Đặng Văn Tốt, sinh viên ngành Y khoa, vừa tốt nghiệp Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội cho biết từ năm thứ 3, sinh viên Y khoa học lâm sàng tại các bệnh viện. Trải nghiệm của em cho thấy số lượng sinh viên thực tập lớn hơn số lượng bệnh nhân trong mỗi khoa rất nhiều.
Khó khăn đó không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân, bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến chính sinh viên vì ít cơ hội tiếp xúc với người bệnh. Ví dụ có bệnh nhân mà Tốt muốn thăm khám nhưng khi vào phòng bệnh đã thấy nhiều sinh viên khác hỏi nên phải đợi mấy ngày sau mới có cơ hội tiếp xúc.
Bản thân Tốt cũng nhận thấy bệnh nhân khi bị nhiều sinh viên thực tập hỏi cũng bức xúc, mệt mỏi. Có bệnh nhân không muốn hợp tác dù trước đó cũng đã được bác sĩ điều trị thông tin để hỗ trợ sinh viên. Tốt đã đi gần như khắp các bệnh viện của Hà Nội gồm bệnh viện tuyến trung ương, tuyến quận huyện, thành phố, bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa lẻ. Trong đó Tốt ấn tượng nhất là Bệnh viện Bạch Mai có số lượng sinh viên thực tập đông nhất. Tại đây, Tốt cũng gặp nhiều sinh viên trường khác đến thực tập.
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TPHCM chia sẻ, tại một bệnh viện lớn của TPHCM, có thời điểm 1 phòng bệnh có 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 sinh viên thực tập. Theo quy định, cùng một thời điểm mỗi phòng không quá 3 sinh viên thực hành trên 1 giường bệnh thì thực tế đã vượt trên 50%.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện cả nước có khoảng 32 học viện, trường ĐH đào tạo ngành Y khoa. Trong đó, miền Bắc có khoảng 11 cơ sở đào tạo. Nếu tính riêng Hà Nội, có các đơn vị như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Y học cổ truyền, Học viện Quân y. Tuy vậy, về cơ sở thực hành, hiện mới chỉ có Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Quân y, Học viện Y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội có bệnh viện trực thuộc.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 111 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành Sức khỏe. Để có nghị định này, năm 2016 Bộ Y tế có tờ trình với những con số thống kê cụ thể. Tại thời điểm đó, cả nước có khoảng 185 cơ sở giáo dục đào tạo về Y, Dược, trong đó có 41 cơ sở đào tạo trình độ ĐH, 53 cơ sở đào tạo trình độ CĐ và 91 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp. Theo đó, nhu cầu sinh viên cần thực hành trên toàn quốc khoảng 560.000 người.
Theo GS Trần Diệp Tuấn, hiện nay ở một số trường có tình trạng hòa lẫn chỉ tiêu giữa các ngành miễn sao không vượt quá tổng chỉ tiêu. Các trường tập trung dồn chỉ tiêu tuyển cho ngành y bằng chỉ tiêu của ngành khác. Điều này là hoàn toàn không nên đối với ngành học này vì phải đảm bảo chất lượng đầu ra. GS Tuấn kiến nghị cần có giám sát rõ ràng về chất lượng giáo dục từ khâu mở mã ngành, tuyển sinh đến quá trình đào tạo đối với ngành y…
Trong khi đó, thời điểm ban hành nghị định (năm 2017), cả nước có khoảng 13.700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ trung ương đến địa phương với khoảng 210.000 giường bệnh có thể tham gia vào việc thực hành đào tạo nhân lực y tế.
Tuy nhiên, nhu cầu về cơ sở thực hành phân bố không đồng đều do các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe chủ yếu lựa chọn nơi thực hành là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh, đồng thời chủ yếu là các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa sâu.
Chính sự phân bố không đồng đều này đã dẫn đến tình trạng một số bệnh viện trở thành cơ sở thực hành của nhiều trường Y, Dược ở nhiều trình độ khác nhau, cả công lập, ngoài công lập và tình trạng quá tải về tỷ lệ sinh viên thực hành trên 1 giường bệnh tại một thời điểm.
Khó đảm bảo chất lượng đào tạo
Một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải chỗ thực hành cho sinh viên ngành Y phải kể đến là chỉ tiêu đào tạo ngày càng phình lớn. Nhiều trường ngoài công lập chưa có bệnh viện thực hành nhưng chỉ tiêu đào tạo xấp xỉ hoặc nhiều hơn các trường y dược truyền thống.
Ví dụ, năm 2023, Trường ĐH Đại Nam thông báo tuyển 380 chỉ tiêu ngành Y khoa, trong khi Trường ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển 400 chỉ tiêu cho cơ sở chính tại Hà Nội. Trường ĐH Võ Trường Toản tuyển sinh ngành Y khoa năm 2023 dự kiến 860 chỉ tiêu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng xét tuyển 240 chỉ tiêu ngành Y khoa.
Điều quan trọng là trong khi trường công bị khống chế mức trần học phí thì trường ngoài công lập được tự quyết. Chính vì vậy nên học phí ngành y khoa của những trường này cao ngất ngưởng. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu học phí ngành Y khoa chương trình tiếng Việt là 72 triệu đồng/kỳ, tương đương 144 triệu đồng/năm học/sinh viên; với chương trình tiếng Anh là 78 triệu đồng/kỳ, tương đương 156 triệu đồng/năm học/sinh viên.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho hay mấu chốt của việc quá tải chỗ thực hành của sinh viên nhóm ngành sức khỏe là cơ sở đào tạo đi vay mượn bệnh viện, làm hỗn loạn môi trường thực hành. Do đó, không đảm bảo chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến cơ sở thực hành truyền thống của trường khác.
GS Trần Diệp Tuấn chia sẻ thực trạng đào tạo ngành Y ở nhiều trường ngoài công lập rất đáng lo ngại. Số lượng sinh viên ngành y ở nhiều trường quá đông, giảng viên cơ hữu của trường dạy thực hành ở bệnh viện không có nhiều.
“Tôi từng thấy ở một trường cũng trang bị máy móc, thiết bị khá hiện đại. Nhưng việc tổ chức lớp học với khoảng 500 sinh viên thì các em thực hành kiểu gì, nếu có thì cũng chỉ qua loa, học ngó nhìn cho xong”, GS Diệp Tuấn nói.
Nguyên nhân của tình trạng “quá tải” đủ thứ này được GS Tuấn cho rằng xuất phát từ quy định mở mã ngành chưa đúng với tính chất đặc thù của đào tạo y khoa. Dù Bộ GD&ĐT đã có những quy định đặc thù cho khối ngành đào tạo khoa học sức khỏe từ chương trình đào tạo, xác định chỉ tiêu, tuyển sinh đầu vào, đảm bảo chất lượng giáo dục…
Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ mới có 5/32 chương trình đào tạo bác sĩ Y khoa được kiểm định chất lượng giáo dục, do đó cần đẩy mạnh cơ chế giám sát đặc thù và chặt chẽ hơn nữa.