'Đi chợ' giá 0 đồng dành tặng bà con nghèo ngày giãn cách xã hội

TPO - Với "ngân sách" dành tặng 100.000 đồng, bà con được tự chọn các nhu yếu phẩm thiết yếu tại "siêu thị 0 đồng" để tiêu dùng trong những ngày khó khăn vì dịch bệnh.    
Mô hình mang tên "Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng" đầu tiên tại TPHCM vừa được khai trương hôm nay (21/4) ở chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3) với mục tiêu hỗ trợ cuộc sống những người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Siêu thị này do APEC Group khởi xướng, tổ chức với sự đồng hành, ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị. 
Tất cả hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu (mì gói, trứng, dầu ăn, nước mắm, đường, gia vị) được bày lên kệ sẵn sàng chia sẻ cho bà con nghèo.
Người dân đến nhận quà được lưu lại thông tin cá nhân để Ban tổ chức tiện quản lý. 
Theo đó, mỗi người dân được nhận quà 2 lần trong tháng (mỗi lần "đi chợ" tối đa 100.000 đồng)
Tình nguyện viên hỗ trợ lấy đồ dùng cho người dân tại "Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng"
Bạn trẻ giúp người dân chọn các món lương thực, thực phẩm cần sử dụng trước khi vào nhận quà
 Đại diện BTC mô hình siêu thị này cho biết siêu thị sẽ cố gắng phục vụ những người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội. Sau đó sẽ tiếp tục duy trì để hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh thực sự khó khăn.
Ngoài chia sẻ thực phẩm, vào thứ 7 trong tuần còn có hoạt động "Bánh mì kẹp sách". Theo đó, mỗi người dân nhận được một phần bánh mì, bánh ngọt và một cuốn sách bất kỳ. Đặc biệt, siêu thị hoan nghênh tinh thần yêu sách của mỗi người, do đó người dân có thể quay lại trả cuốn sách trước đó và nhận sách mới, đồng thời nhận thêm phần bánh.
Lan tỏa tinh thần nhường cơm sẻ áo trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, những ngày này báo Người Lao Động đã tổ chức phát thực phẩm thiết yếu ngay tại trụ sở trên đường Võ Văn Tần, Quận 3. Người dân đến nhận phải đảm bảo giãn cách 2 mét, được rửa tay sát khuẩn trước khi nhận suất quà gồm gạo, trứng, mắm, dầu ăn... Điểm thú vị là phần quà gạo và trứng được tuôn ra từ "trạm ATM".
Những người già yếu, khuyết tật được tặng quà ngay không phải xếp hàng