Đêm lo, ngày ngóng ở Làng Nủ

TP - Tiếng mưa lộp độp vang lên từ rừng cọ. “Có mưa, chắc sẽ mưa to”, tiếng người lao xao ngay trước điểm trường Làng Nủ. Hàng đêm, mọi người cứ bàn luận “tối ngủ tại trường học hay về nhà?”. Người Làng Nủ vẫn chưa hết sợ. Thôn Làng Nủ là một miền quê tuyệt đẹp, nên năm tháng rồi sẽ hàn gắn vết thương.

Đêm…lo

Đêm ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, tiếng nước suối xào xạc từ trên núi Con Voi chảy qua làng luôn là tâm điểm gây ra sự chú ý. Tiếng xào xào vang lên trong tai tôi có vẻ nhẹ nhàng, nhưng âm thanh đó dường như đang khuếch đại đối với đồng bào địa phương, vì nỗi ám ảnh lũ quét. Cụ Hoàng Văn Hòa vẫn đăm đăm nhìn dòng suối qua ô cửa sổ. Đi khắp thôn Làng Nủ, từ đầu tới cuối xóm, ai cũng mô tả lại âm thanh của buổi sáng ngày 10/9. Mỗi người nói một kiểu: “giống xe chở quá tải đang trèo lên dốc, giống máy bay rơi”.

Vợ chồng và con ông Ma Văn Quốc chờ tin tìm thi thể con gái. Ảnh: Lê Văn Chương.

Chiều tối sập xuống thôn Làng Nủ rất nhanh vì mặt trời sớm ẩn sau lưng dãy núi Con Voi. Đêm, đó là lúc người dân làng rậm rịch di chuyển. Chị Hoàng Thị Nụ sột soạt kéo chiếc cửa tôn và rấp lại cửa trong khi mắt vẫn nhìn về phía suối. Chồng chị là anh Hoàng Văn Hiếu gói túm chăn và mang theo gói mì tôm. Bà Hoàng Thị Thắng và Hoàng Thị Cách nhớn nhác nhìn ra phía bờ suối, lắng nghe tiếng nước chảy. Bà Thắng nói rằng: “Ôi… anh, em mất, chị dâu mất, cháu mất, bà thím mất, nhà thì nứt hết, núi nứt, sợ quá nên đi ở nhờ”.

Quán nước của gia đình ông Ma Văn Phúc nằm trước điểm trường thôn Làng Nủ, từ mờ tối đến khuya, bàn ghế đặt trước quán luôn là nơi đứng lên, ngồi xuống liên tục với vẻ nóng lòng của nhiều người dân địa phương. Anh Hoàng Văn Vơi, con của bà Dương Thị Chiếm, là gia đình từng bị lũ quét làm trôi nhà vào năm 2008, vì vậy anh khá nhạy cảm khi mưa lũ. Khi tới trường thấy nhiều người ở, anh sang ở nhờ nhà người thân là chị Hoàng Thị Quyến cùng với anh Ma Văn Cường, Hoàng Văn Tình và Hoàng Văn Tin.

Phần lớn học sinh ở thôn Làng Nủ được cha mẹ chuyển ra điểm trường học bán trú cách thôn 5 km. Chị Hoàng Thị Thương đưa 2 người con nhỏ đi địa phương khác, vì con của chị cũng giống như một số đứa trẻ ở nơi này, cứ có mưa, sấm chớp là ôm chân mẹ hối thúc “chạy nhanh lên!”.

Chị Hoàng Thị Sữa và Hoàng Thị Sách cứ buổi chiều tối là chuẩn bị bữa ăn cho ngày mai. Chị Sữa bê một chảo lớn và cho biết: “Mỗi bữa nấu mấy cân gạo, vì số bà con đến xin ở nhờ là 24 người, tình làng nghĩa xóm thì cùng giúp nhau, ai bớt sợ thì từ từ trở về nhà mình. Đi khắp xóm thỉnh thoảng lại gặp những ngôi nhà dân được địa phương huy động là điểm lưu trú của bà con. Trước những ngôi nhà này treo tấm bảng đỏ: “Khu vực cứu hộ cứu nạn nguy hiểm, không có nhiệm vụ, cấm vào”.

Ngày… ngóng

Sáng 18/9, chị Lê Hoàng Thị Cảnh chạy xe máy hớt hải xuống khu vực 5 chiếc xe xúc đang ầm ầm đào bới tìm kiếm thi thể người mất tích. Cùng đi với chị có rất nhiều người là thân nhân của những nạn nhân mất tích chưa tìm thấy thi thể. Khi thấy nạn nhân được nhận dạng là anh Nguyễn Văn Xứ, không phải người thân của mình, chị lau mồ hôi, nước mắt và lẳng lặng ra về. Chị cho biết: “Từ ngày có bộ đội đến tìm kiếm, cả ngày em chỉ chờ ngóng tin bên bờ suối này thôi, chưa đi làm gì được vì trông mong từng ngày”.

Chiếc xe chở quế như bóng ma trong đêm.

Ông Ma Văn Quốc, nhà ở trước điểm Trường Tiểu học Làng Nủ là người gần như bám hiện trường từ sáng tới tối. Người ông gầy rộc đi vì mỗi bữa chỉ ăn cầm chừng, bát canh cá đuôi đỏ nấu với lá vón vén húp vào cũng chả ngon. Ông chống cằm nhìn về phía bờ suối và kể chuyện đại nạn của gia đình: “Con gái của chú là Ma Thị Châu, SN 1992, làm dâu ở khu vực gần suối, gia đình bà Hoàng Thị Bùi. Vậy rồi lũ cuốn chết cả gia đình sui gia, con rể, con gái và chỉ còn mỗi đứa cháu là Hoàng Ngọc Lan còn sống, đang nằm viện điều trị”.

Tại khu vực đồi Sim, tiếng máy xúc, máy ủi vang lên suốt mấy ngày qua. Con đường lên đồi sim cong như hình lưỡi liềm, ngay ngõ rẽ là rừng cây lá cọ xanh mướt như những bàn tay giơ ra che nắng, che mưa, một bên con đường này là rừng cây mỡ, quế, bồ đề, trảu…đang vươn lên thẳng tắp. Thỉnh thoảng đồng bào người Tày lại chạy xe lên để hóng tiến độ thi công khu dân cư mới. Bà Hoàng Thị Son tấm tắc khen: “Chỗ này đẹp lắm, an toàn nữa, người dân ở nơi này thì yên tâm rồi đấy”.

Những người lính rầm rập hành quân qua làng, lên bãi tìm kiếm và trở về. Bước chân và vòng xe của các đoàn từ thiện nối nhau về thôn Làng Nủ, các tình nguyện viên, nhà từ thiện với bát mì gói sau chặng đường hành trình. Quỹ Kết Nối Yêu Thương, Lan Tỏa Nhân Ái từ tận tỉnh Thanh Hóa vận chuyển 3 xe cẩu, múc vào tham gia thi công… Những hình ảnh này khiến người dân ở một miền quê yên bình lao xao, dừng tất cả mọi công việc hàng ngày.

Sau đại nạn càng hiểu hơn tấm lòng của người dân Việt Nam “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Anh Nguyễn Hồng Lam từ huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng cùng chuyến xe tải vượt dặm đường xa xôi có mặt tại trung tâm huyện và cho biết, cố gắng tiếp cận bà con sớm. Anh Lê Anh Đủ, Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao đi chuyến xe chở nặng hàng từ TPHCM… Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nói: “Lúc hoạn nạn càng thấy tinh thần đoàn kết của người Việt Nam”.

Và màu xanh lưng đồi

Dù ở tận Tây Bắc, nhưng hơn 50 năm trước các cụ già thôn Làng Nủ đã nhắc tới một địa danh “có vào mà khó trở ra được”, đó là Sài Gòn. Trước năm 1975, thanh niên ở làng quê rợp bóng cọ có mặt trong đoàn quân tiến vào miền Nam theo đường Trường Sơn. Ông Hoàng Thường Tín, nguyên cán bộ thôn và là cán bộ cựu chiến binh xã cho biết, có người vẫn nằm ở nghĩa trang tận tỉnh Bình Phước, còn lại thì rải rác khắp mọi miền, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế. “Hy sinh nhiều lắm, anh em Hoàng Văn Sáng, Hoàng Văn Xuất, anh Hà Văn Tiến, có người tham gia biệt động Sài Gòn”, ông nói.

Tiếng suối đêm qua thôn Làng Nủ trở thành tâm điểm chú ý và cũng là nỗi ám ảnh với đồng bào.

Sau những ngày mưa đổ triền miên, từ ngày 19/9, ánh mặt trời đã xua đi màu u ám ở thôn Làng Nủ. Đi dọc con suối nhìn về phía thung lũng là ruộng lúa xanh tươi với giống lúa Hà Giang gạo dẻo, thân lúa to, cao. Các hộ gia đình đều có hồ nuôi cá tự nhiên vì nguồn nước trong vắt. Trên dãy đồi thấp vẫn lô xô bóng cây cọ, những đứa trẻ theo mẹ lên nương. Giá quế hôm nay 18 hay 20 (20.000 đồng/kg), giá gỗ quế lại xuống hay lên? Đó là câu hỏi luôn lao xao ở thôn Làng Nủ vào những tháng ngày trước khi xảy ra vụ sạt lở núi vào sáng sớm ngày 10/9 khiến 52 người chết, 14 người mất tích, nhiều người bị thương.

Trèo lên rừng quế, trảu, bồ đề gặp bà con nông dân để nghe chuyện giá quế. Đầu mùa, giá thu mua vỏ quế tươi là 22.000 đồng/kg, nhưng tới giữa mùa thì tụt xuống còn 18.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất là lên tới 35.000 đồng. Lợi thế của cây quế là có thể bán được cả lá với giá 2.500 đồng/kg, gỗ cây quế bán cho các công ty làm tăm, sạp giường. Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Nhờ trồng rừng nên đời sống của bà con nhân dân phát triển ổn định, nếu không có vụ lũ quét thì làng quê này rất yên bình”.

Hình ảnh chiếc xe ô tô tải 5 tấn trong tư thế nằm nghiêng và bị vùi một nửa dưới bùn thường xuất hiện trên báo là phương tiện của gia đình ông Nguyễn Văn Cai. Đêm xuống, dưới ánh đèn flash, hình ảnh chiếc xe hiện lên màu trắng toát bên ngôi nhà nham nhở và những mảnh vỡ vụn giống như bóng ma. Nhắc đến chuyện sắp về nơi ở mới, vị trí đẹp và an toàn nhất, ông Cai nói: “Nếu không có vụ lũ quét thì chỗ này, dọc con suối là nơi đang ăn nên làm ra, nhà nào cũng có nghề nghiệp, quán cắt tóc, quán nước, xe chở lá quế, vỏ cây”.