ĐBQH: Đổi mới giáo dục không phải cứ đi tìm cái mới

TPO - Nêu ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi sáng 15/11, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, đổi mới không phải cứ đi tìm những cái mới mẻ, mà đôi khi quay lại những cái cũ đã thành thương hiệu cũng là đổi mới.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)

 Giáo dục một người thầy thì được một thế hệ

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, cần đầu tư cho giáo dục sư phạm, chọn học sinh có phẩm chất năng lực tốt vào học sư phạm, nâng cao vị thế và có chế độ ưu đãi rất cao đối với nhà giáo, thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên phương thức đào tạo, tiến tới giáo viên mầm non hay phổ thông đều có trình độ đại học.

“Nếu đào tạo bác sĩ hết 6 năm thì đào tạo giáo viên không nhất thiết hết 4 năm, có thể 2,5 năm nhưng làm sao chọn được cô giáo trẻ, đẹp để các cháu có điều kiện tiếp cận”, ông nhìn nhận và nhấn mạnh tầm quan trọng trong đào tạo giáo viên: "Giáo dục đàn ông thì được một con người, giáo dục phụ nữ thì được gia đình, nhưng giáo dục một người thầy thì được một thế hệ. Thiết nghĩ, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ và hướng tới”, ông Thưởng nói.

Về chất lượng và phương pháp dạy học, theo đại biểu đoàn Phú Thọ, hiện nay chất lượng dạy học chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ về dạy kỹ năng sống, hướng nghiệp.

“Chương trình SGK hiện nay quá nặng, học sinh khó tiếp thu”, ông nói và nhận định đang có sự phức tạp hoá những vấn đề hết sức đơn giản. Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc biết viết, học sinh phổ thông chỉ cần biết kiến thức phổ thông. Nhưng hiện nay chúng ta đang hàn lâm hoá những thứ đó, những điều rất đơn giản trở thành rất phức tạp nên học sinh rất khó tiếp thu.

Theo ông, vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn, nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn.

“Một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con người ta” nên bắt các cháu phải giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn dến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực của trẻ em. Tôi cho rằng không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ bà kia” khi mà các cháu không thích và không đủ năng lực. Thử hỏi có mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn? Phải cho các em phát huy năng lực một cách hợp lý nhất”, ông Thưởng bày tỏ quan điểm.

Phát động cuộc thi viết SGK ?

Về chương trình SGK, theo đại biểu Thưởng, hiện chương trình SGK cần rà soát, điều chỉnh kỹ lưỡng. Theo ý kiến của cử tri và rất nhiều giáo viên, phụ huynh đều rất muốn cả nước có 1 bộ SGK thống nhất, vì nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, còn lại là sách tham khảo. SGK phải được thẩm định, kiểm soát hết sức chặt chẽ; SGK phải tinh gọn, mang đặc sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế; chương trình học phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học; người viết SGK phải thực sự giỏi, am hiểu sâu sắc về nội dung chương trình và tâm lý sư phạm.

“Nên chăng phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên phổ thông để chương trình SGK không bị hàn lâm hoá, giáo sư hoá, tiến sỹ hoá. Nếu quá nhiều SGK thì khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn SGK, lúc ấy giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hậu quả khôn lường”, ông nói.

Liên quan đến vấn đề thi cử, đại biểu cho rằng, về nguyên tắc đã dạy học phải được đánh giá bằng thi cử, nhưng hiện nay thi cử trở thành áp lực rất lớn, gánh nặng quá lớn và bị hiểu rất sai lệch.

“Từ mục tiêu học để làm việc, làm người trở thành học để thi, nhưng thi để làm gì thì không phải ai cũng trả lời đúng, dẫn đến mất phương hướng, gây hoang mang và dẫn đến nhiều tiêu cực như thời gian qua.

Sau mỗi quá trình học của học sinh phải đánh giá qua kiểm tra, thi cử nhưng tổ chức thi thế nào cho phù hợp, đánh giá đúng thực chất, và ít tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân.

Ông Thưởng đề nghị không tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay. Việc đánh giá tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các Sở GD và các trường THPT ở địa phương tự đánh giá, thi cử. Có chăng chỉ nên tổ chức 1 kỳ thi quốc gia để chọn học sinh vào các trường ĐH, tổ chức chặt chẽ từ ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển, làm thế nào để chọn đúng người, loại bỏ tiêu cực”, ông Thưởng nêu.

Vì sao cứ lấy học sinh ra làm chuột bạch?

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập đến vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm, mà thời gian qua có một số nơi không đạt yêu cầu, lấy học sinh ra làm chuột bạch, được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu, sai một li, đi một dặm…

“Chúng tôi có đặt vấn đề thi thí điểm, thực nghiệm phải được thông qua ở Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng nhận định là cần có cơ quan kiểm chứng, phê duyệt trước khi thí điểm. Tiếp thu ý kiến này ban soạn thảo đã đưa vào 2 khoản. Tuy nhiên, mới nghe qua thì thấy ban soạn thảo rất cầu thị, nhưng đọc kỹ vào câu chữ lại thấy cách viết lòng vòng, không thể hiện sự cầu thị”, đại biểu đánh giá.

Cụ thể, điều 113 của dự thảo, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đài trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công. Theo ông, điều này đồng nghĩa áp dụng đại trà mới xin còn thí điểm thì không xin. “Thực chất, quan điểm của ban soạn thảo vẫn giữ ý chí thí điểm, thực nghiệm là không thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho cái này không được”, ông nêu, đồng thời đề nghị ban soạn thảo có ý kiến về nội dung này.

Việc thí điểm tốn tiền tỷ, học sinh làm chuột bạch nhưng lại do nguyên nhân gì đó không xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải nói cho chúng tôi biết lý do chứ đừng nói lòng vòng, cuối cùng cũng không phải xin Thường vụ Quốc hội”, ông Tuấn cho hay.