> Tổ máy số 2 thủy điện Đồng Nai 3 hòa lưới điện quốc gia
> 2 người mất tích ở hồ thủy điện
Thấp thoáng trên hồ nước mênh mông là những chiếc ghe máy của bà con xóm chài đang miệt mài di chuyển để buông lưới, giăng câu. Gần 60 hộ dân đang sinh sống trong những căn nhà nhỏ dựng lên chưa lâu, dập dềnh trên phao tự tạo bằng cây lồ ô.
Việt kiều nghèo
Chiếc xuồng máy của Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đăk Nông) đưa chúng tôi ghé thăm một nhà bè, trên nhà chỉ có một người phụ nữ ngơ ngác khi có khách lạ tới thăm.
Bà nói mình tên là Nguyễn Thị Láo, sinh năm 1964 từ sông La Ngà (Đồng Nai) lên đây mưu sinh được gần 3 tháng. Bà chỉ nhớ mình sinh ra đã lênh đênh trên Biển Hồ của Campuchia, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái ở đó. Năm 1993, trở về Đồng Nai không một miếng đất cắm dùi, phải quay lại nghề sông nước, đi qua thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận…
Lên đây, chồng bà vật lộn từ sáng sớm đến tối mịt may mắn lắm cũng chỉ kiếm được chưa đến trăm ngàn bạc để mua gạo và mắm muối, kiếm thêm mớ cá nhỏ để làm thức ăn cho bè cá lóc. Bà bị bệnh tim, nên mấy năm nay không làm được gì. Con cháu vẫn phải nối nghiệp cha mẹ.
“Muốn lên bờ lắm nhưng ngặt nỗi không có tiền, không có đất. Gia đình chúng tôi kéo nhau lên đây kiếm miếng cơm manh áo, nuôi thêm bè cá lóc hi vọng khi thu hoạch có đủ tiền trả nợ 12 triệu đồng cho ngân hàng mấy năm chưa trả được”, bà tâm sự.
Đang dở chầu nhậu với hàng xóm, ông Ba Mứt xởi lởi: “Mấy chú vô mần với anh em tụi tui mấy ly đế đã, rùi ta nói chuyện. Vội gì!”.
Ông cởi trần xếp bằng trên chiếu nhậu phơi ra làn da cháy nắng do thói quen không mặc áo. Khi chén rượu cạn, mấy bạn nhậu bắt đầu chọc lão: “Ổng là Việt kiều đó, mà là Việt kiều nghèo”.
Lão từng sống nhiều năm ở Campuchia rồi lấy vợ sinh con bên đó. Khi cá hết, lão về nước rồi lênh đênh theo những lòng hồ thủy điện. 20 năm, lão kinh qua 4 thủy điện lớn nhỏ.
“Cứ nghe trên đài, ti vi thông tin có thủy điện nào tích nước là gia đình lại gói ghém đồ đạc ra đi. Hồ mới tích nước nhiều thức ăn nên cá rất nhiều, nhưng độ dăm bảy năm đánh bắt riết rồi nó cũng hết”, lão nói.
Như nhớ ra điều gì quan trọng, lão mồi điếu thuốc mới, trầm tư: “Mà không biết rồi còn thủy điện nào mới nữa để cho con cháu tui nó có nơi mà đánh cá, kiếm cơm? Chứ cả cái xóm này không có mấy cái hồ mới tích nước thì lấy gì mà ăn?”.
Cả xóm có 1 TV đen trắng
Ở làng chài, nhà nào cũng có 5-6 nhân khẩu sinh hoạt chen chúc trên một chiếc bè rộng chừng 15m2. Đám trẻ con không có trò chơi gì ngoài lội nước và chèo thuyền. Chúng tôi đang ở nhà chị Lê Thị Nhị thì đứa con gái 4 tuổi là Nguyễn Thị Tú Quyên nhảy ùm xuống nước làm tôi hết hồn. Chủ nhà trấn an: “Nó như rái cá mà, lo gì! Ở đây, đứa nào chẳng biết bơi, chúng có gì chơi ngoài nước đâu”.
Cả xóm có 1 tiệm tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm. Chủ tiệm Nguyễn Thị Bích cho biết, bà đã theo nghề buôn bán ở 4 thủy điện; buôn bán ở đây chẳng lời lãi là bao vì lấy hàng chở vào đây chi phí rất cao.
“Khổ cũng phải theo làm chứ giờ lên bờ thì không có đất cát, làm mướn thì già cả không có sức”, bà nói. Tuy nhiên, nhà bà vẫn khá giả nhất xóm vì ít nhất bà cũng là người duy nhất sở hữu chiếc tivi đen trắng để cả xóm có thể tụ tập xem ké.
“Tụi tôi chỉ muốn một chỗ làm ăn yên ổn và có ai bày cách làm ăn để thoát khỏi kiếp nghèo, lênh đênh nơi đây mai đó. Mình già chứ còn tương lai của bọn trẻ nữa, hồ đâu để chúng theo mãi”. - ông Ba Mứt