David Dương khởi động gói thầu hơn 1 tỷ USD ở Mỹ

TP - 70 chiếc xe chạy bằng gas không gây ô nhiễm môi trường đã lăn bánh, vận chuyển rác của TP Oakland, bang California về hai nhà máy tái chế của Công ty California Waste Solutions- CWS do ông David Dương làm chủ. Từ 1/7, gói thầu xử lý rác trị giá hơn một tỷ USD của CWS cho thành phố Oakland đã khởi động.
Tổng giám đốc David Dương phát biểu trước đội ngũ nhân viên của CWS khi thực hiện gói thầu mới tại TP Oakland- Hoa Kỳ

Ông David Dương chia sẻ với Tiền Phong rằng rất hạnh phúc khi đã đi đến cuối cùng gói thầu và giờ là lúc toàn bộ nhân viên của CWS bắt tay vào công việc. “Dù mệt nhưng rất vui”- ông Dương nói.

Ông cảm nhận như thế nào khi những khó khăn trong hơn một năm theo đuổi gói thầu này?

Chúng tôi trải qua ít nhất là 4 phiên điều trần từ Hội đồng thành phố Oakland cho gói thầu thu gom rác, tái chế và cây xanh của thành phố với đối thủ cạnh tranh là công ty Waste Management, một trong những công ty xử lý rác hàng đầu Hoa Kỳ và có 50 chi nhánh trên thế giới.  Sau hơn một năm theo đuổi, mãi đến ngày 22/5 Hội đồng thành phố Oakland mới thông qua gói thầu này và phần thắng dành cho công ty CWS. Mới đây, ngày 1/7, chúng tôi đã khởi động cho công việc thu gom tái chế với công suất 600 tấn/ngày.

Có quá nhiều khó khăn trong gói thầu này. Thứ nhất chúng tôi phải cạnh tranh với một đối thủ lớn. Thứ hai là công ty Waste Management đã từng vận động ráo riết các mối quan hệ để giành hợp đồng lần này. Ngoài ra họ còn được hưởng lợi khi hội đồng thành phố đưa ra các tiêu chuẩn mới có lợi cho họ để từ giá cao có thể điều chỉnhlại giá thấp hơn. Nhưng rồi, chúng tôi đã vượt qua khó khăn để có hợp đồng và đã chính thức vận hành gói thầu này.

Nhiều người không tin rằng CWS của ông đã làm nên “cơn địa chấn” trước một đối thủ mạnh. Vì vậy có thông tin là gói thầu này đã về tay đối thủ?

Ông David Dương trong ngày đầu tiên thực hiện gói thầu cho TP Oakland hôm 1/7

Đã có ý kiến như vậy. Nhưng những gì diễn ra và thực tế đã chứng minh những đồn đại là vô căn cứ. Thực tế, hợp đồng này có 3 gói thầu nhỏ gồm tái chế, chôn lấp và xử lý cây xanh. Sau khi trúng các gói thầu này, chúng tôi quyết định nhường lại gói chôn lấp và xử lý cây xanh cho đối thủ của mình là công ty Waste Management, bởi chúng tôi nhận thấy giá trị của hai gói này không cao trong khi đối thủ của mình có một bãi chôn lấp với diện tích lớn và đây cũng là lợi thế của họ.

Trong hợp đồng mà chúng tôi ký với TP Oakland thì gói chôn lấp và cây xanh chỉ có thời hạn là 10 năm trong khi gói tái chế của chúng tôi có thời hạn 20 năm, tương đương hơn 2 tỷ USD với lợi nhuận cao và bền vững.

Ông đã có kế hoạch gì sau khi gói thầu hơn 1 tỷ đô- la ở Mỹ của ông đã chính thức vận hành?

Chúng tôi có 2 nhà máy ở Mỹ. Một nhà máy được xây dựng từ năm 1991 và một nhà máy đưa vào hoạt động từ 2005. Hai nhà máy này hiện nay dư tải để thu gom tái chế cho rác của thành phố.

Nhưng như vậy là chưa đủ. Hiện công ty cũng đã quyết định mua một mảnh đất rộng 20 ha để xây dựng thêm nhà máy tái chế với tổng giá trị 87 triệu USD, dự kiến 2 năm nữa nhà máy này đi vào hoạt động. Khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ đóng cửa hai nhà máy kia để dồn rác về cho nhà máy mới xử lý với công suất 10 ngàn tấn/ngày.  Hiện cả hai nhà máy hiện tại công suất khoảng 2 ngàn tấn/ngày nhưng chúng tôi vẫn quyết định đầu tư xây nhà máy tái chế mới. Trước hết vì chúng tôi muốn tiên phong trong lĩnh vực này. Thứ đến vì trong vùng nhiều nhà máy tái chế đã cũ nên việc đầu tư này là cần thiết.

Quay trở lại các dự án ở Việt Nam, thưa ông có lời vào tiếng ra rằng công ty TNHH xử lý chất thải VN- VWS mà ông làm chủ tịch độc quyền về giá so với các nhà máy xử lý rác ở Việt Nam?

Ông David Dương và em trai Victor Dương bên dàn xe tải 70 chiếc chuẩn bị xuất phát thu gom rác ở TP Oakland sáng 1/7

Thời điểm trước khi VWS hình thành vào năm 2007, thì TPHCM đã đưa ra giá xử lý rác là 4 USD/tấn. Tuy nhiên, khi chúng tôi trình bày về phương án giá xử lý trước hội đồng gồm các sở ngành liên quan do Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì, đều khẳng định đó không phải là giá xử lý thực tế mà chỉ là giá để vận hành. Khi tổng tính đến chi phí xử lý, lợi thế về đất đai và các yếu tố khác thì giá xử lý rác thời điểm đã đội lên 20 USD/tấn. Trong khi giá của chúng tôi đưa ra lúc đó chỉ 16 USD/tấn.

Mọi người nhìn vào đó thì thấy có độc quyền trong giá xử lý hay không. Đó là chưa kể, đơn giá xử lý rác còn căn cứ trên quy mô đầu tư kỹ thuật khác nhau, công nghệ vận hành và xử lý khác nhau, tiêu chuẩn bảo đảm về mặt môi trường của mỗi dự án khác nhau nên giá thành xử lý rác sẽ phải có sự chênh lệch khác nhau.

Khu liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước của chúng tôi sau khi đóng bãi, vẫn tiếp tục các công tác xử lý khí, mùi, xử lý nước thải, và các vận hành liên quan về môi trường, đảm bảo tất cả rác chôn lấp được xử lý triệt để. Chi phí cho các hoạt động này rất lớn mà không có doanh thu. Ngoài ra, sau khi đóng bãi VWS sẽ xây dựng trên bãi chôn lấp công nghệ cao một khu vui chơi sinh thái có lợi ích cho xã hội, không như những bãi chôn lấp khác của TPHCM đã đóng cửa nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường. Hiện chưa có bãi rác nào ở đây có “hậu xử lý”. Họ chôn lấp đầy sau đó đóng bãi và không xử lý về sau khi có các vấn đề phát sinh.

Ông nhìn nhận như thế nào khi TPHCM đóng cửa bãi chôn lấp số 3 của khu xử lý rác Phước Hiệp, ở huyện Củ Chi để chuyển rác về cho Đa Phước do VWS đầu tư để xử lý?

Ở Hoa Kỳ, Hội đồng các thành phố đều có quyết định giao rác cho một công ty chuyên xử lý rác duy nhất xử lý rác trong thời hạn 10-20 năm hoặc xử lý vĩnh viễn. Tuy nhiên, không vì thế mà anh độc quyền được. Công ty này luôn bị giám sát chặt bởi các tiêu chí rõ ràng. Nếu anh bị vi phạm như gây ô nhiễm môi trường sẽ bị rút giấy phép ngay lặp tức, và không ít công ty phải phá sản.

Với tư cách là chủ đầu tư Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước, tôi thấy rằng trong nhiều năm qua TPHCM đã cấp khá nhiều giấy phép đầu tư và nhiều doanh nghiệp tham gia vào công việc xử lý rác cho thành phố. Vì vậy, thông tin nói VWS độc quyền là không đúng. Còn việc thành phố quyết định chuyển rác từ Phước Hiệp cho Đa Phước là việc làm đúng đắn. Nhìn ở gốc độ tích cực, có thể thấy việc đóng bãi rác này là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp khác khi đang hoạt động trong lĩnh vực này ở TPHCM nhưng lại thiếu đầu tư công nghệ, chưa thật sự quan tâm đến bảo vệ môi trường.

Cảm ơn ông!

Không chỉ đầu tư vào công nghệ xử lý rác hiện đại nhất Việt Nam, VWS được biết đến là đơn vị tiên phong trong hoạt động xã hội và cộng đồng. Mới đây, VWS đã dành 100 triệu đồng trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM để ủng hộ ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, giúp họ bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.