Đằng sau cuộc đột kích căn cứ Al-Qaeda ở Yemen

Cái chết của William “Ryan” Owens, lính đặc nhiệm SEAL thuộc hải quân Mỹ cùng một số dân thường, bao gồm trẻ em trong cuộc đột kích ngày 29/1 ở Yemen đang khiến tân Tổng thống Donald Trump đau đầu.
Binh sĩ William ''Ryan Owens'' hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Đầu tháng 2 vừa qua, ông Donald Trump đã tới căn cứ không quân Dover ở Delaware để dự lễ tưởng niệm cùng với gia đình binh sĩ William “Ryan” Owens. “Mỹ đau buồn khi hay tin một anh hùng phục vụ trong quân đội đã hy sinh khi chiến đấu với các tay súng khủng bố cực đoan”, ông Donald Trump tuyên bố trước đó. Sau khi Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) thừa nhận, một số người dân có thể đã thiệt mạng trong một cuộc giao chiến, một cuộc điều tra đã được tiến hành.

“Khi CENTCOM yêu cầu tiến hành cuộc đột kích, chúng tôi tin họ có cơ hội thành công”, Đại tá John Thomas, phát ngôn viên của CENTCOM tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 2-2. Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại uý Jeff Davis khẳng định, 14 tay súng đã bị tiêu diệt. Trong số 14 tên kể trên có Abdulraoof al-Dhahab, thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda ở Yemen.

Theo giới truyền thông, 23 người được cho đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào làng Yaklaa ở vùng Bayda, Yemen hôm 29-1. Nhưng chính quyền địa phương cho biết, khoảng 30 người, trong đó có 10 phụ nữ và trẻ em đã bị chết trong cuộc đột kích bất thành của đặc nhiệm Mỹ nhằm vào phong trào khủng bố Al-Qaeda tại Yemen (AQAP).

Ngày 3-2, Lầu Năm Góc công bố 5 đoạn video mới thu thập được trong cuộc đột kích ở Yemen, nhưng phải nhanh chóng gỡ bỏ sau khi phát hiện đó là những video có từ 10 năm trước.Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis tuy thừa nhận 5 đoạn video kể trên đã cũ, nhưng khẳng định chúng được thu thập trong cuộc đột kích hôm 29-1.

Giới chuyên môn coi đây là bài học an ninh “vỡ lòng” của ông Donald Trump sau khi duyệt chiến dịch ở Yemen hôm 29-1 vừa qua. Bởi ông Donald Trump đã phê duyệt kế hoạch đột kích khi không đủ thông tin tình báo, khiến lính đặc nhiệm SEAL rơi vào căn cứ của Al-Qaeda được bảo vệ bằng bom mìn và các tay súng bắn tỉa.

Trước khi rời Nhà Trắng ngày 20-1, ông Barack Obama không duyệt kế hoạch đột kích vào mục tiêu kể trên. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho rằng, mặc dù không bắt được thành viên AQAP nào, nhưng cuộc đột kích đã tiêu diệt được 14 tay súng thánh chiến và thu giữ một lượng lớn tài liệu hữu ích. Đồng thời khẳng định, cuộc đột kích được tiến hành sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Mục đích của cuộc đột kích là sử dụng trực thăng tiếp cận một khu nhà nằm giữa sa mạc Bayda, miền nam Yemen, để bắt giữ các thủ lĩnh bộ tộc có liên hệ với Al-Qaeda và thu thập thông tin tình báo có giá trị. Nhưng mọi chuyện nhanh chóng trở nên hỗn loạn, khiến binh sĩ William “Ryan” Owens tử nạn.

Có người nói rằng, kế hoạch tác chiến được Nhà Trắng phê chuẩn nhanh chóng, bởi ông Donald Trump và các cố vấn cấp cao muốn trao quyền lớn hơn cho quân đội trong hoạt động chống khủng bố.

Tổng thống Donald Trump lên trực thăng tới thăm gia đình đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng trong cuộc đột kích.

heo tờ Washington Post, ngoài lính  đặc nhiệm SEAL của Mỹ, lực lượng tinh nhuệ của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tham gia chiến dịch kể trên. Nhưng sau khi họ tiến vào làng Yaklaa ở vùng Bayda, các tay súng AQAP đã nhanh chóng phản công dữ dội và những bãi mìn dày đặc được gài xung quanh khiến lính đặc nhiệm Mỹ không thể tiến sâu hơn, buộc phải đấu súng với kẻ địch đông hơn gấp nhiều lần. Và sau khi nhận được hung tin, một trung đoàn tác chiến đặc biệt của không quân Mỹ được huy động để giải cứu cho lính đặc nhiệm SEAL và những người bị thương rời khỏi làng Yaklaa.

Theo giới truyền thông, 2 chiếc trực thăng MV-22 Osprey chở lực lượng phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến nhanh chóng khởi hành từ tàu đổ bộ USS Makin Island tới Yemen để giải cứu lính đặc nhiệm SEAL và những người bị thương đang bị mắc kẹt. Nhưng một chiếc gặp trục trặc trong lúc hạ cánh và đâm xuống đất mạnh đến mức 2 lính đặc nhiệm bị thương. Tiêm kích Mỹ buộc phải thả một quả bom dẫn đường bằng GPS để phá hủy chiếc máy bay trị giá 70 triệu USD nhằm đề phòng nó rơi vào tay phiến quân.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vừa yêu cầu tìm các biện pháp tăng ngân sách, cũng như "những điều kiện mới" để đẩy mạnh chiến dịch chống IS. Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc tìm đối tác chống khủng bố mới bởi đây được coi là nhiệm vụ ưu tiên số một trong nhiệm kì của ông Donald Trump.

Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu quân đội phải trình “một chiến lược toàn diện và các kế hoạch cụ thể để đánh bại IS” trong vòng 30 ngày. Được biết, Mỹ đã chi khoảng 10,7 tỷ USD cho các cuộc không kích IS tại Iraq và Syria. Theo hãng Reuters, chương trình "Chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực" được đổi tên thành "Chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" - bỏ qua các nhóm da trắng cực đoan từng thực hiện nhiều vụ đánh bom và xả súng ở Mỹ.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu