ĐBQH nói về vụ án oan tại Bắc Giang:

TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

> Con gái người chịu án oan thề làm ô sin suốt đời vì bố
> Toàn cảnh vụ 10 năm chịu án oan giết người

Ép cung là vi phạm pháp luật

Trao đổi với báo chí về vụ án oan tại Bắc Giang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong luật hình sự có nguyên tắc rất quan trọng là không được để lọt tội phạm nhưng cũng phải kiên quyết không để oan sai cho người dân, đảm bảo một chế độ pháp lý văn minh, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền cơ bản của công dân như quy định của luật pháp.

Theo quy định pháp luật, nếu có trường hợp bị ép cung là cơ quan chức năng làm trái pháp luật. Cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong trại giam.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang:

Để xảy ra oan sai là điều đáng tiếc

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nói, Bộ đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lý, đảm bảo đúng pháp luật. “Quy định của pháp luật tố tụng hình sự rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể, cho nên nếu để xảy ra oan, sai thì đó là điều rất đáng tiếc” – Bộ trưởng Quang nói. Theo Bộ trưởng, vụ việc liên quan đến phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, TAND tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm. Nếu tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra xử lý nghiêm người phạm tội.

Về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: “Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Án oan có liên quan đến chất lượng bộ máy điều tra, xét xử

Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ án oan tại Bắc Giang, hôm qua (5/11). Ông nói: “Thứ nhất là tôi mừng cho họ, nhưng tôi cũng suy nghĩ về cái gì gây nên oan ức đó...”.

Nhà sử học nói: Tôi cũng nghĩ đến các bộ phim hình sự của Mỹ, đó là nhiều khi người ta phải tự đi giải quyết việc của mình, tự giải oan cho mình. Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn - cái gì khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ? Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào, tỷ lệ án oan là bao nhiêu, trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó, là một ẩn số.

Các cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều kêu ca về sự quá tải của mình. Ngoài số lượng vụ án, chất lượng của các cơ quan tham gia tố tụng, tôi đặc biệt chú ý đến việc áp lực khối lượng xét xử được nhân lên, xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần, qua các cấp, mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược nhau. Nó tạo ra cảm giác rằng, phải chăng chính sự đưa đẩy ấy, và đằng sau sự đưa đẩy ấy có những mặt tiêu cực. Tôi cho rằng, án oan có vấn đề liên quan đến chất lượng của bộ máy điều tra, bộ máy xét xử.

Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường:

Trách nhiệm trước hết thuộc về tòa án

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, vụ việc liên quan ông Nguyễn Thanh Chấn do đã có bản án nên trách nhiệm trước hết là của tòa án. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc không phải cố ý mà do nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện, tức là chỉ xét xử theo lời khai, tài liệu điều tra. Không có nền tư pháp nào chính xác 100% nhưng để lọt những cái sơ đẳng này tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo. Trả lời về vấn đề bồi thường cho người bị án oan, Bộ trưởng cho biết, tiền bồi thường lấy từ ngân sách; còn cá nhân để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn.

H. Phúc - N. MinhTuấn - Nguyễn Tuấn


Theo Báo giấy