Đào tạo 'chui', hiệu trưởng bị quy trách nhiệm

TPO - Quy trách nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vì đào tạo “chui”; Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đề xuất thành lập trường THCS và THPT; TPHCM tiếp tục đề xuất chọn ngoại ngữ là môn thứ 3 thi vào lớp 10;… là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Kon Tum: Kỷ luật khiển trách Ban giám hiệu buông lỏng quản lý

Sáng 18/12, Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, đã nhận được báo cáo của UBND huyện Tu Mơ Rông về kết quả xử lý kỷ luật các viên chức của Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông).

Theo đó, UBND huyện Tu Mơ Rông quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Thanh Huy - Hiệu trưởng và ông Trịnh Ngọc Khối - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Măng Ri.

Với vai trò là hiệu trưởng, ông Nguyễn Thanh Huy đã vi phạm trong việc buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ về quản lý thiết bị, vật tư được cấp, để hư hỏng, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến ngành giáo dục nói riêng và của huyện nói chung. (xem chi tiết)

Đào tạo 'chui': Quy trách nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KDCNHN) về việc chấn chỉnh công tác tuyển sinh và đào tạo Văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Bộ GD&ĐT khẳng định Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có trách nhiệm liên quan đến đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh "chui" được phản ánh vừa qua. (xem chi tiết)

Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đề xuất thành lập trường THCS và THPT

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở GD-ĐT cho phép đơn vị này thành lập trường THCS và THPT sư phạm.

Cụ thể, trường THCS và THPT sư phạm sẽ nằm trong khuôn viên giảng đường của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2025-2026.

Việc thành lập trường này sẽ tận dụng, phát huy tiềm lực về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có và tự chủ về tài chính.

Dự kiến, quy mô tuyển sinh khối THPT của trường là gần 1.000 học sinh tính đến năm học 2027-2028 và khối THCS sẽ đạt trên 300 học sinh đến năm học 2028-2029.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là trường đại học công lập, là một trong 8 trường sư phạm chủ chốt của cả nước.

TPHCM tiếp tục đề xuất chọn ngoại ngữ là môn thứ 3 thi vào lớp 10

Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng việc lựa chọn ngẫu nhiên những môn không thuộc định hướng sẽ gây ra sốc tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi. Môn ngoại ngữ làm môn thứ 3 thi lớp 10 giúp học sinh ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp. (xem chi tiết)

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lí giải chuyện đạt IELTS 7.0 được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh

Liên quan đến chế độ đặc cách công nhận học sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên thành học sinh giỏi cấp tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Lê Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, chính sách này đã nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của học sinh. Điều này được minh chứng qua sự gia tăng liên tục về thứ hạng điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm. (xem chi tiết)

Loạn khoản thu, chi trái quy định tại trường tiểu học ở Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Du (thành phố Hà Tĩnh) phản ánh tình trạng thu, chi tại ngôi trường này chưa minh bạch, gây bức xúc. Theo phụ huynh lớp 1, sau cuộc họp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm phổ biến đóng các khoản như tiền vận động hỗ trợ cơ sở vật chất 1,4 triệu đồng/học sinh; tiền phí hao mòn bán trú 220.000 đồng/học sinh.

Đặc biệt, đối với lớp học thông minh sẽ đóng thêm khoản tiền xây dựng phòng học trên 2 triệu đồng/học sinh. Ngoài số tiền nêu trên, còn đóng quỹ lớp từ 500.000 – 1 triệu đồng/học sinh tuỳ lớp; quỹ trường 150.000 đồng/học sinh. Cùng với đó tiền học các môn tiếng Anh xã hội hoá; CLB Toán - Tiếng Việt...(xem chi tiết)

Vì sao Thừa Thiên-Huế thiếu nhiều giáo viên nhưng chưa thể tuyển dụng?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) có nhiều địa phương thiếu giáo viên đứng lớp, trong khi công tác tuyển dụng lại không được thực hiện dù chỉ tiêu biên chế được giao cho ngành giáo dục trong năm 2024 vẫn còn nhiều. (xem chi tiết)