Đi coi viên ngọc lớn nhất nhì quả đất

TP - Với kích thước 2,4x2,0x1,7m nặng 15 tấn, viên sapphire liền khối có tên là Đại Lam Ngọc đang trưng bày tại tiền sảnh Ruby Plaza của Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý (DOJI), dường như là tâm điểm chú ý không chỉ với dân sành ngọc.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đang chiêm ngưỡng Đại Lam Ngọc, viên sapphire xanh lớn nhất Việt Nam - Ảnh: Hồng Vĩnh

Xin được nói luôn là cái tên bài báo không phải do người viết nghĩ ra mà được trích ra từ ý trong thông cáo báo chí của Tập đoàn DOJI (tọa ở 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội).

Cái tên Đại Lam Ngọc được xuất phát từ khối lượng kỷ lục có một không hai trên thế giới.

Từ xưa đến nay, có thể nói chưa bao giờ và chưa nơi nào trên thế giới được thấy một khối đá sapphire chất lượng lớn như khối Đại Lam Ngọc này.

Khối sapphire liền khối có độ cứng đến mức búa tạ bổ vào cũng chỉ vỡ búa mà thôi xứng đáng được đưa vào kỷ lục Guinness. Vân vân và vân vân.

Chắc chắn Guinness ở đây là Guinness thế giới?

Tự hào thay cho nước Việt mình, nhờ có công sức đóng góp của DOJI mà từ nay có thể nói đã chững chạc ghi tên mình vào những quốc gia  trên bản đồ thế giới có ngọc quý, mà lại là có thứ lớn nhất nhì quả đất!

Cánh báo chí chúng tôi may mắn được theo chân bà Phó Chủ tịch nước (PCT) Nguyễn Thị Doan đến chia vui với Công ty DOJI.

DOJI không những có viên sapphire 15 tấn ngự hoành tráng ngay tại tiền sảnh tòa nhà Ruby Plaza luôn tuần nay nườm nượp người Hà thành lẫn khách thập phương đến 44 Lê Ngọc Hân để chiêm ngắm, mà còn có nhiều báu vật khá khủng khác chắc chắn gây choáng cho giới sành ngọc ta lẫn tây!

Trong số đó phải kể đến viên Ruby Sao khổng lồ có tên là Bảo Hồng Ngọc khối lượng 18,88 kg. Khối Ruby Sao có chất lượng hoàn hảo, màu đỏ với cánh sao sáu cánh bao trùm toàn bộ khối ngọc có thể nhìn rõ nét trong điều kiện ánh sáng bình thường... (trích thông cáo báo chí của Tập đoàn DOJI).

Chưa hết, báu vật được xếp thứ ba mà DOJI đang sở hữu là chiếc váy cưới đắt nhất Việt Nam mang tên Bách Ngọc Xiêm Y được đính 100 viên kim cương tượng trưng cho hạnh phúc trăm năm nồng thắm của đôi uyên ương và 222 viên kim cuơng trắng lấp lánh tượng trưng cho vẻ đẹp vĩnh cửu tình yêu bất diệt và hạnh phúc trường tồn...

Lại vẫn chưa hết, báu vật xếp chót của DOJI phải kể đến thứ báu vật triệu đô (USD) được xếp vào hàng những viên đá quý tinh túy nhất thế giới là bảo vật của Ruby Plaza và Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI.

Đó là viên Ruby Sao 15,75 carat sắc đỏ với cánh sao sáu cánh rực rỡ quý hiếm có  một không hai... (Cũng vẫn trích trong thông cáo báo chí của Tập đoàn).

Vốn rất mù mờ về khoản châu báu này nên hầu hết anh em báo chí phàm trần chúng tôi, rằng vui thì có vui và không chỉ hơi bị kinh ngạc mà là kinh thật sự khi lần đầu trong đời được chạm mặt mà còn chạm cả tay.

Khoản này nội quy của tòa nhà Ruby Plaza cấm với dòng chữ không được sờ vào báu vật nhưng nhiều ký giả, trong đó có tôi, thú thực, có sờ trộm một tẹo. Riêng tôi còn dậy lên bao cảm giác của sự thán phục khi chợt nghĩ đến câu của cổ nhân quý vật gặp quý nhân!

Theo những hiểu biết hạn hẹp của mình, những năm xa ngái không nói làm chi nhưng, từ những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước từng rộ lên phong trào đào đá đỏ tầm ngọc Ruby ở vùng Quỳ Châu của miền Tây xứ Nghệ nghèo khó lẫn xứ Lục Yên hoang vu của Yên Bái.

Hàng chục, hàng trăm công ty tư doanh lẫn quốc doanh, hàng ngàn hàng vạn chàng trai bộ đội xuất ngũ từ nông thôn thành thị với khát vọng đổi đời đã kéo về những xứ ấy.

Với tư cách có phép lẫn lủi chui không phép, với hình thức khai thác  thủ công cùng cơ giới, họ thay nhau xé toạc những rừng xanh cùng núi đỏ, xăm soi từng phân rừng mẩu đất để truy tầm đá quý. Có vô khối những thân phận đổi đời. Đổi có nghĩa là từ hèn mạt khốn khó bỗng thành giàu có thành triệu phú, tỷ phú. Đổi cũng có nghĩa là từ nghèo thoắt thành bần hàn khốn khổ!

Bảo Hồng Ngọc, viên Ruby Sao có trọng lượng 18,88kg trưng bày tại tầng 5 tòa nhà Ruby Plaza - Ảnh: Xuân Ba

Nhưng có hề chi, người ta vẫn kìn kìn kéo về Nghệ An về Yên Bái... Tấm mẳn như mớ sapphire vụn (mà bây giờ người ta vẫn dùng để tạo những mảng mầu trên tranh đá quý) nhỉnh cho đến cỡ hạt đậu, hạt lạc. May ra thì bằng quả trứng bồ câu. Bẫm ra thì bằng quả na, quả ổi...

Nhưng không có ai, không có bưởng nào, chẳng có công ty xí nghiệp nào gặp được cỡ ngọc tính bằng ki lô gam, ghê gớm hơn, bằng tạ và, khủng khiếp hơn, hàng tấn như ông chủ DOJI kia.

Cái câu người xưa từng tổng kết (mà đa phần hơi bị vu vơ ?) là quý vật gặp (hay tầm) quý nhân rõ ràng là có cơ sở chắc khừ như vận vào trường hợp ông Phú đây chả hạn? Những thứ tấm mẳn đậu đỗ hoặc cỡ trứng gà trứng vịt chi cho cam?

Mà chình ình hàng tạ hàng tấn như thế, tại sao đám người trần đi tầm đá quý nhung nhúc kia không ngó thấy, không gặp được? Hay con tạo trớ trêu phải đợi bằng được ông chủ DOJI có duyên tới chốn rừng xanh núi đỏ ấy thì mới chịu phát lộ? 

Tôi thoáng thấy những ánh mắt kính nể của quan khách trong đó có  đám ký giả  hướng cái nhìn về ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ DOJI. Tên xứng với danh phận.

Chưa có điều kiện tiếp xúc, nên không rõ trước đây ông làm nghề gì, loáng thoáng có nghe bà Phó Chủ tịch nước giới thiệu ông chủ Cty Cổ phần DOJI là người kinh doanh giỏi, từng làm ở Viện khoa học Việt Nam, thạo tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.

Tôi xin biên ra đây vài thông số của DOJI: Số lượng CBCNV gần 400 nguời và hơn 2.000 nhân viên trong toàn hệ thống. Năm 2008 DOJI đạt doanh số hơn 5.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2009 đạt doanh số 5.800 tỷ đồng, xuất khẩu hơn 200 triệu USD. Bình quân thu nhập của lao động gần ba triệu đồng.

Thú thực tôi cũng tò mò muốn biết địa điểm cụ thể nào tại Yên Bái hoặc Nghệ An từng phát lộ ra thứ báu vật mà DOJI đang sở hữu. Miền Tây Nghệ An đã mênh mông, mạn Lục Yên của Yên Bái còn nhiêu khê nữa.

Bên những báu vật như viên sapphire 15 tấn, viên Bảo Hồng Ngọc gần 20 kg có gắn tấm biển ghi những nơi xuất xứ. Nhưng qua hỏi han này khác, tôi biết vài vị chức việc của DOJI không muốn nói cụ thể nơi phát lộ của những báu vật kia. Có thể đó là bí mật của kinh doanh chăng?

Dùng dằng mãi tôi với anh bạn đồng nghiệp mới dứt mắt ra khỏi viên sapphire sừng sững án ngữ ở tiền sảnh Ruby Plaza phố Lê Ngọc Hân. Người xem cứ bữa bữa lại kéo về đây bởi Ruby Plaza mở cửa 24/24.

Mải ngắm mải bàn, tôi và người bạn đồng nghiệp đi chung chiếc xe máy rời Ruby Plaza mà quên béng gửi lại cái vé gửi xe. Đang chưa biết trả lời thế nào trước thắc mắc của anh bạn rằng, viên ngọc lớn nhất nhì quả đất kia cùng với nhiều báu vật nữa ngày đêm mở cửa cho người xem như thế, nhỡ kẻ xấu nhòm ngó rồi tiếp cận bằng những thủ đoạn tinh vi này khác thì tính sao?

Bất ngờ một bàn tay nặng chịch vỗ lên vai. Giật mình quay lại thì là anh bảo vệ. Anh nhắc chúng tôi cái vé gửi xe. Những lần tìm cùng lộn trái túi này túi khác vẫn không tìm ra chiếc vé bằng mẩu giấy bé tẹo.

Có vài ánh mắt ngỡ ngàng ngó động thái móc hết túi này túi khác của chúng tôi trước mặt người bảo vệ Ruby Plaza. Mãi hồi lâu, mảnh giấy bé tẹo mới tìm được. Anh bảo vệ không quên nhắc chúng tôi trả ba ngàn tiền gửi xe.

Ba ngàn tiền gửi xe còn nhớ thì những báu vật hàng triệu đô kia làm sao mà sao nhãng cho được?