Các lớp học ngoại khóa thường hướng đến mục đích tạo niềm vui, rèn tính tự tin, độc lập cũng như phát triển kĩ năng toàn diện cho trẻ. Tham gia vào vào lớp học nấu ăn các bé vừa có môi trường để phát triển kĩ năng vừa học được cách nấu những món ăn đơn giản, an toàn.
Dạy con cách tự chăm sóc bản thân
Buổi học đầu tiên ở lớp “Đầu bếp nhí” của Học viện Ẩm thực Hà Nội 31 Vũ Ngọc Phan hầu hết các bé còn lóng ngóng, bỡ ngỡ vì mới ở độ tuổi 5 đến 15; mặt khác cũng là dịp đầu tiên được vào bếp và đóng vai trò là các “anh nuôi, chị nuôi”. Tuy nhiên, hầu hết các bé lại tỏ ra rất hào hứng khi tham gia vào quá trình chế biến các món ăn mà mình yêu thích. Dường như tâm hồn còn ngây thơ, trong sáng của các bé đã làm cho không khí của buổi học nấu ăn vui vẻ hơn. Các bé được tự nhặt rau, tự thái thịt, tự gọt củ quả… để chế biến các món ăn. Đồng hành với các “đầu bếp nhí” là các giảng viên và họ có trách nhiệm hướng dẫn các bé cách lựa chọn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng, các gia vị cơ bản cho món ăn, cách sử dụng đồ dùng nhà bếp, cách sơ chế thực phẩm, cách chế biến.
Các bé chăm chú học cách sơ chế thực phẩm
Thưởng thức những thành quả do chính tay mình làm ra như gà rán KFC, cơm rang thập cẩm bé nào cũng vui và thấy mình có trách nhiệm. Bé Nam An, 9 tuổi, vui vẻ nói: “Con thích được nhặt rau, được đun bếp. Sau này con lớn lên sẽ vào bếp giúp đỡ bà, mẹ; con sẽ nấu cho gia đình một bữa cơm thật ngon”. Như Khuê, học viên 11 tuổi lại cho biết: “Con rất thích nấu ăn nhưng thường những món con nấu chỉ mình con ăn được”.
Tự tay nấu món ăn mà mình yêu thích
Sau khi tham gia lớp học, ngoài các kĩ năng nấu nướng cơ bản, giáo viên sẽ giảng cho các bé hiểu công việc nấu ăn vất vả ra sao, biết quý trọng món ăn mẹ nấu, tự giác ăn uống, giữ gìn vệ sinh cá nhân và khi nấu ăn…quan trọng như thế nào.Vậy nên, lớp học nấu ăn được cho là điểm đến bổ ích sẽ cung cấp cho bé kĩ năng cơ bản, để từ đó với những bé có đam mê sẽ phát huy được khả năng và tính sáng tạo của mình.
Hành trang cho tương lai
Làm cha mẹ hẳn ai cũng muốn con mình biết lao động, biết phụ mẹ việc nhà, yêu bếp núc và khéo léo. Nhưng để có thể rèn cho bé những tính trên thực sự không đơn giản bởi yêu cầu đầu tiên là bố mẹ phải có thời gian, sau đó là phải rất kiên nhẫn.
Chị Huyền, mẹ của một học viên 9 tuổi chia sẻ, “Ở nhà cháu được bố mẹ bảo bọc. Bản thân vợ chồng tôi bận rộn, hầu như không có thời gian để dạy con những việc như thế này, cơm nước có người giúp việc lo, nhà cửa có người giúp việc dọn dẹp… Nếu không đưa con đến lớp học nấu ăn thì không biết khi nào cháu mới được làm và biết làm”.
Thực tế, bỏ tiền mua thật nhiều đồ chơi, thuê giáo viên, đăng kí cho con đến các lớp học thêm thì dễ nhưng thu xếp thời gian để kiên trì chơi cùng con, với nhiều bố mẹ hiện đại là một việc khó thực hiện. Cuộc sống bận rộn nơi công sở từ sáng sớm đến chiều tối đã làm hạn chế sự gần gũi, chăm sóc con cái của nhiều ông bố, bà mẹ. Chính vì thế khi chứng kiến con mình hăng hái tham gia học nấu ăn, nhiều phụ huynh cảm động và thích thú.
Điều mà các lớp đầu bếp nhí hướng đến là dạy các con biết yêu công việc gia đình, trải nghiệm cuộc sống, vui chơi, chuẩn bị tốt hành trang cho tương lai. Trẻ có thể tự tin thể hiện sự năng động, khả năng học hỏi và khám phá của mình, học nhiều điều thú vị trong cuộc sống qua việc nấu nướng. Chẳng hạn tính kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo.
Cũng từ lớp học nấu ăn này, những bài học trên lớp sẽ hình thành những thói quen như rửa tay trước khi nấu ăn, dọn dẹp sạch sẽ sau khi nấu nướng với các bé, và trở thành một “phụ bếp” đắc lực của mẹ. Với những bé lớn (từ 10 đến 15 tuổi), các bé có thể tự mình chuẩn bị bữa cơm gia đình khi bố mẹ đi vắng.
Thích thú tận hưởng thành quả của mình
Cha mẹ không thể theo con suốt cuộc đời, do đó trang bị cho con những kỹ năng sống tưởng và nuôi sống cơ thể mình là điều cần thiết. Thêm vào đó, cho con vào bếp còn là một cách trao cho con lòng tin, khuyến khích sự tự tin, khám phá của trẻ và tăng cường sự tương tác, giao lưu, tình cảm gia đình. Bé sẽ tự trưởng thành bằng những công việc đơn giản từ việc bếp núc.