Chiều 2/4, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị (gọi tắt là Kế hoạch), thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030
Đào tạo quy trình trồng lúa bền vững
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp, hộ nông dân; và các đối tượng liên quan tham gia trong chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải; bảo đảm đủ điều kiện, năng lực tham gia triển khai hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Theo Kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha lúa; 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước…
Cũng trong giai đoạn này, 200.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.
Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật trong HTX nông nghiệp, tổ hợp tác; 8.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức đoàn thể liên quan của 12 tỉnh, thành phố thực hiện đề án.
Giai đoạn này, 800.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh; kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.
Bộ NN&PTNT giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc bộ, các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì xây dựng các tài liệu, nâng cao năng lực quản lý, quản trị quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải cho cán bộ quản lý và kỹ thuật ở HTX; tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao giảm phát thải; xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh; quy trình đăng ký tham gia giảm phát thải, quản lý dữ liệu của nông dân, hợp tác xã…
Hội thảo cũng nghe trình bày và các ý kiến dự thảo Hướng dẫn thực hiện tiêu chí lựa chọn, tham gia đề án 1 triệu ha lúa, như: Tiêu chí về quy hoạch và cở sở hạ tầng; về tăng trưởng bền vững và tăng trưởng xanh; tổ chức sản xuất; tiêu chí đối với doanh nghiệp tham gia liên kết…
Thành công hay thất bại là ở HTX
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa là chủ trương lớn, tạo sự chuyển biến rất lớn cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định đồng hành với đề án. “Giờ không bàn nhiều nữa, cần biến thành ý chí, quyết tâm, làm rồi nhân rộng; không đòi hỏi quá nhiều, đừng hỏi lăn tăn nữa. Cần biết ngay sau buổi họp này về làm gì?”, ông Nam nói.
Cho rằng bản Kế hoạch ở trên chưa rõ ràng, khó hiểu, ông Nam yêu cầu Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn viết lại cho ngắn gọn, dễ hiểu. “Nâng cao là nâng cao cái gì, tôi đọc không thấy nội dung tập huấn ở đâu”, ông Nam nói.
Thứ trưởng NN&PTNT yêu cầu cơ quan liên quan nêu rõ 5 nội dung vào Kế hoạch, gồm: Quy trình canh tác bền vững; kế hoạch đo đếm chi trả carbon (MRV); củng cố, kiện toàn các HTX tham gia đề án; xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX với doanh nghiệp; bổ trợ các vấn đề liên quan.
Theo ông Nam, chủ thể trung tâm của Đề án là HTX, mục tiêu hỗ trợ chính của đề án là HTX chứ không phải hộ nông dân, đầu tư hạ tầng cho HTX chứ không phải cho hộ nông dân. “Quan điểm là vực dậy HTX, đề án thành công tức HTX thành công, HTX thất bại tức Đề án thất bại. Đối tượng để tập huấn, nâng cao năng lực gồm thành viên HTX và cán bộ khuyến nông. Không có hai lực lượng này không thành công được, phải khôi phục lại lực lượng khuyến nông cộng đồng tại cơ sở”, Thứ trưởng Nam nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, làm sao cho nông dân tham gia Đề án hiểu được lợi ích của họ, khi có lợi ích thì họ sẽ tham gia. Về tiêu chí, cần đưa thương lái vào và tất nhiên là có cơ chế chính sách cho đối tượng này; đối với quy mô doanh nghiệp, cần có định mức tham gia bao nhiêu diện tích…
“Cần bổ sung quyền lợi của các thành phần tham gia, khi tham gia được gì? Có những nơi đăng ký đề án nhưng chưa có HTX, cần xây dựng HTX ở những nơi này, thắng hay không là ở HTX”, ông Nam nói thêm. Đồng thời, các cơ quan liên quan được yêu cầu thí điểm ngay 5 mô hình tín chỉ carbon (50-100ha/mô hình) trong vụ Hè Thu này tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang.