Đau lòng khi giáo viên phải đi 'tiếp khách'

TP - “Không biết bộ trưởng có đau lòng không nhưng sau sự việc như vậy tôi thấy thực sự đau lòng”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngày 16/11.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn. Ảnh: Như Ý.

Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn về đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Với tổng kinh phí gần 9.400 tỷ, đã chi hết 5.000 tỷ đồng, nhưng đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt như mong muốn. ĐB đặt câu hỏi: Đến năm 2020 dự án có đạt mục tiêu như mong muốn hay không?

Đề án dạy học ngoại ngữ không đạt mục tiêu

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, các mục tiêu đặt ra trong đề án không đạt được. Lý do, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề rất lớn, có tính chất lâu dài, liên quan rất nhiều nhóm đối tượng, phải có thời gian và chi phí rất lớn. Nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Nhạ cho hay, tới đây sẽ trình Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh đề án.

Theo Bộ trưởng Nhạ, trong thời gian đầu thực hiện, đề án đã đạt được nhiều kết quả về xây dựng các khung bậc, các chương trình, nội dung và triển khai ở các địa phương. Cái “được” nữa là bài học kinh nghiệm. Thay bằng phân kinh phí cho các tỉnh, các địa phương, bây giờ tập trung những việc liên quan chuyên môn, còn các địa phương có kế hoạch riêng.

Theo Bộ trưởng Nhạ, học ngoại ngữ để giao tiếp, để biết không quá khó, điều quan trọng là tạo ra một xã hội học tập về tiếng Anh. Theo kinh nghiệm của Malaysia, đặc biệt Singapore, đạt trình độ cả nước nói tiếng Anh trung bình mất 38 năm, không thể ngày một ngày hai được. Nhưng nếu không có quyết tâm, không có lộ trình, bước đi, khó có thể đạt được mục tiêu và cũng rất lãng phí nguồn lực.

Chống học tủ, học lệch

Liên quan kỳ thi quốc gia, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu chất vấn: Hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn trong kỳ thi THPT năm 2016 - 2017 có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi năm 2017, trong khi phương án thi đã được chuẩn bị từ lâu? Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thi trắc nghiệm là phương thức để kiểm tra kiến thức, còn nội dung, chương trình vẫn không thay đổi.

“Mục đích của kỳ thi này là kiểm tra kiến thức cơ bản của phổ thông, đảm bảo tính toàn diện, chống học tủ, học lệch và đảm bảo minh bạch, khách quan. Đặc điểm của kỳ thi này là kỳ thi có số đông, hàng triệu em, cho nên có rất nhiều hình thức thi, có thể thi tự luận, có thể thi trắc nghiệm nhưng phương thức nào cũng có cái hay và hạn chế”, ông Nhạ nói, đồng thời cho biết thêm, phần lớn các chuyên gia đều nhất trí phương án thi trắc nghiệm. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng làm thế.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chưa đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. “Nhiều học sinh nói với tôi chỉ thích thi trắc nghiệm ở chỗ, chỉ cần một bạn học tốt, thuộc bài là được. Nếu chọn phương án 1 thì bạn đó ho một tiếng, phương án 2 thì ho hai tiếng... Trong quy chế thì không cấm ho, nên một bạn làm được bài thì cả phòng làm được”, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương dẫn dụ.

Về việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, mỗi phòng thi trắc nghiệm có 25 học sinh, mỗi em một mã đề riêng nên khó có chuyện nhắc bài bằng cách ho được. Câu hỏi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Bộ trưởng nói thêm, qua kiểm tra thực tế thi trắc nghiệm ở Đại học Quốc gia Hà Nội, học sinh rất hào hứng, tự giác.

Đau lòng khi giáo viên phải đi “tiếp khách”

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) là người đầu tiên chất vấn về việc cô giáo đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. “Ngành giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Bộ GD&ĐT có nên ban hành chỉ thị cấm hiện tượng giáo viên đi làm tiếp viên như thế này hay không?”, ĐB Chiến đặt câu hỏi.

Gửi lời chúc mừng và tri ân tới tất cả các thầy cô giáo, nhất là những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhân ngày 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với những ý kiến của ĐBQH cũng như nhân dân liên quan đến vụ việc của các cô giáo ở Hà Tĩnh bị buộc đi tiếp khách. Phó Thủ tướng nói, đây là một vụ việc rất không tốt, không chỉ với giáo viên mà tất cả cán bộ, nhân viên nữ, nếu không có thái độ kiên quyết sẽ có những biểu hiện manh nha khác.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau sự việc, ông đã có ý kiến, đồng thời trao đổi, gửi công văn tới địa phương. Theo Bộ trưởng, đây không chỉ là trường hợp của một thị xã Hồng Lĩnh. Trong thực tế cũng có nhiều trường hợp tương tự. “Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Đây là việc rất đáng tiếc, phải rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Nhạ nói, đồng thời nhấn mạnh có thể linh hoạt trong chừng mực nhưng để dư luận nóng lên như thế là không được. Bộ trưởng Nhạ một lần nữa nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu ngành.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) không đồng thuận với cách dùng từ “đi làm tiếp viên” của ĐB Chiến, vì theo bà, dùng từ như vậy “rất nặng nề và dễ làm tổn thương các thầy cô”. Cùng với đó, bà Hiền cũng nêu quan điểm, dù bộ trưởng đã nhận trách nhiệm nhưng nếu nói “vui vẻ thôi” sẽ gây đau lòng với nhiều người.

“Không biết bộ trưởng có đau lòng không nhưng sau sự việc như vậy tôi thấy thực sự đau lòng. Tôi tin rằng với đặc thù về ngành giáo dục, bộ trưởng sẽ có chỉ đạo, định hướng vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành. Tôi chắc chắn bộ trưởng sẽ đứng ở vị thế khác để nhận định, từ đó có giải pháp tiếp theo để bảo vệ sự tôn nghiêm, bảo vệ uy tín của đội ngũ giáo viên. Chúng ta đang nói rất nhiều về cải cách giáo dục, rõ ràng chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến vấn đề nhân sự”, ĐB Hiền nêu.

Trao đổi với Tiền Phong về các nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đối với một số dự án đề án giáo dục không đạt mục tiêu, nên rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục. Việc không khả thi là do người thiết kế đề án đặt ra mục tiêu quá lý tưởng, thoát ly điều kiện thực tế.

GS Thuyết cho rằng các ĐBQH đã đặt ra nhiều vấn đề mà ngành giáo dục cần giải quyết. “Do đó, công việc tiếp theo bộ trưởng cần làm là thực hiện các cam kết.

Nghiêm Huê