> Thêm một ngôi trường Đèn Đom Đóm
Bên dòng Nậm Có
Mờ sáng. Rời thành phố Yên Bái. Vài phút sau, xe đã bám vách núi đưa đội tình nguyện ngược Quốc lộ 32C hướng về miền Tây Bắc. Tiếng hát trong trẻo của những chàng trai, cô gái trẻ rộn lên hồn nhiên dù đã vượt gần 150km đường đèo dốc quanh co.
Không phải ngẫu nhiên mà họ là 7 trong số 62 gương mặt đoàn viên thanh niên trí thức trẻ tiêu biểu được lựa chọn từ gần 500 đơn đăng ký tham gia chiến dịch tình nguyện hè 2011, đến từ các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, Cao đẳng nghề, Trung cấp kinh tế - kỹ thuật, Trung cấp Y tế... Tất cả đã được tập huấn kỹ lưỡng trước ngày đến với bà con vùng sâu ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Trời bất chợt đổ mưa lớn, lũ đầu nguồn cuồn cuộn. Suối Có dềnh lên ngầu đỏ. Tất cả là nước mênh mông, dìm sâu cả con đường mà đoàn vừa đi qua. Gạo, cá khô, mỳ tôm, mắm muối, tất cả được phủ áo mưa thật kỹ. Biết tin đoàn đến, thanh niên xã Nậm Có ào ra. Anh em cùng nắm tay nhau vượt suối.
Một đêm ngủ ngon thật ngắn. Ba tốp nhỏ phân công vào việc. Đào hố rác, khơi rãnh tù trong bản, làm cỏ, quét dọn vệ sinh khu vực trung tâm xã và trường học, gọi tất tật 40 em thiếu nhi trong bản đến để cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay, tắm, trò chuyện với dân bản về an toàn giao thông, tránh xa ma túy, hiểu về sức khỏe sinh sản...
Đủ 100% đoàn viên thanh niên và người dân được phát tài liệu tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước... Tối đến lại tập trung các em thiếu nhi tập múa hát, chơi trò chơi và giải đố vui có thưởng. Phần thưởng chỉ chút bánh kẹo nhưng các em tham gia rất đông vui, nhiệt tình...
Hơn 4 ngày ở Nậm Có, những chàng trai, cô gái đến từ vùng xuôi lần đầu lên Tây Bắc nhận được bao trìu mến, yêu thương.
Bản ba không
Rời bản Có, cả đội lại hành quân tiếp lên bản Đá Đen. 12 cây số đường rừng dốc dài nối dốc bạt ngàn cây rừng. Ba lô, bao tải, thùng tư trang, lương thực, tài liệu tuyên truyền và bảy thanh niên trẻ vật lộn với cái nóng, cái khát.
Bản Đá Đen hiện ra khi trời đã sẩm tối. Toàn đội dường như kiệt sức, người ngồi, người nằm vật ra tranh thủ nghỉ ngơi. May mắn cho chúng tôi, bữa cơm tối hôm đó được các bạn trẻ bản Đá Đen chuẩn bị chu đáo...
Đêm Đá Đen thật lạ. Ngày nắng lửa mà đêm lạnh ngắt, gió buốt tạt ngả bụi cây cà gai loạt soạt, trăng tháng bảy vằng vặc lơ lửng như ngang tầm tay với...Cả đội hội ý chớp nhoáng để phổ biến công việc hôm sau rồi bảo nhau đi ngủ sớm. Lạnh đến nổi da gà, chia nhau ba chiếc chăn mỏng mấy cô gái mang theo cho bạn trai tỉa ké. Mưa khiến bùn nhầy nhụa mảng sân đồi tự lúc nào...
Bữa sáng có mỳ tôm không người lái. Cả đội ào ra dọn vệ sinh sân trường, đào hố rác. Khu đồi trống hoác nhanh chóng mọc lên một nhà tắm di động cho chị em trong đội. Bản Đá Đen ngổn ngang phiến đá lớn đen sì, trải dài dọc sườn núi đến ngút tầm mắt, xen lẫn mảnh nương của đồng bào người Mông đang vụ thu hoạch ngô hè... Đội tình nguyện nhanh nhẹn, bẻ loáng đã xong cả nương ngô, mấy chị người Mông cứ đứng trân nhìn khâm phục...
Anh em gọi bản Đá Đen là chốn ba không: Không điện lưới, không nước sạch, không sóng điện thoại. Dân bản và thầy cô giáo ròng nước từ non cao xuống bằng máng. Ăn, uống, tắm rửa, giặt giũ... tất thảy xài nước lần trên núi xuống, đánh răng hay rửa mặt đều chạm cát lạo xạo. Không sóng điện thoại, mấy ngày xa nhà đã khiến bạn gái xinh đẹp nhất đội vài phen bật khóc khi bạn trai dưới thành phố alô lên bị đứt sóng sinh nghi ngờ...
Hằng ngày, đội cùng bà con sửa đường, nạo cống rãnh, quét dọn bản, lại gọi từng nhà ra sân bản kể chuyện, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước... Lão Sùng A Di, Trưởng bản Đá Đen, xúc động: “Cảm ơn cái thanh niên tình nguyện! Các cháu làm bản này khỏe ra, nhanh hơn, chăm hơn. Thật ơn Đảng...”.
Bản Đá Đen có thêm 8 cây số đường đi lại dễ dàng. Trẻ em vui hát bài ca mới, rồi ai cũng hiểu hơn về luật giao thông, và chỉ hai buổi kể chuyện sức khoẻ sinh sản là chị em trong bản đã bảo nhau chỉ đẻ hai con thôi. Ma túy là đáng sợ, cái bẩn là bệnh tật, móng tay dài là rất bẩn...
Trên đỉnh Mú Cáy Hồ
Ngày thứ 10 của cuộc hành trình. Quá nhiều thử thách nhưng chưa ai thốt ra một lời than vãn. Đi tới đâu, ở đó là nhà, là có người như ruột thịt. Những con đường mới được khai mở, mái nhà mới được dựng lên, trường trạm khai thông, tu sửa, bà con được chữa bệnh, trẻ em được tặng quà...
Miền Tây Bắc ngút ngàn trùng xa, suối sâu, đèo cao - lời ca hùng tráng trên đường hành quân rời bản Đá Đen sang Mú Cáy Hồ. Con đường rừng núi hiểm trở với mây cuốn ngang lưng giờ trở nên quen thuộc.
Đỉnh Chú Tủ Nềnh (Hổ cắn Ngựa) hộc đá sắc cạnh to choán ngang đường như mềm ra bên bụi chuối rừng chớm mùa hoa. Vùng núi xưa có hổ rình ngựa dọa dập bản Mú Cáy Hồ. 60 hộ người Mông nằm gọn trong lòng thung lũng, nhà xen ruộng bậc thang xanh rì mạ non.
Anh em khỏi nghỉ ngơi, vào việc sửa sang, vun vén con đường nhỏ chui lòng bản thật sạch sẽ... Bản có nhiều nhà gỗ kiên cố, có đàn lợn đeo gông chạy quanh đồi, gia súc cũng nhiều vô kể. Tất thảy xuýt xoa vì vẻ đẹp của Mú Cáy Hồ - nơi có nhiều hồ nước tự nhiên nằm rải rác.
Trưởng bản Sùng Chơ Giàng có căn nhà gỗ lớn mà vẫn thiếu nhà vệ sinh. Sau bữa trưa, chỉ một loáng, lão Giàng đã được đội tình nguyện vác gỗ về dựng một nhà tắm kín đáo, một hố tiêu hợp vệ sinh và một hố đổ rác.
Được giải thích, lão Giàng gọi cả bản đến xem, thế là nhà nhà đua nhau làm buồng tắm... Thanh niên cả bản cũng hò nhau tụ về đi làm cùng đội tình nguyện. Lại một đêm văn nghệ nữa thật tưng bừng quanh đống lửa to cháy bừng khí thế.
Mười hai ngày tình nguyện kết thúc thật nhanh. Mấy bạn trẻ còn lưu luyến như muốn ở lại Mú Cáy Hồ khi lửa tình nguyện còn rực cháy...