Để có được thành công đó phải kể đến sự nhiệt tình đến xả thân của hơn 1.100 tình nguyện viên sát cánh cùng hai BTC Việt Nam và quốc tế trong hoàn cảnh địa điểm tổ chức dù rất đẹp nhưng vẫn chưa hoàn tất cơ sở hạ tầng.
Tuyên bố Hà Nam nói gì?
Đại chúng nhìn qua truyền hình dễ chỉ thấy phần lễ lạt, trình diễn của Vesak. Nếu nhìn vào Tuyên bố Hà Nam sẽ thấy những nỗ lực cứu giúp thế giới bằng giáo pháp của Phật. Đây là kết quả của 5 hội thảo quốc tế thu hút khoảng 500 tham luận. Mỗi hội thảo chuyên chú vào một khía cạnh của đời sống và xã hội hiện đại: lãnh đạo, sức khỏe - gia đình, giáo dục, tiêu dùng, cách mạng công nghệ. Để thấy rằng trí tuệ Phật vẫn theo sát, song song với sự phát triển của nhân loại như con đường tránh vào lúc nguy cấp.
“Chúng tôi yêu cầu rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần có sự cộng tác thiết thực hơn nữa với các lãnh tụ Phật giáo nhằm phát triển các hệ thống có khả năng khuyến khích việc đạt được các tiềm năng từ bi cũng như xã hội - kinh tế, và do đó, tạo ra thế giới mà tất cả chúng ta đều muốn sống”.
Trích Tuyên bố chung Vesak 2019 phát đi từ Hà Nam, Việt Nam
Ngài Chủ tịch ICDV nhắc các đại biểu khi về quê nhà hãy lên kế hoạch hành động theo những điều đã thống nhất trong Tuyên bố Hà Nam. Ngay những dòng đầu tiên, tuyên bố gồm 9 điều dài hơn 2.500 chữ cam kết: “Đảm nhận vai trò ngày càng tích cực, ở địa phương và trên toàn cầu; chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa với xã hội nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển các xã hội bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp.”
Các đại biểu tham dự Vesak 2019 đã phê chuẩn cách tiếp cận của Phật giáo như “mô hình toàn mãn” nhằm đạt được lý tưởng hòa bình, nhận chân các giá trị phổ quát của nhân loại; khẳng định phát triển bền vững phải là sự hội nhập của 3 trụ cột: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Tuyên bố Hà Nam cũng tuyên xưng cách tiếp cận đối thoại và phi bạo lực trong kiến tạo hòa bình, đi ngược lại mô hình “kẻ mạnh hiếp
kẻ yếu”.
Các nhà tu hành Phật giáo đề xuất lối sống lành mạnh cả thể xác lẫn tinh thần theo Phật giáo bằng cách áp dụng các ứng dụng thiền định và chọn lọc các chế độ thực dưỡng lợi cho sức khỏe. Phật giáo hiện đại cũng khuyến khích tận dụng các tiện ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hiện đại hóa khoa học nghiên cứu tâm của Phật giáo nhằm trị liệu, chuyển hóa
con người.
Tuyên bố Hà Nam khẳng định: “Ủng hộ việc nghiên cứu tiếp tục trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như một phương tiện hỗ trợ cuộc sống, tạo cơ hội cho con người có nhiều thời gian rảnh rỗi để thực hiện các nhiệm vụ cao cả và có ý nghĩa hơn, tuy đó không phải là thực thể thay thế con người”.
Trước những nguy cơ về môi trường đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đạo lý duyên khởi - vạn vật sinh tồn nương tựa lẫn nhau - được Vesak 2019 coi là phương cách đảm bảo sự hòa hợp giữa con người với thế giới tự nhiên. Tuyên bố khuyến khích thay thế những năng lượng gây ô nhiễm hoặc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bằng những năng lượng sạch và an toàn. Đồng thời đưa ra thông điệp thức tỉnh: “Nếu cá nhân chúng ta không làm thì ai sẽ làm đây?”.
Mô hình lãnh đạo “như Bồ tát”
“Tuyên bố chung Hà Nam Vesak 2019 khẳng định sự đóng góp thiết thực hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu. Ông bày tỏ hy vọng những đóng góp đó sẽ đem lại một tương lai tươi sáng cho nhân loại, từng bước đẩy lùi chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo cũng như khoảng cách giàu nghèo, sự đói nghèo và biến đổi khí hậu… “Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak LHQ sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ để thông điệp về hòa bình và yêu thương của Đức Phật luôn tỏa sáng”, Phó Thủ tướng
nhấn mạnh.
Bhutan, quốc gia Phật giáo, từng được coi là đất nước hạnh phúc nhất thế giới cử đến Vesak 2019 một đại diện ấn tượng: Chủ tịch Thượng viện Tashi Dorji, sinh năm 1981. Bài phát biểu của ông rất hợp với diễn đàn “Lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững” của Vesak kỳ này. Ông xác quyết, áp dụng những phương pháp của Phật giáo là hết sức quan trọng để trở thành người lãnh đạo tốt. Theo Tashi Dorji, nếu nhà lãnh đạo tránh xa được “5 độc” là tham, sân, si, vô minh và tự mãn sẽ trở nên “như Bồ Tát” mang lại những lợi ích không chỉ cho quốc gia mà toàn thế giới.
Theo đúng kịch bản, nước đăng cai Vesak năm tới sẽ được gọi tên trong lễ bế mạc, nhưng điều đó đã không xảy ra. Chủ tịch ICDV cho hay, Ủy ban này cần thời gian để duyệt kế hoạch, chương trình hành động của 3 nước đang xin đăng cai. Tuy nhiên ông cũng nói: “Tôi tin rằng hầu hết chúng ta ở đây đều mong muốn quay trở lại tham dự đại lễ Phật Đản LHQ tổ chức lần thứ tư tại Việt Nam trong tương lai”. Biết đâu “những tiêu chuẩn cao hơn” sẽ khiến Việt Nam trở thành nước đăng cai ngay kỳ kế tiếp?!