Đề xuất tuyển dụng thêm 23.000 giáo viên

TPO - Năm học này, toàn ngành giáo dục vừa triển khai thực hiện chương trình hiện hành theo quy định, vừa chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình SGK mới.
Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến giáo dục đạo đức, phương pháp sư phạm của giáo viên. Ảnh Nghiêm Huê

Chuẩn bị bước vào năm học bản lề trước khi thực hiện chương trình sách giáo khoa (CT SGK) mới (năm học 2020 -2021), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ  cho biết: Năm  học 2019-2020, ngành giáo dục sẽ tập trung triển khai 5 nội dung.

Cụ thể, cố gắng sĩ số học sinh đảm bảo theo chuẩn, tối đa 35 học sinh/lớp để thực hiện chủ trương học 2 buổi/ngày. Xây dựng đội ngũ giáo viên, đặc biệt bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới.

Những năm qua, hạn chế trong phương pháp sư phạm của giáo viên khiến xuất hiện những hình thức phạt không sư phạm dẫn đến việc vi phạm đạo đức, vi phạm nhân quyền, vì thế Bộ sẽ quan tâm đến giáo dục đạo đức, phương pháp sư phạm của giáo viên.

Ngoài ra ngành giáo dục đặc biệt quan tâm tới dạy người. Quan điểm của ngành là dạy thành nhân trước khi thành tài. Tiếp đến là chuyển từ quản lý bằng mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác. Trong đó, phân biệt giữa quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.

Quản lý của người hiệu trưởng đối với giáo viên của mình là cộng tác, cộng sự sẽ tạo ra môi trường thân thiện trên cơ sở đó có điều kiện tạo động lực cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cuối cùng là tiếp tục tiếp thu những ý kiến góp ý để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Năm học mới sắp bắt đầu, Bộ GD&ĐT đã triển khai được những gì, thưa ông?

Để chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào cuộc sống Bộ phải làm 2 việc đó là biên soạn SGK và tập huấn cho tất cả giáo viên hiểu về chương trình. Hiện đã hoàn tất việc xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Sau khi bồi dưỡng giáo viên cốt cán xong thì sẽ triển khai đại trà tại các địa phương.

Thay đổi mạnh mẽ nhất lần này là Bộ chủ trương biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên, tất cả tài liệu và các bài giảng minh họa sẽ được đưa lên mạng để các giáo viên có thể tự học từ 15 ngày đến  1 tháng. Sau đó sẽ gặp gỡ trực tiếp các giảng viên cốt cán để được giải đáp những vướng mắc, khó khăn mà giáo viên gặp phải.

Bộ cũng đang xây dựng phần mềm kiểm tra, đánh giá. Sau khóa tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên sẽ làm một bài kiểm tra, nếu đạt các yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Giấy chứng nhận này có thể sẽ do các trường ĐH sư phạm được giao nhiệm vụ cấp.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy học 2 buổi/ngày sẽ là bắt buộc thay vì tự chọn như hiện nay. Vậy cơ chế chính sách với giáo viên có gì thay đổi không, thưa ông?

Bộ đang nghiên cứu định mức giờ dạy khi giáo viên thực hiện chương trình mới để đề xuất chính sách phù hợp nhằm tránh thiệt thòi cho giáo viên và cả cán bộ quản lý nếu phải làm thêm giờ, thêm việc. Do vậy, việc quan trọng là cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, tăng số lượng giáo viên dạy các môn học chuyên biệt như tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…

Chúng tôi xác định việc quan tâm thỏa đáng về chính sách cho giáo viên là rất cần thiết khi mà đổi mới giáo dục có những yêu cầu cao hơn, dạy học phát triển năng lực học sinh đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi lên lớp. Đối tượng và mục tiêu thay đổi thì giáo viên sẽ phải thay đổi, họ phải rất tâm huyết, thậm chí là “lao tâm khổ tứ” để thực hiện yêu cầu mới.
 
Nhiều địa phương đang thừa - thiếu giáo viên cục bộ, có những môn học, bậc học thiếu giáo viên nhưng lại không có chỉ tiêu tuyển dụng, theo chủ trương giảm biên chế. Bộ GD&ĐT có kiến nghị gì với Chính phủ và Bộ Nội vụ về khó khăn này?

Đầu năm 2019, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương rà soát lại đội ngũ giáo viên, đề xuất nhu cầu của các địa phương để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ Chính trị để báo cáo và xin chủ trương về việc cho phép tuyển dụng thêm 23.000 giáo viên. Bộ Chính trị đã yêu cầu 2 Bộ đề xuất cụ thể về nhu cầu tuyển dụng giáo viên của từng địa phương. Tinh thần là ở đâu có học sinh hoc sinh, ở đó phải có đủ giáo viên. Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện yêu cầu này.

Xin cảm ơn ông!