Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một thắng lợi lớn về mặt quân sự của Việt Nam. Theo ông, chúng ta có thể rút ra bài học gì từ chiến thắng này để áp dụng trong việc phát triển kinh tế?
Đây là một dịp rất tốt để chúng ta suy nghĩ về một trận “Điện Biên Phủ về mặt kinh tế”. Đây là một trận đánh đòi hỏi tương tự như trận “Điện Biên Phủ về mặt quân sự”, đòi hỏi quyết tâm hết sức lớn lao. Quyết tâm này phải vượt lên mọi hy sinh, gian khổ mới đạt được.
Nếu không có quyết tâm giành được chiến thắng để tiến lên cũng như không có được một chỉ huy, nói cách khác là nhạc trưởng về kinh tế, một cách quyết đoán, chúng ta sẽ không thể nào bứt phá lên được. Chúng ta cần có một chiến thuật, chiến lược đúng đắn cho tình hình kinh tế hiện nay.
Bài học rất bổ ích từ trận chiến Điện Biên Phủ để có thể vận dụng trong lĩnh vực kinh tế là “đánh chắc, thắng chắc” chứ không phải “đánh nhanh, thắng nhanh”. Chính chiến thuật này, đã đem lại chiến thắng và chúng ta có thể rút kinh nghiệm, để từ đó có lộ trình cải cách nền kinh tế theo điều kiện thị trường và tình hình diễn biến kinh tế của đất nước.
Điểm nữa, chúng ta phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong cải cách kinh tế. Muốn được như vậy, cần phải tạo ra các động lực cho người nông dân, cho người lao động.
Tôi thấy hiện thu hồi đất đai đang là vấn đề hết sức nóng bong. Chúng ta cần xem xét lại một cách hết sức nghiêm túc tình hình sử dụng đất đai và những quan hệ của chúng ta với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân hiện nay. Vấn đề nữa, chúng ta cũng phải thấy, trong tình hình hiện nay, cần có sự cải cách thể chế một cách nghiêm túc.
Cải cách thể chế phải bao gồm công khai, minh bạch bằng việc làm cho bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả. Không nên duy trì mãi một nhận thức cũ. Vừa qua, trong cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã xin lỗi dân về sự phiền hà của ngành thuế.
Ông cũng từng nói về việc phân bổ lợi ích ở Việt Nam. Đây có phải những vấn đề khiến kinh tế Việt Nam chưa có bước đột phá trong thời gian qua?
Phân bổ lợi ích ở đây là làm sao để đồng tiền, những lợi ích của nền kinh tế (từ đất đai, khoáng sản) không rơi vào túi của một số người. Số tiền thu được này, làm sao mang lại lợi ích, chia sẻ cho toàn dân. Muốn như vậy, cần thay đổi hệ thống thuế, thay đổi việc giá đất liên tục được nâng lên trong khi giá đất đền bù cho người nông dân vẫn không thỏa đáng.
Như ở Đài Loan, để người dân hưởng lợi từ các nguồn lực từ đất đai, họ cho người dân thỏa thuận với nhà đầu tư về giá đất. Nhà đầu tư phải mua miếng đất theo giá thỏa thuận với người nông dân và biến tiền vốn người nông dân thu được thành số tiền đóng góp trong công ty. Người nông dân sẽ thành các cổ đông, có việc làm trong công ty và được hưởng lợi tức của công ty. Khi đó, người nông dân sẽ sẵn sàng ủng hộ do đời sống được đảm bảo. Đây là điểm rất khác với ở Việt Nam. Nếu làm được, đây sẽ là thay đổi hết sức quan trọng.
3 điểm nghẽn kéo dài nhiều năm của nền kinh tế (hoàn thiện thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng) được nói đến nhiều trong thời gian qua, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta không có sự đột phá về kinh tế?
Chúng ta có thể thấy trong thời gian qua, nước ta đã quá chú trọng đến huy động các nguồn vốn khác nhau để đầu tư, song đã lãng quên việc sử dụng số vốn đó có hiệu quả. Việc dự án Luật Đầu tư công đến bây giờ mới sắp được trình ra lần đầu tiên trong lịch sử nước ta chứng tỏ sự xao nhãng đó.
Nếu so sánh hiệu quả giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước, ta có thể thấy rõ sự chênh lệch quá lớn này. Vấn đề nữa chính là cải thiện môi trường đầu tư, nguồn nhân lực chậm được cải thiện, hệ thống giáo dục-đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Người tài không được trọng dụng trong bộ máy nhà nước làm cho chất lượng quản lý nhà nước bị giảm sút…
Đây là những trở ngại cần được khắc phục trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiền vốn, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ làm gia công sang nền kinh tế phát triển dựa trên sáng tạo, công nghệ cao và nhân lực có chất lượng cao.
Không để “con ông, cháu cha” cát cứ
Vậy, để tạo động lực cho một cuộc cách mạng về kinh tế, theo ông cần những bước đi như thế nào?
Như tôi đã nói, thay vì bộ máy chính quyền và doanh nghiệp cứ chạy theo quan hệ để xin xỏ, kiếm lợi bằng cách ăn chênh lệch giá về đất, về tài nguyên, cần có những biện pháp và cách tư duy khác.
Với cách làm ăn kiểu quan hệ này, một số doanh nghiệp, cá nhân đã giàu lên rất nhanh nhưng về tổng thể, nền kinh tế sẽ không có một thương hiệu lớn trên thị trường thế giới cũng như không có sản phẩm công nghệ cao nào của riêng chúng ta.
Bài học rất bổ ích từ trận chiến Điện Biên Phủ để có thể vận dụng trong lĩnh vực kinh tế là “đánh nhỏ, thắng nhỏ”, “đánh chắc, thắng chắc” chứ không phải “đánh nhanh, thắng nhanh”.
TS Lê Đăng Doanh
Muốn thay đổi, tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế về mặt kinh tế, cần xây dựng một hệ thống động lực, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ.
Việc phát triển khoa học công nghệ đòi hỏi phải cải tổ lại toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo. Cùng đó phải thay đổi chính sách biên chế và tuyển chọn người tài vào bộ máy nhà nước. Nếu cứ như hiện nay, không thể nào có người tài được. Người ta thường nhắc đến việc bỏ tiền mua vị trí này kia, cũng như tình trạng “con ông, cháu cha” cát cứ ở các cơ quan chính quyền. Để tình trạng như vậy thì làm sao nền kinh tế thay đổi được.
So với trận Điện Biên Phủ trước đây, người “phản biện” khi đó của chúng ta là kẻ địch, ông tướng nào giỏi, chiến thắng nhiều sẽ chứng minh được khả năng của mình. Còn bây giờ, phải đặt vấn đề người “phản biện” của chúng ta là ai? Nếu không lắng nghe dân, doanh nghiệp không có tiếng nói, sẽ không biết việc đánh giá cán bộ thế nào, khi đó việc tạo bước ngoặt cho nền kinh tế sẽ rất khó.
Để đổi mới nền kinh tế, cần có một cơ chế phản biện một cách minh bạch, phải có sự đánh giá rõ ràng.
Cảm ơn ông.