Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) cho biết, các cơ quan chức năng đã họp bàn để thống nhất quan điểm xử lý Công ty TNHH Việt Hàn (ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).
Mới đây, Viện kiểm sát, Công an huyện Thường Tín, Công an quận Đống Đa, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03, Công an TP Hà Nội) Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an TP Hà Nội), Sở Y tế, Cục Nghiệp vụ Cục QLTT, Cục QLTT TP Hà Nội, các Đội QLTT… đã có buổi họp thống nhất xử lý Công ty TNHH Việt Hàn (ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Qua thống nhất, các đơn vị đều thấy hành vi trên có dấu hiệu hình sự nên đi đến quyết định chuyển toàn bộ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý. Hồ sơ được chuyển sang Công an thành phố Hà Nội. Sau đó, cơ quan công an sẽ có trách nhiệm điều tra, làm rõ hành vi của đơn vị sản xuất khẩu trang không đảm bảo chất lượng, làm từ giấy vệ sinh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nộ) cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2015 thì tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể xử lý cả đối với pháp nhân và đối với cá nhân. Bởi vậy trong vụ việc này cơ quan quản lý thị trường sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan cảnh sát kinh tế để xem xét xử lý hình sự đối với cả nhân và pháp nhân của doanh nghiệp này về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại điều 192 Bộ luật Hình sự.
Với số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có cùng tính năng kỹ thuật công dụng trị giá trên 500.000.000 đồng, bởi vậy hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 3, Điều 192 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với cá nhân. Ngoài ra người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc là một công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp các đối tượng có thu lợi bất chính thì số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ theo quy định pháp luật. “Điều đáng trách và đáng lên án và hành vi sản xuất hàng giả này lại là vật tư y tế, hành vi phạm tội xảy ra trong thời điểm dịch bệnh bùng phát đang rất khó kiểm soát khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh trường hợp này để răn đe, phòng ngừa chung, đảm bảo an toàn xã hội”, Luật sư Cường nói.
Trước đó vào sáng 13/2, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Tổng Cục QLTT, Công an TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn. Tại đây, cơ quan quản lý thị trường phát hiện, số khẩu trang được gắn mác là khẩu trang y tế có lớp kháng khuẩn… nhưng lõi lại được làm từ giấy vệ sinh.
Cụ thể, lực lượng QLTT đã phát hiện các loại khẩu trang y tế do xưởng này sản xuất được dùng nguyên liệu là các cuộn gấy to mềm, loại dùng làm giấy vệ sinh. Lớp giấy vệ sinh này được dùng làm lớp lót giữa (với khẩu trang y tế thật là lớp kháng khuẩn, không bị tan trong nước).
Khai nhận bước đầu với cơ quan chức năng, người đàn ông tên Nguyễn Văn Long (thợ kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Hàn) cho biết, trước đó đã mua một cuộn giấy vệ sinh với trọng lượng 40kg từ Bắc Ninh đem về cơ sở ở xã Minh Cường. Số giấy này được đưa vào máy để sản xuất thành khẩu trang 4 lớp thay cho lớp vải kháng khuẩn.