Dân vùng lũ bám nóc nhà kêu cứu

TPO - Đến 22h hôm nay, 17 - 10, tại Nghệ An và Hà Tĩnh,18 người chết, mất tích trong mưa lũ. Hàng vạn ngôi nhà chìm trong nước. Tại Hương Khê (Hà Tĩnh), dân bám trên nóc nhà, kêu cứu.

>> Hoa hậu, Á hậu Việt Nam hướng về miền Trung ruột thịt
>> Miền Trung: lũ chồng lũ

Người dân vùng lũ bám trụ trên mái nhà.

Suốt đêm đứng trên cây, nóc nhà

Rạng sáng 17-10, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở xuồng, hàng cứu trợ của các lực lượng vũ trang khẩn trương kéo về các địa điểm tập kết đi ứng cứu bà con Hương Khê đang bị lũ bao vây. Trời âm u, những trận mưa xối xả tiếp tục trút xuống.

Bảy giờ sáng, tại ga Hương Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh), năm chiếc xuồng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chất đầy mỳ tôm, nước khoáng rẽ sóng lao đi. Phóng viên Tiền Phong lên xuồng cứu trợ, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn dẫn đầu, đến với dân Gia Phố.

Nước ngập gần đỉnh cột điện cao thế, hàng trăm ngôi nhà chìm nghỉm trong dòng nước đỏ ngầu. Gỗ rừng, dây điện lấp lửng dưới mặt nước, buộc xuồng cứu trợ phải tắt máy mới vào được tận nhà dân.

Tiếng kêu cứu, la ó vọng ra từ những ngôi nhà chỉ còn nóc. Đoàn cứu trợ vào ngôi nhà của chị Trần Thị Lý, xóm 13, đang có hai đứa trẻ đứng trên nóc nhà kêu cứu - nhà của chị Trần Thị Lý, xóm 13.

“Chồng đi đốn củi bốn ngày nay không thấy về, nghĩ nước lên thấp nên ba mẹ con cố cầm cự ở nhà. Nào ngờ, nước dâng ngang người, ngập tận nóc. Tối 16-10, ba mẹ con quấn chăn vào người, tháo ngói lên đứng trên nóc nhà” - chị Tuyết vừa nói vừa khóc.

Nước ngập, người dân Hà Tĩnh phải lên... mái nhà tránh lũ.

Khi đoàn cứu trợ trao thùng mỳ ăn liền và nước uống, cháu Tuấn, con chị Tuyết, trượt từ nóc nhà xuống xuồng, cầm gói mỳ ăn ngon lành. “May có ba gói mỳ sót lại từ đợt cứu trợ của cơn lũ trước nên ba mẹ con mới cầm cự được đến giờ” - chị Tuyết kể.

Rời nhà chị Tuyết được vài chục mét, bỗng có một tiếng hét lớn rồi một người đàn ông đội ngói lao xuống giữa dòng lũ, vừa bơi vừa gọi đoàn cứu trợ “cho xin ít nước uống với!”. Đó là ông Võ Bá Thiện. Ông cho biết, khoảng 18 giờ ngày 16-10, nước ùn ùn dâng lên. Tiếc của, vợ chồng ông không nỡ bỏ đi. “Tối qua, vợ chồng tôi cột võng lên nóc nhà nhưng nửa đêm nước dâng lên phải tháo ngói mang áo mưa lên đứng ở nóc” - ông Thiện nói.

 

Ông Hoàng Xuân Bảo, trưởng xóm 14, xã Phú Phong (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), cho biết, chiều 16 - 10, người dân trong thôn di chuyển hơn 3km lên núi cao, thuộc làng Truông, xã Hương Giang.

“Nước chảy mạnh, cuốn trôi nhiều ngôi nhà, trong thôn có hai người bị thương nặng do đứng trên mái ngói, bị sập. Nan giải nhất lúc này là người dân không có nước uống” - ông Bảo lo lắng.

Trong lúc đang trò chuyện cùng ông Bảo, điện thoại ông Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Trần Sáng đổ chuông, bên kia đầu máy giọng một người đàn ông thúc giục: “Các bác sỹ và bệnh nhân của bệnh viện Trúc, xã Hà Linh đang lơ lửng trên nóc nhà. Nóc nhà cách mặt nước gần một mét, hai bệnh nhân đang phải chuyền ở đây…”.

Sau ba giờ giữa dòng nước, hơn 50 thùng mỳ ăn liền, 30 thùng nước khoáng được đoàn cứu trợ đưa đến tận tay người dân hai thôn 13 và 14 xã Gia Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Trên chiếc xuồng cứu trợ của Công an huyện Hương Khê, chúng tôi tiếp tục vượt dòng nước về xóm 6, xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), nơi cụ bà Nguyễn Thị Đức, 70 tuổi, cùng con gái và cháu đang phải đứng trên cây kêu cứu khẩn cấp.

Gần 9 giờ, chiếc xuồng của chúng tôi tiếp cận được nơi cụ Đức cùng con và cháu đang đứng trên cây. Sau một đêm đội mưa đứng trên cây, khuôn mặt của mẹ con cụ Đức bạc trắng, người ướt sũng, mắt thâm quầng.

“Cả đêm nay, mẹ con, bà cháu một tay giữ vào cành cây, một tay bíu vào người nhau. Nhiều lần mệt quá, tôi thiếp đi, cháu phải gọi dậy!” - cụ Đức khóc.

Con gái cụ Đức kể lại, chiều qua, sau khi nhà bị ngập, ba mẹ con bà cháu leo lên cây, người dân đưa thuyền vào ứng cứu nhưng không thể được vì nước lớn. Tối qua, tôi thấy hai chiếc ca nô chạy vào nhưng hét khản cả cổ họ vẫn không phát hiện ra. “Mẹ con chúng tôi không nghĩ mình được cứu sống”, con gái cụ Đức nghẹn ngào.

10 người chết, mất tích, di dời 70 nghìn người

Sau hai ngày, đường Tỉnh lộ 15 đi từ Hà Tĩnh lên Hương Khê, hệ thống đường sắt đoạn qua Hương Khê bị chìm trong nước. Rạng sáng 17-10, đường mòn Hồ Chí Minh, con đường độc đạo để đến với huyện Hương Khê, bị nước lũ nhấm chìm nhiều đoạn. Đặc biệt, đoạn qua xã Phúc Đồng, nước dâng cao gần hai mét, tắc đường kéo dài hơn 3km.

Đến đêm 17 - 10, đường mòn Hồ Chí Minh đoạn từ Phúc Đồng (Hương Khê) đến huyện Vũ Quang vẫn chìm trong nước, một số đoạn có dấu hiệu núi lở đất tràn xuống đường. Các đoàn xe cứu trợ đưa hàng cứu trợ lên Hương Khê phải tăng bo bằng xuồng qua năm chặng.

Từ đêm 16 - 10, Quốc lộ 1A, đoạn đi qua thị xã Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh, nước ngập trên một mét gây tắc đường kéo dài gần 5km, hàng trăm chiếc ô tô đậu kín đường tại đây.

Báo cáo mới nhất của Ban Phòng chống Lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 178 xã của 12 huyện, thành phố, thị xã với gần 100 nghìn hộ dân bị chìm trong biển nước. Hương Khê 22/22 xã, Vũ Quang: 12/12 xã, Hương Sơn: 20, Đức Thọ: 27, Cẩm Xuyên: 15, Thạch Hà: 31, Can Lộc: 22, Lộc Hà: 9 xã, TP Hà Tĩnh có 16/16 phường xã, thị xã Hồng Lĩnh ba phường bị ngập sâu. Nghi Xuân: 5 xã. Đặc biệt, 105 xã bị ngập và chia cắt hoàn toàn.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong lúc 20 giờ ngày 17 - 10, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến chiều cùng ngày, di dời được 17.000 hộ với gần 70 nghìn nhân khẩu của các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn...đến nơi an toàn.

“Tỉnh đã trích nóng 15 tỷ đồng, 50 tấn mỳ ăn liền, 50 nghìn lít nước uống đóng chai cứu trợ cho bà con” - ông Sơn nói.

Người dân bơi giữa dòng nước lũ nhận cứu trợ mỳ tôm. Ảnh: Minh Thùy..
 

Đến 20 giờ 30 phút ngày 17 - 10, Hà Tĩnh có tám người chết, trong đó huyện Kỳ Anh 1, TP Hà Tĩnh 1, huyện Can Lộc 5, huyện Hương Sơn 1. Có hai người mất tích ở huyện Can Lộc chưa tìm thấy.

Đại tá Nguyễn Đức Tới, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các lực lượng vũ trang huy động 72 ca nô, xuồng, 600 cán bộ, chiến sỹ và 1.000 dân quân tự vệ giúp dân.

“Hiện, hai chiếc trực thăng đậu sẵn tại sân bay Vinh, sẵn sàng cất cánh nếu nước tiếp tục dâng cao. Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được tất cả các điểm bị ngập lụt bằng đường bộ và thủy” - ông Tới nói.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các bộ ngành trung ương hỗ trợ khẩn cấp 5.000 tấn gạo, 1.000 tỷ đồng, ba xuồng y tế, 500 cơ số thuốc y tế và 30 chiếc xuồng máy để ứng cứu cho người dân vùng lũ.

Nghệ An ngập nặng

Với lượng mưa trên 750mm từ chiều 16 đến 17 - 10, nhiều nơi tại Nghệ An bị nhấn chìm trong nước.

Tại TP Vinh, phố biến thành sông. Các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu ngập nặng. Giao thông tê liệt. Tính đến 19h ngày 17 - 10, toàn tỉnh có tám người chết do lũ lụt.

Mưa to, gió lớn không chỉ tấn công TP Vinh (Nghệ An), mà còn uy hiếp một vùng rộng lớn từ Diễn Châu đến Hưng Nguyên.

Tại Nghi Xá (Nghi Lộc), hàng trăm căn nhà chìm trong biển nước. Đường liên thôn, liên xã ngập sâu trên 1,5m.

Chị Phan Thị Hải (xóm 2) lo lắng: “Lũ lụt cuốn trôi cả đàn lợn, làm hư hỏng mấy tạ lúa vụ Hè Thu. Hết hạn, lại mưa gió hoành hành, nông dân Nghệ An nhiều hộ sẽ đói ăn, có nguy cơ đứt bữa!”.

Không riêng gì nhà chị Hải mà hàng ngàn hộ dân ở các xã Nghi Vạn, Nghi Mỹ, Nghi Phương cùng chung số phận. Chuyên viên phòng nông nghiệp huyện nghi Lộc, ông Nguyễn Đồng, cho biết: “Trong hai ngày mưa lớn, tất cả tuyến đường đều bị ngập, chia cắt hoàn toàn. Khu công nghiệp Nam Cấm ngập nặng hơn 1,2 m. Toàn bộ 7.000 ha ngô đông, 600 ha lạc, 1.350 ha nuôi trồng thủy sản và 3500 ha lúa đang kì thu hoạch bị ngập, mất trắng. Gia súc gia cầm, tài sản của dân bị trôi nhiều chưa thống kê hết”.

Giải cứu người dân vùng lũ.
 

Chính quyền sở tại huy động lực lượng công an, bộ đội di dời dân đến nơi an toàn. Tại xã Nghi xá, 60 hộ dân di dời khẩn cấp. Nhiều cụm dân cư tại Nghi Vạn, Nghi Quang phải di dời khỏi nơi ngập lũ. Hiện, ba người thiệt mạng, gồm hai học sinh tiểu học của xã Nghi xá trên đường đi học bị lũ cuốn trôi, một cụ già 75 tuổi đi trên đường 534 bị lũ cuốn.

Tại Diễn Châu, nhiều tuyến đường bị ngập. Xã Diễn Phú vỡ đập Xuân Dương, khiến toàn xã ngập sâu trong nước. Lực lượng công an, bộ đội, thanh niên toàn huyện tập trung tại khu vực trọng điểm, di dời dân khỏi nơi ngập lụt.

Xã Diễn Lộc, Diễn An tất cả các tuyến đường đều bị ngập sâu, giao thông chia cắt không thể đi lại được.

Xóm 16 xã Diễn Lộc bị ngập hoàn toàn. Anh Đào Quang Thắng (Diễn Lộc) nói: “Lũ chồng lên lũ, diện tích ngô, lạc thuỷ sản của bà con trôi hết. Cơ sự ni, đói cả làng”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, toàn huyện mất trắng 3.500 ha ngô vụ đông, 50 ha đậu tương, 30 ha lạc, 500 ha nuôi trồng thuỷ sản bị tràn trôi. Nhà cửa dân ở Diễn Phú, Diễn lộc, Diễn An bị ngập nặng.

Hai ngày mưa lớn, huyện Quỳnh Lưu cũng thiệt hại nặng nề. Diện tích ngô 1.379 ha, 1.400 ha rau, 1.100 ha khoai lang, 4.032 ha thuỷ sản bị lũ lụt tàn phá.

Xã ngập nặng nhất là Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân. Huyện Yên Thành có ba xã Bảo Thành, Viên Thành và Công Thành nằm trên tuyến đường 7 bị ngập nặng.

Dọc tuyến trên đê Vũ Giang, nước ngập tràn, đập Quản Hài ở xã Phúc Thành mực nước dâng cao, uy hiếp hàng trăm hộ dân. Các xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên); Nam Phúc, Nam Kim (huyện Nam Đàn) đã bị lũ cô lập.

Tính đến 17h ngày 17-10, lượng mưa đo được tại TP Vinh và khu vực Cửa Hội (Cửa Lò, Nghệ An) đạt 804mm; Bến Thủy: 638mm; Nam Đàn: 647mm; Đô Lương: 277mm; Dừa (Anh Sơn): 244mm; Yên Thượng (Nam Đàn): 497mm. Đêm qua, tại Nghệ An tiếp diễn mưa lớn. Nhiều khu dân cư lại chìm trong nước.

Thông tin từ văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến 19h ngày 17 - 10 toàn tỉnh có tám người chết, trong đó huyện Nghi Lộc có ba người (hai người ở xã Nghi Xá, một người ở xã Nghi Trường), huyện Thanh Chương hai người; ba nạn nhân tại Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn.

Tàu đánh cá HT 20245TS của ông Trương Văn Tiến (thôn 1, Cẩm Linh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị hỏng máy, trôi dạt vào vùng biển Nghệ An, sáu thuyền viên được đưa lên bờ an toàn. Đê Tả Lam tại KM 78 + 400 sạt lở 50m, nứt 10m (vết nứt sâu từ 1 đến 2m, rộng 20cm).

Nghệ An có hơn 15.166 nhà bị ngập, riêng TP Vinh có trên 5.000 căn nhà thuộc 32 khối xóm ngập nặng.

Toàn tỉnh có 5.271 ha lúa ngập úng, 18.487 ha ngô vụ đông, 1.237 ha lạc, 2.923ha khoai lang, 5.941 ha rau màu hư hại nặng, 4.773 ha thủy sản bị ngập và nhiều nơi có nguy cơ vỡ bờ bao.

Đường giao thông sạt lở 6.700m. Hơn 1.900m kênh mương hư hỏng. 21 xã ngập sâu, trong đó có 9 xã bị cô lập hoàn toàn.

Chính quyền các cấp sơ tán 2.275 hộ dân ra khỏi vùng lũ lụt (trong đó Cửa Lò di dời 1.500 hộ dân; Nam Đàn: 700 hộ; TP Vinh: 45. Ban Chỉ huy PCLB địa phương cấp 500 áo phao, huy động 2 xuồng máy ứng cứu bà con vùng ngập lụt tại Hưng Nguyên. Thiệt hại ước tính lên tới trên 200 tỷ đồng.

Bị lũ cô lập lúc nửa đêm

Mưa như trút. Nhiều điểm dân cư tại thành phố Vinh (Nghệ An) ngập chìm trong biển nước, giao thông trên các phố Minh Khai, Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ tê liệt, đại lộ 3.2 từ Cục Hải quan Nghệ An dẫn ra sân bay Vinh bị cắt đứt. 22h ngày 16-10, toàn TP Vinh mất điện.

Chúng tôi bị lũ bao vây trên đường Nguyễn Văn Cừ. Phố biến thành sông, có đoạn ngập trên 1m. Nước bắt đầu tràn vào nhà. Chị Tuyên (phường Lê Mao) vội cùng chồng bê đồ dung lên chỗ cao ráo hơn, trong khi lũ mỗi lúc một dâng nhanh. Tôi định quay xe ô tô ra đường nhưng bất lực, mực nước đã ngập cửa kính chắn gió. Nước tràn vào xe. Nước chảy như thác. Tại phố Nguyễn Văn Cừ, có đoạn ngập sâu trên 1m. Trong đêm tối, nhiều cánh cửa, đồ dung cá nhân bị cuốn trôi, vạ vật trên đường.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ Trịnh Thanh Sơn nói gấp qua điện thoại: “Mưa dữ dội nhất tại TP Vinh diễn ra từ lúc 19h đến 22h, nếu tình trạng này kéo dài rất nguy hiểm cho tính mạng người dân!”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nghệ An Nguyễn Thọ Cảnh cho biết, trong tình huống khẩn cấp này, tỉnh đã chỉ đạo mở hết công suất 10 cửa cống xả lũ tại Hưng Hòa ven sông Lam. Một người bạn khuyên tôi nên gọi xe cứu hộ kéo ô tô ra khỏi vùng ngập nặng. Tôi liên tục điện vào số máy của 3 đội cứu hộ, máy liên lục bận. Chưa bao giờ đội quân cứu hộ vận tải làm việc cấp tập như đêm 16-10, hàng trăm xe nằm bẹp dí trên đường cầu cứu đưa vào gara.

2h sáng 17-10, sau ba giờ đồng hồ liên lạc, xe cứu hộ mới bò đến. Lái xe hét giá 2 triệu đồng với đoạn đường chưa đầy 3km từ phường Lê Mao đến Quán Bàu. Có lẽ đây là giá đắt nhất thế giới cho một lần kéo xe ra khỏi vùng ngập lụt. Trong đêm mưa gió, đội quân cứu hộ này ra tay chặt, chém, bắt bí khách.

Cùng Tiền Phong cứu trợ lũ lụt

51 người chết và 11 người mất tích, hàng vạn ngôi nhà đã bị ngập, nhiều người dân ở vùng lũ lâm vào cảnh đói khát. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, báo Tiền Phong kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kiều bào dành một phần tiền, hiện vật để giúp đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về các địa chỉ sau: báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương - Hà Nội; ĐT: 39434031. Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh: 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Q3, ĐT: (08) 3848 4366, Fax: (08) 3843 5095, Ban đại diện tại miền Trung: 19 Ngô Gia Tự - Đà Nẵng, ĐT: 3828 039, Fax: (05113) 897 080, Ban đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT và Fax: 07103823829, Ban đại diện tại Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật- TP Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk, ĐT và Fax: (0500) 3950029.

* Vào ngày 12-10, báo Tiền Phong cùng Cty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam sẽ đến vùng lũ gửi tới tận tay dân nghèo gặp nạn tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 1.500 phần quà là thực lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tổng trị giá các phần quà cứu trợ đợt 1 này khoảng 300 triệu đồng.