> Cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp
> Đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế-xã hội
Lo chia nhỏ căn hộ để “chạy” thuế
Tờ trình của Chính phủ dẫn báo cáo của 50 tỉnh, thành phố cho thấy, đến ngày 31/12/2012, tổng trị giá hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản khoảng 111.963 tỷ đồng. Trong đó, căn hộ chung cư là 26.444 căn (trị giá tồn kho khoảng 40.410 tỷ đồng), nhà thấp tầng là 15.786 căn (trị giá số kho khoảng 26.501 tỷ đồng)...
Chính phủ cho rằng, số liệu tồn kho ở trên chưa phản ánh đầy đủ được tình hình thực tế, hiện còn khối lượng lớn các căn hộ chung cư đang xây dựng dở dang chưa được thống kê. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội rất lớn.
Tuy nhiên, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng vẫn chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt.
Do vậy, Chính phủ đề nghị Luật sửa đổi quy định: Giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, chính sách này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Đại biểu Trần Văn Huynh đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết ngày 31/12/2014.
Tuy nhiên, ông Huynh cho rằng, cần có hệ thống giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm bảo đảm tính lan tỏa rộng và đạt được hiệu quả đề ra khi ban hành chính sách.
Việc quy định nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, chỉ tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 để được hưởng ưu đãi.
Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cũng lo ngại các doanh nghiệp bất động sản sẽ thay đổi thiết kế cũ, chia nhỏ căn hộ, ảnh hưởng đến kết cấu ban đầu, chất lượng cũng như công năng của công trình. Thêm vào đó, việc chia nhỏ các căn hộ để được giảm thuế sẽ dẫn tới tăng cao mật độ dân cư, phá vỡ quy hoạch dân cư.
Sức lan tỏa của chính sách thuế này không rộng vì chỉ có những người mua nhà ở các thành phố lớn mới được hưởng thụ, còn hầu như người dân mua nhà ở các tỉnh lẻ không được tiếp cận.
3.000 DN ngại chưa đăng ký lại
Sáng 28/5, đại biểu QH thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp (DN). Các đại biểu đồng tình phương án cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) băn khoăn, từ năm 2005, Luật Doanh nghiệp đã mở đường cho các DN nước ngoài được hoạt động theo luật cũ hoặc đăng ký lại theo luật mới, nhưng nhiều DN không làm... Tính đến ngày 1/7/2011, thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, khoảng 3.000 trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký lại.
Còn tồn tại gần 3.000 DN chưa thực hiện việc này. Như vậy, số DN này đang hoạt động trái pháp luật giờ ta mở đường vì lý do đầu tư, lao động… Lần này sửa đổi phải kèm theo điều kiện.
“Các DN đó phải có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, đầu tư hiệu quả ở Việt Nam, chấp hành pháp luật, không chuyển giá, không có vi phạm về môi trường... Chúng ta phải nâng giá trị của chúng ta lên, không vì cái nhỏ, khó khăn tạm thời mà dễ dãi trong cấp phép đầu tư”- ông Bình nói.
Hà Nội đặt mua trực thăng chữa cháy
Sáng 28/5, thảo luận tại tổ về Luật Phòng cháy, chữa cháy, nhiều đại biểu lo ngại về việc chữa cháy nhà cao tầng tại các thành phố lớn. Trấn an các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, hiện hai xe đặc chủng chữa cháy của Hà Nội có thể vươn cao tới tầng 39. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã đề nghị mua trực thăng chữa cháy. “Kế hoạch mua sắm đang được đặt ra. Chúng ta không quá lo đến mức cháy tầng cao thì vô phương cứu chữa”- ông Nghị nói.