Theo TTXVN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm hữu nghị chính thức Lào, nhấn mạnh chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của đồng chí Nguyễn Phú Trọng một lần nữa thể hiện sâu đậm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, đồng thời là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân Lào nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng thăm lại đất nước Lào tươi đẹp, chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhân dân Lào đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, sự đón tiếp trọng thị, thắm tình đồng chí, anh em, thể hiện sinh động mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Hai bên khẳng định không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, coi đây là quy luật phát triển và nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào”, hai nhà lãnh đạo khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, hơn bao giờ hết, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước càng phải chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc vững bước đi lên theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Quan hệ đặc biệt
Hai bên nhất trí đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, đồng thời dành ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau phù hợp với tính chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao, mở rộng giao lưu giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên giới hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới hai nước ổn định, bền vững; nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - kỹ thuật; tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong hợp tác trên các lĩnh vực và ưu tiên tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, nhất là kết nối về giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith hài lòng thấy rằng Việt Nam và Lào có lập trường thống nhất trên các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai nhà lãnh đạo khẳng định trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, LHQ, các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong; phối hợp quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông Mekong; tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên thứ ba khác trong khuôn khổ Hành lang Đông-Tây và các chương trình, dự án hợp tác đa phương khác.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở biển Đông; ủng hộ vai trò và các nguyên tắc của ASEAN; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo TTXVN, ngày 24/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou.
Sau hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa một số bộ, ngành của hai nước, bao gồm:
- Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tài chính nước CHDCND Lào giai đoạn 2019-2020; hiệp định về Hợp tác Phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Chính phủ nước CHDCND Lào; thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào trong lĩnh vực về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học…