Đấu giá hiện vật nghệ thuật Đông Dương tại Paris

TP - Từ ngày 21 đến ngày 23/5 tới, tại Khách sạn Druot, số 9 đường Drouot, quận 9, Paris, lần đầu tiên hiện vật nghệ thuật Đông Dương được Công ty (ART-VALOREM) đứng ra tổ chức bán đấu giá với chủ đề "Huyền bí và hiện thực Đông Dương 1860-1945".

Lynda Trouvé (ủy viên đấu giá) và Christophe Fumeux (phụ trách bán đồ Đông Dương) đã thu thập gần 400 các hiện vật như áp phích, ảnh, sách nghệ thuật, sản phẩm mỹ nghệ bằng gốm, gỗ, vải. Đặc biệt, nếu ai có những sưu tập cá nhân muốn bán có thể liên hệ trực tiếp qua hộp thư điện tử và điện thoại của hai người phu trach (lyndatrouve75@gmail.com hay cfumeur@wanadoo.fr). Các chuyên gia chuyên ngành sẽ giúp đánh giá hiện vật và giữ bí mật. Một cuốn sách về các hiện vật sẽ được quảng cáo trên mạng giúp những người tham gia đấu giá tham khảo trước.

Trong đợt bán đấu giá này có những bộ sưu tập theo yêu cầu của chính quyền thuộc địa, từng đem triển lãm ở Marseille năm 1922. Tất cả những mẫu về thuyền đánh cá trên sông Mê Kông, thuyền gỗ ở Vịnh Hạ Long, toa tàu dài 1,7m trên trục đường Sài Gòn - Tháp Chàm - Đà Lạt…  được Gustave Sagé, phó tổng ủy viên phụ trách triển lãm thời đó cất trên gác xép từ 90 năm nay. Giá khởi điểm mỗi hiện vật khoảng 500 đến 6.000 euros. Đây là dịp may các nhà sưu tầm đồ cổ và tìm hiểu lịch sử Đông Nam Á thời thuộc địa.

Một số tác phẩm và hiện vật văn hóa trên từng web của nhà tổ chức.

Tranh ảnh, hiện vật không những chỉ miêu tả lịch sử, con người thời đó, mà còn phản ánh cả quá trình hòa nhập văn hóa Pháp - Việt. Những đồ trang sức và áo dài tân thời kiều diễm do Lê Phổ, Le Mur sáng tạo và những bộ trang phục sang trọng làm sống lại thời Sài Gòn tráng lệ những năm 1935-1955.

Ngoài những mẫu trưng bày, những bản in lít-tô tranh của các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng như Lê Phổ, Charles Fouqueray, Mai Thứ, Jos-Henri Ponchin, Georges Barrrière, của tác phẩm họa sĩ viễn dương như Maurice Menadeau, Frédéric Bernelle cũng được bày bán… Bên cạnh đó còn có những bức tranh độc đáo của Jean Baptiste Fortainier vẽ Hải Phòng giai đoạn trước thời kiến trúc Pháp và tranh của những họa sĩ chưa từng được biết đến như Gaston Leluop, Charle Ulmann, Suzanne Depiné…

Những hiện vật trưng bày bán đấu giá cho thấy Việt Nam có nền văn minh và văn hóa lâu đời. Các nghệ nhân và họa sĩ Việt đã chứng minh được người Việt không chỉ thuần nông và săn bắt cá thú trên rừng hoang như tuyên truyền của thực dân thời đó.