> Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý sau loạt bài 'Cơn lốc dự án BT'
Đang giao UBND thành phố báo cáo, giải trình
Theo văn phòng UBND TP Hà Nội, sáng 6-4 tới, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và 6 phó chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ hợp với các bộ, ngành về dự án BT, BOT, BTO.
Phóng viên Tiền Phong đã ghi nhận một số ý kiến đại biểu HĐND thành phố bên lề phiên họp hôm qua.
Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm - Quận Đống Đa: Né tránh sự giám sát của cộng đồng
Các dự án BT phải được quản lý chặt chẽ hơn. Chúng ta vẫn còn né tránh sự giám sát của cộng đồng. Cần phải đưa ra thiết chế như Thường vụ Quốc hội đã ban hành cho nhân dân ở phường xã được quyền phủ quyết các công trình xây dựng công cộng. Trên thế giới biện pháp giám sát của cộng đồng được đánh giá rất cao.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Hà Nội): Xử lý nghiêm chủ đầu tư đội giá
Bản chất của hình thức đầu tư BT không có gì sai, trong bối cảnh Nhà nước cần phải huy động tất cả các nguồn lực để thực hiện đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là trong lúc các bộ ngành chưa có các thông tư hướng dẫn cụ thể, một cách đồng bộ đối với hình thức đầu tư BT thì làm sao mà hoàn thiện và thực hiện tốt ngay được nên mới có những bất cập như hiện nay. Hiện HĐND TP rất quan tâm việc này.
Tôi cũng được biết, hiện có một số dự án BT mới ở dạng chấp thuận chủ trương hoặc mới phê duyệt chủ trương mà trên thực tế chưa hề triển khai gì, dạng này rất nhiều nên tới đây thành phố phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP: Yếu trong quản lý và thực hiện theo quy hoạch
Không chỉ những bất cập trong đầu tư BT mà những quy hoạch ngành của TP Hà Nội cũng phải được làm đúng, làm một cách bài bản. Cái yếu nhất của Hà Nội là quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tôi đơn cử, năm 2003, thành phố đã có quy hoạch giao thông tĩnh, ngoài ra HĐND TP cũng có nghị quyết chuyên đề về quy hoạch giao thông tĩnh rồi. Nhưng 10 năm nay thực hiện bị phá vỡ hoàn toàn. Cho nên chúng ta đang phải trả giá cho điều đó.
Minh Tuấn - Nguyễn Tú