Đề xuất tổ chức lại Chi cục Thống kê cấp huyện vì lãnh đạo đi họp quá nhiều

TPO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tổ chức lại Chi cục Thống kê cấp huyện, Chi cục Thống kê khu vực trên cả nước, thành Phòng Thống kê cấp huyện. Đề xuất này xuất phát từ những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của lãnh đạo Chi cục Thống kê khu vực, phải đi họp quá nhiều, không còn thời gian để kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ.

Nội dung này được nêu trong hồ sơ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định số 10/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tổ chức lại Chi cục Thống kê cấp huyện, áp dụng tiêu chí giống như phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, mỗi huyện có 1 Phòng Thống kê.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập Phòng Thống kê cấp huyện không phải là phương án tổ chức mới, mà chỉ quay lại như đã thực hiện trong giai đoạn trước năm 2010. Bộ này khẳng định sẽ bảo đảm không tăng số lượng biên chế”, vì khi thành lập phòng sẽ áp dụng tiêu chí về số lượng biên chế thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, hoạt động của Chi cục Thống kê các khu vực hiện có một số bất cập. Trong đó, lãnh đạo Chi cục, nhất là Chi cục trưởng phải tham gia rất nhiều cuộc họp trên địa bàn 2, 3 huyện, thậm chí trùng nhau về thời gian tổ chức họp. Chỉ tính riêng việc tham dự các cuộc họp ngoài ngành tại các huyện đã chiếm rất nhiều thời gian của Chi cục trưởng, không còn thời gian để kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ…

Trong khi khoảng cách giữa các huyện khá xa, đi lại vất vả và tốn nhiều chi phí. Nếu thực hiện thanh toán chế độ công tác phí cho Chi cục trưởng Chi cục Thống kê khu vực 01 tháng theo quy định của Bộ Tài chính tốn kém hơn phụ cấp chức vụ 1 tháng cho 1 Chi cục trưởng Chi cục Thống kê theo đơn vị hành chính (trước khi sáp nhập).

Thực tế có thời điểm 2, 3 huyện cùng mời họp vào 1 thời gian và đều mời đích danh Chi cục trưởng (không đồng ý cử Phó Chi cục trưởng đi họp thay), việc lựa chọn tham gia cuộc họp tại huyện nào cũng là một vấn đề khó khăn. Đôi khi, Lãnh đạo huyện tổ chức họp theo ca, mời thống kê tham dự ca sau, Chi cục trưởng đi từ huyện này sang huyện kia để chờ họp nhưng quá giờ họp lại nhận được thông báo của Chánh Văn phòng “do nội dung ca họp trước chưa thể kết thúc, nên ca sau sẽ chuyển họp buổi khác, Văn phòng sẽ thông báo sau”.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lại Chi cục Thống kê cấp huyện, Chi cục Thống kê khu vực trên cả nước thành Phòng Thống kê cấp huyện.

Thành lập Phòng Thống kê cấp huyện không phải là phương án tổ chức mới, mà chỉ quay lại như đã thực hiện trong giai đoạn trước năm 2010. Phòng Thống kê cấp huyện thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh bảo đảm tương xứng về vị trí, nhiệm vụ, có sự kết nối chặt chẽ trong chuyên môn, nghiệp vụ thống kê với các phòng chuyên môn của Cục Thống kê cũng như với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê xuất phát từ thực trạng lực lượng công chức làm công tác thanh tra ít, nghiệp vụ, kỹ năng về thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Hoạt động thanh tra chuyên ngành thống kê chưa đủ mạnh, mới chỉ thực hiện trong nội bộ ngành, chủ yếu thanh tra thực hiện phương án điều tra, chưa mở rộng đối tượng thanh tra là các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức.

Theo Luật Thanh tra năm 2022, Tổng cục Thống kê đủ điều kiện để thành lập Thanh tra Tổng cục. Thanh tra Tổng cục Thống kê sẽ được thành lập trên cơ sở Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê. Khi đó, nhiệm vụ pháp chế của Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê hiện nay sẽ chuyển về Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê; nhiệm vụ tuyên truyền chuyển về Văn phòng Tổng cục Thống kê.