùn huyết là mồi cắm câu tốt nhất, vì cá thích ăn, hơn nữa nhớt trùn huyết khiến nó phát sáng trong đêm, giúp thu hút lũ cá. Trùn hổ, hay còn được gọi là địa long, to bằng ngón tay cũng tốt.

"Cứ thấy ai lừa bắt đám ròng ròng cùng cá lóc mẹ là tui la liền. Bắt con cá lóc bố, lóc mẹ thì đương nhiên đàn con chúng sẽ chết. Mùa sau lấy đâu cá ăn nữa”.

Anh đừng lấy trùn cơm, loại này sống gần nước, cá ăn thường xuyên như cơm bữa nên không thu hút bằng hai loại trên. Ngoài trùn, người bắt cá lóc còn dùng nhái sống làm mồi. “Cá trê ăn tạp, từ vật sống đến cây trái, rau cỏ. Cá lóc chỉ thích ăn vật còn sống nên người ta thường dùng trùn, để nguyên con, hoặc nhái sống.

Hơn 6 giờ chiều, trời dịu mát và bóng tối nhăm nhe đổ xuống khắp nơi. Hai anh em vác bó cần câu ra đồng, tới những địa điểm đã tăm tia từ sáng. Mỗi cần câu, Nhật móc một, hai con trùn huyết đang ngo ngoe. Nhật bảo, người cắm câu thường mỗi lần cắm vài chục, có người cả trăm cần nên phải có mánh nhớ địa điểm cắm.

“Ví dụ, ở bờ đầm này, cứ 10 bước chân em cắm một cần. Chỗ nào sau 10 bước không thể cắm được thì vơ một nắm cỏ đánh dấu, ý là nơi ấy không có cần câu. Mỗi cần được cắm sâu vào bờ đất sát mép nước. “Cá trê, cá lóc lớn thường bắt đầu đi kiếm mồi từ 7 giờ tối, nhưng cao điểm là 9-11 giờ đêm. Vậy 8 giờ mình đi thăm một lần, 10 giờ đi lần thứ hai. Người nào siêng thì 12 giờ đi lần nữa rồi sáng hôm sau đi thu cần cả thể”.

Tầm 8 giờ, chúng tôi tay đèn, tay xô cùng hũ mồi trùn hồi hộp đi thăm cần lần đầu tiên. Cây cần câu ngay bờ rạch gần nhà đã hết mồi, chứng tỏ có cá ăn. Chúng tôi thay mồi rồi đi tiếp. Kìa, cần thứ hai, dây câu căng vút. Cá dính rồi! Nhật nhẹ nhàng rút cần khỏi bờ đất và nhấc nhanh lên bờ.

Một chú cá lóc tầm 3 lạng giãy đành đạch trên mặt cỏ. Đêm nay khả quan rồi đây. Nhật vừa gỡ cá khỏi lưỡi vừa nói: “Những con dính lưỡi vào mép thế này, nếu không đi thăm sớm thì kiểu gì cũng rách mép và thoát ra”. Hai anh em đi tiếp. Đám lúa trước mặt chúng tôi rung rung. Lại dính cá!

Sau một vòng, trong xô nhựa của chúng tôi đã có bốn chú cá lóc, một chú cá rô lớn, mình đen thui. Cá trở về đồng thiệt rồi.

45 phút sau. Mấy chú cá lóc đồng đã bốc mùi thơm phức, nằm trên mâm được lót trên bằng manh lá chuối lớn sau màn nướng trui bằng rơm, đúng chất miền Tây. Thêm vài trái dưa leo, tô cháo vịt, chai rượu đế Gò Đen chính hiệu, Nhật và tôi đã có thể khoan khoái lai rai, đợi màn thăm cá lần kế tiếp. Đêm ấy, sau hai lần đi “thăm”, chúng tôi đã bắt được trên dưới một ký cá lóc. Quá đã!

Theo Báo giấy