Đâu là sự thật về vụ “Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất”?

TP - LTS: Sau khi đăng bài “Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất” đề cập đến một số sai sót trong việc thực hiện các quy định về tác quyền trong việc xuất bản cuốn sách “Đào Tấn thơ và từ” của tác giả Minh Tâm (báo Tiền Phong ngày 19-2-2012), tòa soạn nhận được nhiều phản hồi xung quanh bài báo này. Chúng tôi đã đăng bài “Đôi điều nói lại”, gồm toàn văn ý kiến của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (báo Tiền Phong ngày 26-2-2012) và bài “Về tác quyền của “Đào Tấn thơ và từ” của nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu - nguyên Giám đốc Nxb Văn học (báo Tiền Phong ngày 11-3-2012). Để rộng đường dư luận, thể theo yêu cầu gia đình nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, chúng tôi đăng bài dưới đây của ông Võ Ngọc Thọ - con trai nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.

> Về tác quyền của “Đào Tấn thơ và từ”

Vừa qua trên báo Tiền Phong ngày 19-2-2012 có đăng bài “Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất” của tác giả Minh Tâm (MT). Bài viết dựng nên nhiều chi tiết không đúng sự thật, đánh lừa người đọc, nhằm xuyên tạc bôi nhọ cá nhân nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn xung quanh tác phẩm Đào Tấn thơ và từ (NXB Sân Khấu 2003).

Tác giả Minh Tâm cho rằng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đạo văn của các nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, và các nhà nghiên cứu Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng…”.

Sự thật của vấn đề như thế nào?

Trong “Lời đầu sách” tập Đào Tấn thơ và từ (2003), ông Vũ Ngọc Liễn có viết:

“Nếu tính từ Hội nghị khoa học nghiên cứu Đào Tấn lần thứ 1 (12-1977) thì 26 năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu công trình nghiên cứu này chúng tôi đã sưu tầm, tập hợp được một khối lượng lớn các mặt tư liệu, tài liệu về Đào Tấn từ lâu nằm rải rác khắp ba miền đất nước.

Một phần trong khối lượng tài liệu ấy đã công bố qua các sách:

- Thư mục và tư liệu về Đào Tấn của nhóm tác giả: Bùi Lợi, Ngô Quang Hiển, Mạc Côn do Vũ Ngọc Liễn chủ biên, ấn hành năm 1985.

- Tuồng Đào Tấn tập I và II, do Vũ Ngọc Liễn biên khảo, Phạm Phú Tiết chú giải, NXB Sân khấu và Sở VHTT Nghĩa Bình ấn hành năm 1987.

- Thơ và từ của nhóm biên soạn: Vũ Ngọc Liễn, Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng do Vũ Ngọc Liễn chủ biên, NXB Văn học ấn hành năm 1987.

Còn đọng lại gần một nửa khối lượng tài liệu đã tập hợp lúc đó và sau này chưa có điều kiện công bố.

Lần này, tiến hành biên khảo công trình Đào Tấn chúng tôi gộp các tài liệu đã in và chưa in chia thành 3 tập:

Tập I:?Đào Tấn thơ và từ

Tập II: Đào Tấn tuồng hát bội

Tập III: Đào Tấn qua thư tịch

Riêng tập I - Đào Tấn thơ và từ in lần này tổng cộng 204 bài (141 bài thơ chữ Hán, 60 bài từ chữ Hán và 3 bài thơ nôm), như vậy so với bản in thơ và từ trước đây chúng tôi bổ sung đến 94 bài cả thơ lẫn từ lâu nay chưa công bố…”.

Đọc “Lời đầu sách” trên đây và? xem kỹ tập Đào Tấn thơ và từ (2003), chúng tôi thấy bài viết của Minh Tâm có nhiều cái sai:

Thứ nhất, sách Thơ và từ Đào Tấn (1987) chỉ có 4 tác giả (chứ không phải 7): Vũ Ngọc Liễn, Nguyễn Thanh Hiện, Mạc Như Tòng và Tống Phước Phổ, do Vũ Ngọc Liễn chủ biên (tác giả chính). Người viết lời giới thiệu, lời bạt, hiệu đính không thể gọi là tác giả.

Thứ hai, trong 4 tác giả này, ông Nguyễn Thanh Hiện còn sống và đang sáng tác ở Quy Nhơn chứ không phải đã chết. Việc tạo “hiện trường” giả về số lượng tác giả (7 người) và số lượng người chết (6 người) MT có dụng ý nhằm kích thích người đọc.

Thứ ba, trong Lời đầu sách (đã dẫn), Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn ghi rõ ông tập hợp từ nhiều nguồn để hoàn thiện công trình nghiên cứu về Danh nhân Đào Tấn, trong đó có quyển Thơ và từ Đào Tấn (1987) của ông (tác giả chính) và 3 người khác.

Việc tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau (kể cả những tài liệu rải rác trong cả nước), ghi rõ xuất xứ và tên tác giả dưới mỗi bài thơ dịch, không thể gọi là “đạo văn”.

Thứ tư, việc tập hợp nguồn từ? tác phẩm do mình chủ biên (tập cũ từ 1987), bổ sung thêm những 94 bài mới và 201 bài Thơ và Từ nguyên văn chữ Hán, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn không phải “cướp công người khác” (như MT đã viết) mà ngược lại đã ghi nhận công lao đóng góp của các tác giả đối với việc vinh danh Danh nhân Đào Tấn.

Thứ năm, trong tập Đào Tấn thơ và từ (2003) gồm 204 bài: 201 bài thơ và từ chữ Hán, 3 bài thơ chữ nôm và 201 bài thơ nguyên văn chữ Hán (phụ lục).

Ngoài ra có 3 bài viết: “Đọc thơ và từ của Đào Tấn” của Xuân Diệu, “Cõi Phật trong thơ Đào Tấn” của Thanh Thảo và “Lời Bạt” của Hoàng Trung Thông. Dưới 201 bài thơ và từ chữ Hán đều có bài dịch nghĩa (Vũ Ngọc Liễn: 200 bài, Đỗ Văn Hỷ: 1 bài); Trong 201 bài, có 171 bài có dịch thơ và dịch từ .

Hai người dịch nhiều nhất là Vũ Ngọc Liễn: 95 bài (dịch riêng: 67; chung: 28), Xuân Diệu: 52 bài (dịch riêng: 48; chung: 4), kế đến là Huỳnh Chương Hưng, Hà Giao và những người sau đây có từ 1 đến 5 bài: Yến Lan, Mạc Như Tòng, Tống Phước Phổ, Đỗ Văn Hỷ, Giang Tân, Nguyễn Thanh Hiện, Văn Trọng Hùng, Nguyễn Hoài Văn, Mịch Quang, Phan Ngọc, Trần Gia Thoại. Ngoài ra Vũ Ngọc Liễn là người biên khảo, hiệu đính, ghi chú để người đọc hiểu rõ hơn thơ và từ của Đào Tấn.

Vậy mà MT lại cho rằng Vũ Ngọc Liễn “đạo văn” của Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông (?). Đọc bài “Đọc thơ và từ của Đào Tấn” của Xuân Diệu, ta càng trân trọng tâm huyết của ông đối với việc vinh danh Danh nhân Đào Tấn qua các kỳ Hội nghị về Đào Tấn tổ chức ở TP Quy Nhơn và sự tài hoa qua các bài thơ dịch của ông.

Thứ sáu, với một công trình nghiên cứu nghiêm túc và công phu như vậy mà MT cho rằng Đào Tấn thơ và từ (2003) chỉ là một tác phẩm “ở lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn bản học” thì thật khôi hài nhằm làm lu mờ công lao và dấu ấn sáng tạo của tác giả.

Tóm lại những điều nêu ra trong bài viết “Âm mưu giật giải nhờ… đạo văn người đã khuất” của MT là hoàn toàn bịa đặt, lập lờ đánh tráo khái niệm gây sự hiểu lầm nơi người đọc. Chỉ tiếc là báo Tiền Phong đã không nhận rõ sự thiếu thiện tâm của Minh Tâm.

Trong thời gian gần đây, trên một số trang mạng, blog cá nhân, xuất hiện nhiều bài viết bàn về chủ đề này, trong đó có nội dung bình luận về công việc của báo Tiền Phong và cá nhân người có trách nhiệm của báo với tính chất thiếu bình tĩnh, thậm chí có những lời lẽ dung tục, thiếu văn hóa.

Báo Tiền Phong không tán thành cách tiếp cận trên. Trong số Tiền Phong chủ nhật tuần tới, chúng tôi sẽ có bài phân tích rõ đúng sai và kết luận vụ việc này. - T. P

Võ Ngọc Thọ
Hội VHNT Bình Định

Theo Báo giấy