Đến Viêng Chăn mổ vịt, hỗ trợ dân

TP - “Lúc tôi mổ vịt, nhiều người dân hiếu kỳ đến xem. Tôi đã phân tích, chỉ ra bệnh và nguyên nhân gây bệnh rồi kê đơn thuốc cho đàn vịt. Sau 2 ngày dùng thuốc, đàn vịt ổn định sức khỏe; người nông dân vui mừng mang trứng, vịt đến cảm ơn chúng tôi”...
Anh Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn Vet24h (bên phải) mổ khám bệnh cho vịt tại Naxaythong

Đó là một trong những kỷ niệm của anh Nguyễn Văn Minh, khi còn là Phó Bí thư Đoàn, giảng viên khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tham gia chuyến tình nguyện đến Thủ đô Viêng Chăn của Lào.

Sức hút từ anh kỹ sư Việt Nam

Anh Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Bí thư Đoàn, nguyên giảng viên khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn Vet24h -Thú y 24 giờ. một trong những gương mặt quen thuộc tham gia nhiều chuyến tình nguyện dài ngày tại Viêng Chăn.

Tính sơ sơ đến thời điểm này, anh đã thực hiện hơn 10 chuyến tình nguyện tại Lào, trong đó 5 chuyến đi cùng Thành Đoàn Hà Nội. Với kiến thức chuyên môn của mình, anh phụ trách nhóm công việc tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt giúp bà con nông dân tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Đức Tiến, UV BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội vẽ bích họa cho trường học tại Xay Tha Ni (Viêng Chăn)

Anh Minh kể, năm 2017, trong chuyến tình nguyện tại Naxaythong (Viêng Chăn), anh gặp tình huống trang trại nhà ông Bun Khăm Sỏn ở làng Na Son nuôi 700 con vịt gặp hiện tượng mỗi ngày có một số con bị bệnh, chưa rõ nguyên nhân. Ông Bun Khăm Sỏn rất hoang mang, lo lắng mà chưa có cách cứu chữa.

Anh Minh đến trang trại thăm khám cho đàn vịt và đặt vấn đề xin mổ con vịt tìm hiểu nguyên nhân. Lúc đầu, ông Bun Khăm Sỏn còn e ngại nhưng sau khi được giải thích, ông đã đồng ý.

“Lúc tôi mổ vịt, nhiều người dân hiếu kỳ đến xem. Tôi đã phân tích, chỉ ra bệnh và nguyên nhân gây bệnh rồi kê đơn thuốc cho đàn vịt. Sau 2 ngày dùng thuốc, đàn vịt ổn định sức khỏe; người nông dân vui mừng mang trứng, vịt đến cảm ơn chúng tôi”, anh Minh nhớ lại. “Tiếng lành đồn xa”, người dân ở các địa phương tìm gặp kỹ sư Minh nhờ đến các trang trại tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi.

Sau những chuyến tình nguyện, mỗi khi chia tay, anh Minh đều lưu luyến, xúc động trước tình cảm của người dân nơi đây. “Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Viêng Chăn, tôi cảm nhận được sự tương đồng của thanh niên hai nước Việt Nam- Lào. Đó là sự chan hòa, nhiệt huyết, khăng khít với một cảm giác rất thân quen”, anh Minh nói.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn Vet24h tiết lộ, anh đang chuẩn bị mở Trung tâm dịch vụ về thú y, trồng trọt tại Lào nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân nước bạn.

Mang làn gió mới đến Xay Tha Ni

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội, từng tham gia 4 chuyến tình nguyện tại các địa phương nghèo, khó khăn của Thủ đô Viêng Chăn, trong đó có 2 chuyến làm trưởng đoàn vào các năm 2018, 2019. Với anh, mỗi chuyến tình nguyện tại Lào là một hành trình trải nghiệm không thể nào quên về miền đất, con người mà anh từng gắn bó.

Anh Tiến kể, năm 2019, anh làm trưởng đoàn tình nguyện tại huyện Xay Tha Ni. Vượt qua hành trình dài gần 800 km từ Hà Nội đến huyện Xay Tha Ni, đoàn tình nguyện gồm cán bộ Đoàn, y bác sĩ, kỹ sư, đoàn viên, thanh niên được bố trí ăn, ở tại một trường học. Ngôi trường đã xuống cấp, nên các thành viên trong đoàn kê bàn ghế, rải chiếu làm chỗ ngủ, tự nấu nướng. Các bạn nữ phải đi tắm nhờ nhà dân. Các bạn nam tắm tập thể tại vòi nước của trường.

Dù còn nhiều thiếu thốn, cộng với thời tiết khắc nghiệt nhưng bằng tình cảm, tinh thần xung kích tình nguyện, tuổi trẻ Thủ đô đã mang đến làn gió mới cho Xay Tha Ni. Đoàn khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng công trình thanh niên, tặng thiết bị công tác đoàn, đội cho Xay Tha Ni.

Anh Tiến nhớ lại, ngày khám bệnh miễn phí cho người dân Xay Tha Ni, do người đến khám đông, đoàn bác sĩ tình nguyện tranh thủ ăn mỳ tôm vào bữa trưa ngay tại bàn khám để có thời gian phục vụ người dân nhiều nhất. Ngày đoàn tình nguyện chia tay về Hà Nội, ngôi trường nơi đoàn ăn ở đã được khoác lên mình “màu áo mới” bằng những màu sơn, hình vẽ sinh động và các trang thiết bị dạy học mới.

Tình keo sơn tuổi trẻ hai Thủ đô

“Thành Đoàn Hà Nội và Thành Đoàn Viêng Chăn gắn bó với nhau bằng tấm tình cảm chân tình, tự nhiên, trong sáng, hiếm có, xuất phát từ mối lương duyên đặc biệt giữa hai Thủ đô, hai dân tộc. Mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên hai đơn vị đều ý thức được tình cảm này. Vì thế, mỗi khi nhắc đến Viêng Chăn thì thanh niên Hà Nội đều rất sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết.

Bắt đầu từ năm 2008, ngoài việc tổ chức các đoàn ngoại giao, hằng năm, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức đoàn tình nguyện tại Viêng Chăn. Tính đến năm 2019 (năm 2020, 2021 không triển khai được do dịch bệnh COVID -19), Thành Đoàn Hà Nội đã có 11 năm tổ chức 11 đoàn tình nguyện tại Viêng Chăn.

Trong mỗi đoàn tình nguyện đều có các y bác sỹ trẻ, kỹ sư nông nghiệp, họa sỹ, nhạc sỹ, chuyên gia kỹ năng hoạt động Đoàn, kỹ sư điện - xây dựng,... với số lượng 30 - 40 thành viên. Địa bàn hoạt động là các huyện ngoại thành, miền quê còn nhiều khó khăn của Viêng Chăn. Mỗi chuyến tình nguyện kéo dài 8 - 10 ngày.

Đặc biệt, trong quá trình khám bệnh, các bác sĩ tình nguyện đã phát hiện, cứu chữa nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh nguy hiểm... Đoàn tình nguyện cũng xây dựng lớp học, thư viện, đường giao thông, sân chơi thiếu nhi; lắp đặt hệ thống chiếu sáng; chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, thú y; dạy học, dạy hát, dạy kỹ năng; tập huấn kỹ năng cho cán bộ Đoàn...

Từ năm 2020, dù không thể tổ chức các chuyến tình nguyện trực tiếp do COVID-19, nhưng Thành Đoàn Hà Nội vẫn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho sinh viên Lào đang học tập tại Hà Nội; gửi quà hỗ trợ phòng chống dịch bệnh sang Viêng Chăn.

Hiện có 6 quận, huyện của Hà Nội kết nghĩa với 6 quận, huyện của Viêng Chăn; Hội Doanh nghiệp trẻ 2 Thủ đô ký phối hợp từ năm 2015.

Hằng năm, Trường Lê Duẩn của Thành Đoàn Hà Nội đều tổ chức lớp đào tạo cán bộ Đoàn - Hội cho Thủ đô Viêng Chăn tại Hà Nội. Mỗi khóa 20 học viên, kéo dài 20 ngày, chi phí do Thành Đoàn Hà Nội tài trợ. Từ năm 2018 mở rộng năm 2 lớp mỗi năm. Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Viêng Chăn đã từng học tập, tốt nghiệp lớp đào tạo tại Trường Lê Duẩn.