Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, việc Lạng Sơn dừng tiếp nhận hàng nông sản lên cửa khẩu Tân Thanh 15 ngày sẽ tác động rất lớn đến tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng cảnh báo không đưa nông sản, đặc biệt là trái cây như thanh long, dưa hấu, mít… lên Lạng Sơn nữa, nhưng doanh nghiệp vẫn chở lên với hy vọng cửa khẩu mở cửa.
Tăng tiêu thụ nội địa, chế biến
Theo ông Nguyên, nhiều trái cây không xuất được sang Trung Quốc, chỉ có tìm hướng tiêu thụ nội địa, bảo quản, chế biến hoặc xuất đi nước khác, nhưng đây cũng vấn đề nan giải trong bối cảnh dịch COVID-19.
“Thanh long có thể đóng container 30 ngày. Dưa hấu, xoài… thì không bảo quản lâu được, chỉ có bán bằng đường bộ qua Trung Quốc. Còn đi nước khác phải vận chuyển máy bay, trong khi dịch COVID-19, hàng không cũng gần như tê liệt, còn xuất đường biển cũng giảm sâu”, ông nói. Với những loại trái cây có thể tác động để ra hoa trái vụ như thanh long, cần giảm bớt để tránh tính trạng ồn ứ, trước làm mười nay làm một nửa. “Tránh tình trạng làm ra bán không được, thậm chí bỏ tại vườn, vừa tốn kém công sức, lại gây ô nhiễm môi trường”, ông nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Xuất khẩu nông sản (Bộ NN&PTNT), đề nghị, trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản lên Lạng Sơn, bám sát tình hình. Các doanh nghiệp, địa phương tìm hướng tăng cường tiêu thụ nội địa qua kênh siêu thị, chợ...; chuẩn bị một lượng dự trữ chế biến cho nhu cầu sắp tới. Ông Toản cũng lưu ý địa phương rà soát, cơ cấu lại mùa vụ, đặc biệt với mùa thu hoạch vải, nhãn… sắp tới, cần tính toán sản lượng, từ đó có kế hoạch kết nối các kênh siêu thị, địa phương từ sớm.
Ðề nghị Trung Quốc mở luồng ưu tiên
Để tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngày 16/4, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có buổi tiếp và làm việc với ông Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ông Cường cho biết, do phía Trung Quốc siết chặt các cửa khẩu để kiểm soát dịch COVID-19, ở Lạng Sơn hiện còn 2.600 xe nông sản bị ùn ứ, tốc độ thông quan rất chậm. Lạng Sơn đã báo cáo Thủ tướng cho tạm dừng các xe lên biên giới để cho thông quan hết số hàng dồn ứ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu nông sản, hai bên thống nhất lập danh sách doanh nghiệp xuất khẩu theo luồng xanh, hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra đối với bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm... để giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu, ông Cường cho biết. Cùng đó, hai bên sẽ phối hợp vận hành luồng ưu tiên thông quan, kéo dài thời gian đối với hàng nông sản từ 7 giờ đến 22 giờ (tương ứng 8-23 giờ Bắc Kinh) qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai - Bắc Sơn).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị phía bạn xem xét, tạm thời cho xe không hàng (container hoặc xe nhỏ cư dân biên giới) sang bến bãi cách ly tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn bốc hàng trong thời gian phòng chống dịch bệnh để giải quyết lượng xe tồn của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ bố trí phát miễn phí khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế cho lái xe Trung Quốc, bố trí lao động và miễn phí bốc xếp hàng hóa... Cùng đó, tạm thời đưa vào hoạt động tuyến đường bộ qua mốc 1035 (thuộc cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi) trong thời gian phòng chống dịch bệnh, xuất khẩu trái cây, nông sản, thủy hải sản của Việt Nam qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam)-Ái Điểm (Trung Quốc).
Ngoài ra, kiến nghị Đại sứ Trung Quốc về việc mở rộng danh mục hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường như đối với cửa khẩu quốc tế đường bộ, khôi phục nhập khẩu thủy hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Đại sứ Hùng Ba đề nghị Việt Nam mở rộng bãi xe hàng hóa để có đủ không gian điều phối xe đi lại, phân luồng, giảm sức ép với các cửa khẩu, không tập trung vào một cửa khẩu; có thể sử dụng đường sắt… Đại sứ Trung Quốc cũng đề nghị lái xe Việt Nam khai báo điện tử, tránh phải xếp hàng khai giấy, tiết kiệm thời gian.
Dự kiến, ngày 18/4, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đến làm việc với tỉnh Lạng Sơn và cơ quan chức năng, nhằm tháo gỡ vướng mắc với hàng nông sản.