Cũng bao lần gặp đụng ở vùng miền đâu đó nhân sự kiện này khác, từng cùng học Khoa Văn (thày Vĩ khóa 18, tôi khóa 17) nhưng có lẽ lần đầu được cùng phòng với ông bạn, thầy giáo Nguyễn Hùng Vĩ từng là giảng viên khoa Văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Thày Vĩ đang nổi trội, đang “hot” với cương vị nhà văn hóa, nhà nghiên cứu dân gian.
Tuổi già, lại lắm bệnh nên tôi tôn sùng một danh nhân với câu nói nổi tiếng đại loại, tôi sẵn sàng làm một nhà dân chủ quảng đại nhưng không bao giờ chấp nhận việc ngủ chung phòng với người khác! Nhưng mấy khi được cùng phòng với thày Vĩ?
Tất nhiên là khá bắt tai nghe những chuyện thày Vĩ liên tục được mời đi các vùng miền dự hội thảo, làm chuyên gia cho công trình nghiên cứu này khác... Nhưng tôi láng máng đồ rằng, chất giọng Khu Tư quen thuộc vọng ra từ giường bên như những lần mình coi tivi, nghe đài những cuộc thày Vĩ đăng đàn xuất hiện trước công chúng chắc một hồi nữa thôi sẽ đưa mình chìm vào giấc ngủ!
Cái gì? Thày Vĩ đương nói gì nhỉ? Âm lượng Khu Tư kia vẻ như chẳng đều đều êm êm bởi không phải đang chuyển tải một hàm lượng thông tin không thường? Mới đầu đương nằm, sau tôi phải nhỏm hẳn lên. Để phải nghe cho thủng cái chuyện thày Vĩ trình độ ký xướng âm của thày chỉ i tờ nhưng là chuyên gia bày đặt cấu thành nên những thành công của hồi cổ dân ca. Thầy Vĩ là người có công lớn trong việc phục dựng hò khoan Lệ Thủy. Thày cũng là người mà người dân vùng quan họ Bắc Ninh tôn kính gọi là "thầy". Hồi trong trường, lớp trên lớp dưới, Nguyễn Hùng Vĩ nổi danh có thứ giọng khá lạ khi hát dân ca. Thày hát không phải là hay, nuột. Nhưng chất giọng thày có chi đó ma mị mà sau này có chuyên gia gọi chất giọng ấy là có “màu”. Màu ấy vượt thoát những khuôn rập “vang rền nền nẩy” trong quan họ.
Muốn có “màu”, phải “máu”. Khó tính đếm hết những đợt thày Vĩ ăn dầm nằm dề ở Lim, ở Thiên Thai, ở Chờ, ở Yên Phong, Thuận Thành… Tôi đồ rằng nếu như thành thạo nhạc lý, thày Vĩ có thể ghi biên và phục dựng lại. Nhưng chả thể toát yếu lên thứ hồn cốt thần thái bầu nên chất “màu” ma mị ấy! Vậy nên thày chỉ còn cái cách ngồi mà nghe các nghệ nhân. Ngồi mà nghe ngày lẫn sang đêm. Ngó đăm đăm vào cái miệng của các cụ cái cung cách nhấn/nhả. Nhập tâm thuộc được làn điệu rồi về nghe lại băng ghi âm thày lại phải tua lại phát lại. Trời cho chỉ nghe một hai lần thày đã thuộc. Còn việc đặt lời hay sửa sang lời là cái nghề của thày. Những đối chiếu những sửa sang, phổ biến… Non trăm bài bài hát, ca khúc quan họ đã ra đời và phổ biến mà thày Vĩ là tác giả. Nghệ nhân quan họ Nguyễn Hùng Vĩ được người quan họ kêu bằng “thầy” là vì thế.
Hình như thày Vĩ đang nói về hò khoan Lệ Thủy?
Thấy bên giường im, thày Vĩ tưởng tôi đã ngủ. Thày lẹ làng rời khỏi phòng không tiếng động. Thì ra thày sải ra hành lang hút thuốc. Thày Vĩ nghiện thuốc từ hồi tôi còn trong trường. Thày nhỏ con nhưng bền sức. Có bài tôi viết về thày năm xa “Nguyễn Hùng Vĩ, cái tên nghe trụng trượng nhưng người nhỏ thó…”. Thày cười nhưng không chấp. Một thuộc tính, một thói quen đặc biệt, cứ như là sinh học? Thày có thể thức liền tù tì vài ba ngày để hoàn thành một thứ nghiên cứu chi đó. Nhưng cũng có thể hai, ba ngày đêm chỉ để ngủ.
Nhà khách chúng tôi trọ ngay sát khuôn viên Dinh Độc lập. Âm thanh của những người tập thể dục vẳng lên. Một đêm qua mau với những chuyện nối chuyện… Thày Vĩ đang sẻ chia với tôi chuyện về những kỷ niệm của thày với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hồi ông Trọng làm ở Tạp chí Cộng sản được thày Vĩ đèo trên xe đạp từ Mễ Trì vào nội đô. Rồi sau này thày Vĩ có chương trình làm việc với Thành ủy, được bà Mận, vợ ông Trọng, nấu cơm trưa suốt cả mấy tuần. Chuyện ông Trọng mời thày Vĩ về Trung ương làm việc không thành, ông Trọng đã “bắt đền” thày Vĩ giới thiệu kỳ được một người khác thay thế…
Cái khoản hò khoan Lệ Thủy của thày đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017. Dạo ấy, thày vô Quảng Bình làm cho chùa Hoằng Phúc mấy bộ câu đối. Cũng nói thêm, thày am hiểu chữ Hán. Xong việc câu đối lẫn đại tự cho chùa Hoằng Phúc, chùa còn nhờ thày Vĩ viết kịch bản và tổng đạo diễn cho lễ hội thường niên của chùa. Lại một duyên lành được khởi. Tại chùa, thày đã gặp những người dân Lệ Thủy, lam lũ, chất phác. Rồi thày Vĩ biết được họ là các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy thứ thiệt. Thế là cái “máu” dân gian sở trường trỗi dậy, thày đã đồng hành với họ, không phải với tư cách nhà nghiên cứu mà như một nghệ nhân.
Thày Vĩ kể lại chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thời gian về Lệ Thủy để đôn đốc phong trào Gió Đại Phong trên con thuyền đã hò khoan suốt đêm với dân.
Hò khoan Lệ Thủy trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố nhưng 9 “mái” hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc, luật nghiêm ngặt không hề thay đổi. Tôi phải bật đèn để ghi lại thể thức mà thày Vĩ đang nói về 9 “mái” hò khoan Lệ Thủy: Lỉa trâu; Mái nhài (dài); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm.
Mồn một lời thày trong đêm sâu Sài thành rành rẽ như này.
“Từ Hà Nội, cứ dăm bữa, nửa tháng tôi lại xuôi ngược vào Lệ Thủy, có mặt ở hầu hết những sự kiện lớn, nhỏ, cùng CLB nghệ nhân hò khoan tập luyện, nghiên cứu, sưu tầm. Vốn sở trường viết lời cổ cho quan họ, chầu văn, chèo..., vậy khi tiếp cận hò khoan Lệ Thủy, tôi không mấy bỡ ngỡ. Trong tổng kho tàng hò khoan Lệ Thủy cổ đã sưu tầm gồm 1.041 lời ca, có đến hơn 780 bài trên khuôn thức song thất lục bát, chiếm 76,6%. Đó là một điều đặc biệt. Các thể thơ dân tộc lại là cái mà tôi được đào tạo và thân thuộc. Vấn đề là tôi tìm hiểu năng lực từng nghệ nhân để viết đúng sở trường hát của họ cũng như dùng “bộ” ngôn ngữ thế kỷ XIX về trước để viết. Qua 17 tháng, tôi đã viết được 130 bài dài ngắn theo cách tính của văn học dân gian cho hò khoan Lệ Thuỷ”.
Rồi chuyện thày Vĩ đôn đáo chạy kinh phí để đưa toàn bộ đội hò khoan mấy chục người ở Lệ Thủy ra Hà Nội trình diễn báo cáo. Chuyện thày bỏ tiền túi ra mua một chiếc thuyền để giữ chân một nghệ nhân làm nghề đánh cá trong đội hò khoan.
Cơn ngủ có lẽ đã qua. Thày Vĩ đang nói về các giáo sư thày học chung của chúng tôi. Khác với những năm tháng ở Khoa Văn, chúng tôi thường kính nhi viễn chi các giáo sư thì thày Vĩ hằng bao năm đã gần gụi với một cự ly sát sạt. Thày hằng tháng có nhiệm vụ phát lương mua hàng căng tin cho các thày.
Thày Vĩ đang nói về GS Bùi Duy Tân vốn rất thân gần. Giáo sư cũng là thày giáo phản biện luận văn tốt nghiệp của kẻ viết bài này. Tôi cùng thày Vĩ ôn lại nhiều đóng góp độc đáo của ông thày học Bùi Duy Tân. Nhiều thế hệ người Việt cứ làu thuộc cứ đinh ninh câu “Ức trai tâm thượng quang Khuê tảo” của Lê Thánh Tông là “Ức Trai lòng sáng tự Sao Khuê”. Thày Bùi Duy Tân đã phát hiện ra câu ấy dịch như vậy, hiểu như vậy là sái là sai. Thày chỉ biết âm thầm chia sớt với các học trò. Như thày từng rành rẽ trước lũ chúng tôi rằng “khuê” là 1 trong 28 vị tinh tú, biểu tượng của văn chương; “tảo” là loài rong biển, nghĩa rộng là màu vẻ đẹp đẽ, không phải mang nghĩa là buổi sớm. “Khuê tảo” đi với nhau chỉ văn, đối với "giáp binh" ở câu dưới chỉ võ.
Rồi thày giảng thêm, cách dùng "khuê" để chỉ văn chương người xưa đã dùng. "Khuê tảo" trong câu thơ của Lê Thánh Tông là ca ngợi văn chương Nguyễn Trãi chứ không phải ca ngợi nhân cách của Nguyễn Trãi!
Mãi sau này, thày Bùi Duy Tân mới đĩnh đạc công bố công trình nghiên cứu của mình về vấn đề này và cải chánh những lầm lẫn khi nhiều người cho rằng bài thơ “thần” Nam Quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt.
Năm 1976, anh sinh viên Hùng Vĩ làm thư mục Nguyễn Trãi cho khoá luận tận Thư viện Quốc gia. Vĩ cuốc bộ về Ký túc Mễ Trì vì không có nổi 5 xu đi tàu điện. Xuống nhà ăn thì đám bạn đã chén mất phần cơm. Tủi thân, Vĩ ngồi khóc. Thế nào mà GS Bùi Duy Tân biết được chuyện. Thày gọi lên cho 1 đồng 2 hào. Lúc đã thân tình, thày dặn sách dân gian toàn những điều hay, đọc sách trước nhất là học kinh nghiệm mà sống đã, còn nghiên cứu thì để sau.