Camera giám sát ghi lại hình ảnh một thanh niên mặc áo phông vàng để lại chiếc ba lô trước đền Hindu Erawan. Địa điểm anh ta ngồi chính là nơi quả bom phát nổ vài phút sau đó. “Đó là kẻ tình nghi… Chúng tôi đang tìm kiếm đối tượng này”, BBC ngày 18/8 dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nói với báo giới. Trong khi đó, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Thái Lan, tướng Prawut Thavornsiri, nói với AP: “Gã mặc áo vàng không chỉ là nghi phạm. Hắn là kẻ đánh bom”. Thủ tướng Prayuth gọi đó là “vụ tấn công tồi tệ nhất từ trước đến nay” trên đất Thái. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Prayuth cam kết chính phủ làm mọi điều có thể để đưa thủ phạm ra công lý và hứa sẽ nỗ lực bảo vệ người nước ngoài đang ở Thái Lan.
Trong một vụ tấn công khác xảy ra hôm qua, một thiết bị nổ (có thể là lựu đạn) bị quăng xuống bến Sathorn ở Bangkok và phát nổ dưới nước, nhưng chưa có thương vong nào được báo cáo. Cảnh sát cho biết, chưa xác định được thủ phạm, nhưng thiết bị này tương tự quả bom nổ hôm 17/8. Cảnh sát đang điều tra quanh khu vực sông Chao Phraya. Một phần cầu cảng Sathorn tạm thời bị đóng cửa, nhưng tàu thuyền vẫn đi lại bình thường ở gần đó. Cầu cảng Sathorn là trung tâm giao thông quan trọng, kết nối vận tải sông với dịch vụ tàu, và thường có đông khách du lịch đi lại.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Thứ trưởng Quốc phòng, Cảnh sát trưởng Hoàng gia Thái Lan, tướng Udomdej Sitabutr, cho biết vụ đánh bom trước đền Erawan không có điểm tương đồng với những vụ việc ở miền nam nước này. Loại bom sử dụng cũng không giống. Vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc, và giới chức Thái Lan vẫn chưa cáo buộc nhóm nào. Ba tỉnh cực nam của Thái Lan là địa bàn của lực lượng nổi dậy người Hồi giáo. Từ năm 2004, hơn 6.500 người, chủ yếu thường dân, thiệt mạng vì bạo lực ở khu vực này. Tuy nhiên, bạo lực hiếm khi vượt ra ngoài 3 tỉnh đó.
Thủ phạm không phải người Thái?
Theo báo Thái Lan The Nation, văn hóa Thái Lan dung hòa nhiều tôn giáo khác nhau, một địa điểm tôn giáo như đền Erawan ít có khả năng thuộc loại mục tiêu mà lực lượng nổi dậy ở nước này lựa chọn. Vì thế, giới quan sát cho rằng, những kẻ đứng sau vụ tấn công có thể không phải người Thái. Một số nhà phân tích cho rằng, vụ việc có thể liên quan cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc vì có thể họ bất mãn về việc Thái Lan buộc nhiều người Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, vụ tấn công cho thấy sự thất bại của ngành tình báo Thái Lan. Theo báo Ấn Độ PTI, an ninh ở Bangkok khá lỏng lẻo và chính quyền thường mặc nhiên coi một đất nước mà đạo Phật chiếm đa số sẽ không có ai làm điều như vậy. Nhiều vụ nổi dậy chống chính quyền chứng tỏ tình báo Thái Lan không biết trước. Các mạng lưới khủng bố quốc tế thường nhanh chóng nhận trách nhiệm sau khi tấn công, nhưng trong vụ việc ở Bangkok, chưa có bên nào nhận trách nhiệm.
Hỗ trợ người Việt bị thương
Sau khi nhận được tin một người Việt bị thương trong vụ đánh bom tại Bangkok tối 17/8, ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư thứ nhất phụ trách lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, sáng qua đến bệnh viện thăm hỏi nạn nhân. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong qua điện thoại, ông Hùng cho biết, anh Mai Văn Trường sinh năm 1990, quê Đồng Lợi, Triệu Sơn, Thanh Hóa, đang được bác sĩ và người nhà chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa chính quyền thành phố Bangkok (còn gọi là Bệnh viện Klang). Sức ép vụ nổ bom khiến anh Trường bị dập mắt cá chân trái, gãy chân phải. Ca mổ đã thành công. Mắt trái của anh bị tụ máu nên thị lực giảm nhiều. Chiều qua, các bác sĩ hội chẩn để xác định phương pháp điều trị tối ưu cho anh Trường.
Ông Hùng cho biết, Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan đã cử cán bộ đến thăm hỏi anh Trường tại bệnh viện. Đại sứ quán Việt Nam đề nghị Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cho anh Trường, gia hạn tạm trú cho nạn nhân vì anh Trường sẽ hết hạn nhập cảnh vào ngày 28/8, đồng thời thực hiện các thủ tục để anh được nhận tiền bồi thường và bảo hiểm.
Nghi can đánh bom xuất hiện trong camera giám sát. Ảnh: Bangkok Post
Chiều 18/8, Bộ Ngoại giao Thái Lan mời các cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Bangkok tới nghe thông báo tình hình liên quan vụ nổ tối 17/8. Đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định, đến chiều 18/8, chỉ phát hiện 1 công dân Việt Nam bị thương, chính là anh Mai Văn Trường mà Đại sứ quán Việt Nam thông báo. Trong số nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ, không có người Việt nào.
Cú đánh vào ngành du lịch
Ngày 18/8, chính quyền Hong Kong nâng cảnh báo đi lại sang Bangkok lên mức đỏ (mức cao thứ nhì trong thang cảnh báo), đồng thời khuyến cáo người dân muốn sang Thái Lan nên “điều chỉnh kế hoạch đi lại và tránh các chuyến đi không cần thiết”. Đối với các khu vực khác của Thái Lan, Hong Kong duy trì mức cảnh báo vàng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Úc duy trì cảnh báo vàng sang Thái Lan, đồng thời khuyên khách du lịch “cẩn trọng cao” và tránh xa tụ tập đông người. Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok khuyến cáo công dân họ “tránh xa khu vực vừa xảy ra đánh bom và cập nhật thông tin từ truyền thông địa phương”.
Chưa đầy 24 giờ sau khi xảy ra vụ đánh bom, một số nhà điều hành tour quốc tế cho biết đã có nhiều người hủy kế hoạch sang Thái. “Vụ tấn công sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Nhưng khó ước tính tác động lên GDP vì đang mùa thấp điểm. Chúng tôi phải đợi đến tháng 10 mới thấy rõ tác động. Chúng tôi cầu mong khách du lịch sớm quên vụ việc này”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Sommai Phasee nói với báo giới. Vụ đánh bom có thể là cú đánh mạnh vào ngành du lịch Thái Lan, vốn được coi là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Hôm qua, giá trị đồng baht của Thái Lan rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, CNN đưa tin.
Bất kỳ ai có thông tin về người Việt Nam bị tác động bởi vụ đánh bom ở Bangkok hay cần giúp đỡ có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan theo đường dây nóng +66-92-484-0535 hoặc +66-92-484-0535
Trong số người nước ngoài thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Bangkok có 6 công dân Trung Quốc (trong đó có 2 người Hong Kong), Xinhua đưa tin đêm 18/8. Tính đến đêm qua, 22 công dân Trung Quốc bị thương (17 người đại lục, 2 người Hong Kong và 3 người Đài Loan) vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, một người Trung Quốc vẫn mất tích. Trong khi đó, Malaysia thông báo, có 4 công dân nước này thiệt mạng trong vụ nổ. Theo báo chí Malaysia, 4 nạn nhân này là thành viên của một gia đình. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Singapore thông báo, 1 người Singapore thiệt mạng và 7 đồng hương bị thương trong vụ đánh bom, CNA đưa tin.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ đánh bom, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ đánh bom tại thủ đô Bangkok ngày 17/8 khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, đồng thời tin tưởng rằng, những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng. Chúng tôi xin chia sẻ với Chính phủ, nhân dân Thái Lan và các quốc gia có công dân bị thương vong và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình những người bị thiệt mạng”, ông Bình nói. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xác nhận 1 người Việt Nam bị thương trong vụ đánh bom.