Đến Đại học Duy Tân... học ngành Du lịch

Không thể phủ nhận, sự đột phá trong phát triển du lịch những năm qua đã giúp thành phố Đà Nẵng thay da đổi thịt, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố nhờ thế không ngừng nâng lên. Tuy nhiên, không ít người tiếc nuối khi với rất nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp như Bà Nà, Sơn Trà, Tiên Sa, Non Nước,…nhưng Đà Nẵng vẫn chưa thực sự khơi dậy hết tiềm năng thu hút khách du lịch.
ĐH Duy Tân ký kết hợp tác, tổ chức hội thảo quốc tế và đưa sinh viên đến với các doanh nghiệp du lịch lớn

Có ai đó vẫn đau đáu một lo ngại rằng Đà Nẵng mới chỉ được xem là điểm trung chuyển do nằm trên con đường di sản miền Trung chứ chưa thật sự là "hub" du lịch của miền Trung.

Nguyên do không hẳn nằm ở sức thu hút lớn của các địa điểm lân cận như phố cổ Hội An, cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng,... mà phần nhiều là do cái “chênh” giữa đào tạo và hành nghề du lịch, dẫn đến chất lượng dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng không thật sự đồng đều và ổn định. Mỗi năm, Đà Nẵng luôn cần thêm hàng nghìn lao động chất lượng làm việc cho ngành du lịch. 

Đó chính là thách thức cho các trường đại học và cao đẳng trong vùng. Với thâm niên 22 năm đào tạo Du lịch, Đại học (ĐH) Duy Tân đang tiên phong trong nỗ lực cung cấp cho thành phố nguồn nhân lực du lịch được đào tạo bài bản và với những kỹ năng và kiến thức tiên tiến nhất theo các chuẩn quốc tế.

Trong tiến trình hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, năm 2009, ĐH Duy Tân đã ký kết với ĐH Bang Pennsylvania (PSU) - 1 trong 5 đại học hàng đầu thế giới về Quản trị-Du lịch cũng như 1 trong 5 đại học công lập lớn nhất Mỹ để triển khai các chương trình Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính-Ngân hàng, Du lịch Khách sạn và Du lịch Nhà hàng. Mục tiêu của hợp tác này là đưa chất lượng đào tạo các ngành nghề Kinh tế-Quản trị-Dịch vụ, trong đó có lĩnh vực Du lịch bước sang một trang mới. Với việc chuyển giao từ 18 đến 24 môn học cho từng ngành học liên kết với ĐH Bang Pennsylvania, sinh viên Duy Tân đã và đang được tiếp cận với các nguồn kiến thức tiên tiến, được học tập với các giảng viên, giáo sư đến từ Mỹ, và được nhận chứng chỉ quốc tế do chính một đại học của Mỹ - ĐH Bang Pennsylvania cấp.

Những giải thưởng lớn trong lĩnh vực Du lịch ghi nhận nỗ lực trong nghiên cứu và học tập của giảng viên - sinh viên Duy Tân

Ngay sau đó, từ năm 2013, với việc áp dụng mô hình đào tạo PBL (Problem-Based Learning/Project-Based Learning - Học theo Vấn đề/Học theo Dự án) trong đào tạo Du lịch, ĐH Duy Tân đã ghi nhận những đổi thay bất ngờ từ sinh viên theo học tại trường. Nổi tiếng đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia từ nhiều năm nay, mô hình đào tạo PBL tiếp tục khẳng định thương hiệu tại Duy Tân khi góp phần đào tạo ra những tân Cử nhân năng động, nhạy bén, tự tin và thạo việc. PBL thật sự đã giúp sinh viên Du lịch Duy Tân trở nên chủ động hơn trong học tập, thực tập, làm hướng dẫn viên du lịch, hay tham dự và giành những giải thưởng lớn trong các cuộc thi có tiếng về du lịch, như giải Nhì Hội thi “Lễ tân Khách sạn Đà Nẵng 2013”, giải Nhất nghề Thiết kế Quảng bá, giải Ba nghề Nấu ăn, 3 giải Khuyến khích tại Hội thi Tay nghề TP. Đà Nẵng năm 2014,…

Song song với công tác đào tạo, trong những năm trở lại đây, ĐH Duy Tân đã phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín về du lịch để tổ chức các hội thảo chuyên sâu về Du lịch và Lưu trú. Năm 2013, Duy Tân kết hợp với các chuyên gia tổ chức PUM - Hà Lan (PUM Senior Experts) tổ chức Hội thảo “Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng”; năm 2014, Duy Tân phối hợp với Khoa Du lịch Đại học San Jose State (Mỹ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển Du lịch Đà Nẵng”; những ngày cuối năm 2015, Duy Tân bắt tay cùng Hiệp hội Du lịch Văn hóa Thế giới, Học viện Du lịch Văn hóa Hàn Quốc tổ chức Hội thảo Du lịch thế giới lần thứ 3, Hội thảo Du lịch Văn hóa quốc tế lần thứ 17. Tại Hội nghị này, Báo cáo “Mô hình đo lường chất lượng dịch vụ của Sun Wheel – TP. Đà Nẵng” của ThS. Cao Thị Cẩm Hương và Lê Hữu Luật - giảng viên khoa Du lịch ĐH Duy Tân đã được Hiệp hội Du lịch Văn hóa Thế giới trao giải “Best Paper” trong tổng số 76 nghiên cứu khoa học được trình bày tại Hội thảo.

Xây dựng và phát triển giữa “thành phố đáng sống” với những bờ biển mướt xanh, cát trắng và nắng vàng cùng những cây cầu bắc qua sông Hàn đã trở thành thương hiệu, ĐH Duy đang nỗ lực cung cấp cho thành phố biển Đà Nẵng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhất để đẩy nhanh phát triển của ngành công nghiệp "không khói" này. Không ít doanh nghiệp du lịch như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Hyatt Regency Danang Resort & Spa, Furama Resort Danang, Vitours, Vietravel, SaigonTourist,... luôn ưu ái cho sinh viên Duy Tân những cơ hội thực tập và việc làm tốt nhất.

Đã từng làm việc trong ngành du lịch và gắn bó hơn 22 năm với công cuộc xây dựng ĐH Duy Tân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, chia sẻ: “Không phải thành phố nào cũng có biển, có núi, có sông và có những con người thân thiện, dễ mến như Đà Nẵng.

Bởi vậy, sứ mệnh của chúng ta là phải hành động ngay từ bây giờ để góp sức khơi dậy tiềm năng từ mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi này, để người dân trong và ngoài nước có những giây phút tận hưởng tuyệt vời khi đến nơi đây. Những năm qua, bắt tay hợp tác với ĐH Bang Pennsylvania, Duy Tân luôn tập trung không ngoài mục đích nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra cho nhân lực trong ngành Du lịch của thành phố.”