> Toàn cảnh vụ nứt thân đập thủy điện Sông Tranh 2
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng giới thiệu ông Nguyễn Tài Sơn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế thủy điện Sông Tranh 2 - báo cáo trước Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường.
Ông Sơn cho biết hiện nay đập Sông Tranh 2 xảy ra hiện tượng thấm lớn mà chủ yếu thấm qua khe nhiệt.
Việc này trong thời gian đầu mới đưa công trình vào vận hành sẽ không ảnh hưởng gì đến an toàn ổn định công trình, nhưng trong dài hạn nếu việc này không được khắc phục thì các dòng thấm này có tác dụng làm chất lượng bêtông khu vực có dòng thấm lớn chảy qua giảm chất lượng và bị bào mòn.
Nước rò rỉ chủ yếu qua các khe nhiệt, đặc biệt là tại hai khe K11 và K16, nhưng lưu lượng thấm hiện tại không gây ảnh hưởng đến tính ổn định của đập, không thể gây sự đổ vỡ.
“Quản lý nhà nước có vấn đề”
Bây giờ “Xử lý không chỉ mấy khe nhiệt và kỹ thuật mà cần chữa về quản lý nhà nước hiện rất hổng” - GS.TS Vũ Trọng Hồng lên tiếng.
GS Hồng cho biết đến nay VN chưa có quy chuẩn kỹ thuật về đập bêtông đầm lăn, trong khi quốc tế lưu ý rằng bêtông đầm lăn chống thấm kém.
“Tôi cho rằng không phải lỗi thiết kế mà lỗi ở thi công. Khe nhiệt hở là do thi công, tại khe nhiệt thì đầm máy không vào được mà phải đầm tay. Có 30 khe nhiệt mà 10 khe bị thấm thì không thể chấp nhận. Trong khi công trình mới vận hành năm tháng, vậy tuổi thọ 100-120 năm còn được không? Phải kết luận cho Nhà nước chứ. Nếu nói tuổi thọ 30 năm phải chữa lớn thì cần chuẩn bị tiền” - GS Hồng cảnh báo.
Vẫn theo GS Hồng, Cục Giám định quốc gia không nói kết quả nghiệm thu đạt bao nhiêu phần trăm, chỉ nói là đạt yêu cầu, mà 75-80% cũng là đạt yêu cầu.
“Cần kết luận tuổi thọ được bao lâu. Chứ còn vết thương thì chữa có bao giờ lành hoàn toàn được đâu” - GS Hồng nhắc lại.
GS Hồng cũng bày tỏ bức xúc vì không thấy công bố bộ nào duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật bêtông đầm lăn đập thủy điện Sông Tranh 2. Ông đề nghị phải tổ chức đoàn chuyên gia độc lập vào đánh giá chất lượng công trình và khả năng khắc phục sự cố.
“Dân lo là đúng. Có dân ở dưới đập thì phải nghe ý kiến dân. Bộ trưởng nói an toàn, thứ trưởng nói an toàn, dân nói không an toàn thì phải có ai lập luận cho dân rõ chứ. Giải thích xem đập này an toàn đến đâu. Phải tính rõ nếu vỡ đập này thì sóng vỡ đập lên cao mấy mét, dân hạ lưu chạy đến những điểm nào” - GS Hồng đề nghị.
Lỗi do thi công
Sau phân tích của GS Hồng, ông Nguyễn Tài Sơn khen “thầy Hồng rất tinh, đúng là thấm do thi công, làm mấy cái khớp không chuẩn, đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4”.
PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường - lên tiếng: “Quy chuẩn kỹ thuật phải được cơ quan có chức năng ban hành. Không thể nói cứ lấy tiêu chuẩn nước ngoài là tốt. Bởi vì thi công đổ bêtông ở Nhật khác, ở Nga khác vì ở Nhật, Nga khí hậu lạnh, ở ta thi công mùa hè lúc 11g trưa thì có làm lạnh được không?”.
Về phương án khắc phục sự cố, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết trong ngày 28-4 ký hợp đồng thuê Công ty Hoa Đông (Trung Quốc) vào khắc phục, đến tháng 8 sẽ dán xong được 10 khe nhiệt.
“Nếu dán xong mà lượng nước thấm ở mức cho phép thì phải tính đến giải pháp khác để xử lý. Có nhiều bài học phải rút ra trong công tác thiết kế, thi công, thẩm định, nghiệm thu công trình này” - ông Vượng thừa nhận.
GS Hồng đề nghị: “Phải hỏi Trung Quốc là độ lão hóa của keo dán là bao nhiêu. Nếu một hai năm mà lão hóa thì chết. Vì dán keo chỉ có Trung Quốc làm.
Thứ hai, anh thi công dưới nước ai sẽ kiểm tra. Tôi đề nghị cho robot, camera theo dõi”.
Đến từ Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, TS Phạm Bích San cảnh báo: “Tất cả các tổ chức nước ngoài nói với chúng tôi rằng họ rất e ngại về công nghệ Trung Quốc mà chúng ta đang sử dụng để xây đập. Chúng tôi xin lưu ý như vậy”.
Kết luận cuộc thảo luận, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nói rằng trên cơ sở ý kiến của các bên, ủy ban sẽ họp để có ý kiến cụ thể báo cáo Quốc hội. Trước mắt, yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục triệt để sự cố thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi vận hành.
Theo Lê Kiên
Tuổi Trẻ