Dân còn tìm đến là còn hạnh phúc

TP - Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “Luật phải làm rõ trách nhiệm, tính pháp lý sau khi tiếp dân, trả lời dân để người dân đỡ vất vả”.

> Quy định rõ trách nhiệm tiếp dân
> Đợi ngoài cổng hai năm chưa được tiếp

Không tiếp kiểu lấy lệ

“Các ngành, các cấp phải giải quyết xong phần việc của mình, nếu không phải quy trách nhiệm cụ thể. Không để tiếp diễn tình trạng đơn từ bị chuyển lòng vòng dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện tồn đọng, vượt cấp. Nếu không chuyển biến, người dân dễ chán nản thậm chí không tìm đến các cơ quan tiếp dân nữa” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: “Tiếp công dân rồi giải quyết thế nào, trình tự ra sao, luật ra có ổn, khả thi hay không?”. “Luật này phải làm rõ trách nhiệm giải quyết bởi tính khả thi của luật nằm ở việc giải quyết xong dân tâm phục, khẩu phục”- Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu.

Phải nêu cao trách nhiệm đến cùng với người dân. Nơi giải quyết mà giải quyết sai thì sao? Phải quy định vào đây (dự án Luật Tiếp công dân, PV) để cho mạch lạc, khả thi 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, trách nhiệm giải quyết thế nào hiện đã quy định rõ trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan chuyên môn (lãnh đạo sở, phòng) phải dành riêng mỗi tháng một ngày để tiếp công dân. Hiện, cấp xã, huyện, tỉnh được phân cấp rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, các nước có Luật Tiếp công dân không, kinh nghiệm của họ thế nào? Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, luật riêng về tiếp công dân như ở ta chưa thấy nước nào có, nhưng có quy định gắn với thiết chế công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu thực trạng dân cứ gửi đơn rồi chờ, đi lại năm lần bảy lượt, rất khổ. Để giải quyết tình trạng vòng vo này thì trụ sở tiếp công dân phải là nơi trả lời công dân. Có như vậy Luật mới đảm bảo được tính độc lập, nếu không chỉ là một quy trình của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Ông Khoa yêu cầu đã là cán bộ trong tình huống cụ thể cần thiết phải xuống tận nơi gặp dân để giải quyết.

Lấy hiệu quả làm đầu

Nêu dẫn chứng về việc Bí thư Thành ủy Hà, Nội Phạm Quang Nghị cùng với các cơ quan chức năng đi tiếp công dân ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và giải tỏa được những bức xúc cơ bản của người dân, cũng như trước đó Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã giải quyết khiếu nại 20 năm chỉ trong vòng một giờ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc tiếp dân phải giải quyết được bức xúc của dân.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị người đứng đầu các cơ quan phải đích thân tiếp công dân chứ không được ủy quyền cho cấp phó.

“Quy trình cũng chỉ là kỹ thuật, chặt chẽ quá chưa chắc đã có lợi cho dân. Việc tiếp dân vì thế cần uyển chuyển, mềm mại, gần gũi với dân để giải quyết ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng không thể quy định cứng về thời gian, địa điểm tiếp dân, quá trình giải quyết không nên đặt ra quá lâu, quá nặng nề. “Làm lãnh đạo phải tiếp dân không kể ngày đêm. Với người lãnh đạo, cơ quan nhà nước dân còn tìm đến là còn hạnh phúc” - bà Nương nói.

Nói về hiệu quả trả lời kiến nghị của dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo là theo luật hiện hành. Đối với việc tiếp thu kiến nghị, phản ánh của dân phải ghi rõ quy trình giải quyết là làm những việc gì. Trụ sở, cơ quan tiếp dân phải phân loại xem đơn gửi có đúng địa chỉ hay không để tránh lòng vòng, nếu không đúng phải hướng dẫn cho người dân gửi đúng địa chỉ.

Theo Báo giấy