Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thường gọi "
Hoa Đào rừng" là “Pằng Tớ Dày”. Thời điểm hoa nở rộ nhất, đẹp nhất vào khoảng giữa tháng 12 đến hết tháng 1 Dương lịch hàng năm.
Trên những cánh đồng ruộng bậc thang, hay sân trường học...
Bên những hiên nhà, ngõ nhỏ, đường làng ở Mù Cang Chải, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những hình ảnh hoa Đào rừng khoe sắc thắm chào đón mùa Xuân về.
Theo các cụ già người Mông, không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác từ đâu, chỉ biết khi
người Mông sinh ra và lớn lên đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết.
Đồng bào Mông ở Tây Bắc rất ưa thích hoa Đào rừng và coi nó là biểu tượng cho tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc Mông và của núi rừng Tây Bắc.
Đào rừng phân bố tự nhiên và mọc nhiều ở một số địa bàn thuộc huyện Mù Cang Chải như Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xù Phình, Khao Mang, Lao Chải, dọc theo suối Nậm Kim… Tuy nhiên, nhiều và đẹp nhất phải kể đến La Pán Tẩn.
Khi hoa Đào rừng bung nở trên nương, điểm tô sắc thắm cho đại ngàn ở những vùng cao, làm bừng sáng không gian núi đồi, bản làng như được khoác lên mình một màu áo mới...
Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã 2 lần tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày và nghệ thuật biểu diễn khèn Mông, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông Tây Bắc. Trong thời gian tới, ngoài việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, huyện cũng nhân rộng diện tích trồng hoa Đào rừng để tạo cảnh quan thiên nhiên nhằm thu hút khách du lịch.
Văn Đức