Dàn nhạc 47 tỷ đồng chờ… nhà hát

TP - Ông Trần Vương Thạch- Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Thính phòng TPHCM cho biết: Vào năm 2007, cùng với việc triển khai án xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Thính phòng tại số 23 Lê Duẩn, HĐND TPHCM chấp thuận cho Nhà hát mua dàn nhạc nhạc giao hưởng theo tiêu chuẩn châu Âu. Thế nhưng vì không có nhà hát cho nên nhiều nhạc cụ đành phải nằm chờ trong kho!
Nhà hát giao hưởng - thính phòng TPHCM trong một buổi diễn

Theo ông Trần Vương Thạch, chỉ từ sau ngày đất nước thống nhất, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố (TP) mới tập hợp, đào tạo để có được một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp. Tuy nhiên sự chuyên nghiệp đó mới từ phía con người, còn thực ra vẫn thiếu rất nhiều nhạc cụ, đặc biệt là những nhạc cụ quan trọng dành cho các buổi diễn lớn tại nhà hát. Các nghệ sỹ phải sử dụng những nhạc cụ do cá nhân tự sắm, dàn nhạc của Nhà hát không đủ phương tiện theo yêu cầu.

Chính vì thế, khi những nghệ sỹ lớn tới TPHCM biểu diễn, họ phải đem theo nhạc cụ hoặc đi thuê của các hãng sản xuất nhạc cụ lớn. Ngay cả khi nhạc sỹ Đặng Thái Sơn đến TPHCM biểu diễn lần đầu tiên, hãng sản xuất đàn danh tiếng thế giới Yamaha đã phải thuê đơn vị vận tải đưa chiếc đàn từ Nhật sang. Điều đó khiến cho chi phí những buổi diễn tăng lên rất nhiều.

Còn các nghệ sỹ của Nhà hát chỉ dám mơ vì chi phí thuê, mua những cây đàn đủ chuẩn như vậy là quá cao. “Không có đàn piano đủ chuẩn làm sao biểu diễn tốt được. Không có phương tiện trang bị cho chiến sĩ thì làm sao họ chiến đấu. Một nghệ sĩ nếu không có nhạc cụ thì cũng không thể biểu diễn”- Ông Thạch nói.

Cây đàn piano Bosendorfer để tại kho chứa nhà hát chưa bao giờ được sử dụng 

Dự án TP đầu tư nhạc cụ được tiến hành từ năm 2007, lúc đó đã chuẩn bị xây nhà hát tại 23 Lê Duẩn. Nhà hát đề xuất TP mua bộ nhạc cụ cho nhà hát với chất lượng châu Âu. Chi phí lúc đó khoảng 47 tỷ đồng. Sau khi mua về, Nhà hát phải xây dựng một kho bảo quản tại rạp Thanh Vân cũ. Kho có trang bị máy hút ẩm, máy lạnh, thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm theo đúng tiêu chuẩn bảo quản nhạc cụ của nhà sản xuất. Những nhạc cụ cần thiết đều có giá treo hoặc tủ để chứa đựng. Nhà kho khá rộng rãi, đủ để chứa hàng trăm nhạc cụ mới mua về (tổng cộng 81 loại nhạc cụ, có loại số lượng nhiều ví dụ violin có 26 cây, viola có 10 cây...).

“Hiện chúng tôi đang bảo quản nhạc cụ rất tốt, khoảng một vài tháng thì có thợ đến bảo dưỡng. Hiện vẫn còn nhiều nhạc cụ rất quý chưa bao giờ được lên sân khấu như 2 cây piano, trong đó có 1 cây Steinway và 1 cây nữa là piano Bosendorfer. Đây là một cây đàn chiếm diện tích lớn, nếu đặt lên sân khấu nhà hát TP bây giờ sẽ chiếm đến nửa sân khấu. Chỉ có duy nhất 01 cây đàn piano mang tên Steinway khác được để tại Nhà hát TP mà chính nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đã từng biểu diễn trên cây đàn này” - Ông Đoàn Trung Đông - Phụ trách kho nhạc kể.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung- đại biểu HĐND TPHCM cho biết: Việc bảo quản dàn nhạc tại một nhà kho như thế hoàn toàn không phù hợp, bởi mỗi lần biểu diễn, nhà hát phải thuê xe chở nhạc cụ đi rất cồng kềnh và tốn chi phí, rồi việc di chuyển nhiều cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng của những cây đàn quý. Vấn đề không chỉ là bảo quản dàn nhạc đúng chuẩn mà cần phát huy được công năng của dàn nhạc đắt tiền này. Nếu không theo thời gian, những nhạc cụ quý này sẽ dần xuống cấp, bởi ít được sử dụng cũng như bảo quản không đúng cách.

“Nhà hát Giao hưởng - Thính phòng hiện có gần 80 nghệ sĩ thuộc biên chế, cùng sự cộng tác của hơn một trăm nghệ sĩ trong, ngoài nước. Trung bình mỗi dàn nhạc giao hưởng thường khoảng 70 - 80 người, các đoàn quốc tế có thể lên đến hơn 100 người. Một buổi hoà nhạc lớn có thể lên tới hơn 200 thành viên tham gia. Chính vì thế, để biểu diễn đủ các nhạc cụ thì hiện tại Việt Nam chưa có nhà hát nào có thể đáp ứng được. Nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế từ chối đến biểu diễn tại Việt Nam vì nhà hát của ta không đủ tiêu chuẩn”, ông Thạch cho biết.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - đại biểu HĐND TPHCM cho biết: Việc bảo quản dàn nhạc tại một nhà kho như thế hoàn toàn không phù hợp, bởi mỗi lần biểu diễn, nhà hát phải thuê xe chở nhạc cụ đi rất cồng kềnh và tốn chi phí, rồi việc di chuyển nhiều cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng của những cây đàn quý.