Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện, phá hại rừng tre, vầu, nứa, mai tại 3 thôn gồm: Thâm Khôn, Ba Biển, Yên Hùng của xã Thiện Hòa, với mật độ 600 - 1.000 con/bụi, ăn trụi lá, diện tích phá hại 10 ha. Trong thời điểm đầu mùa hè, châu chấu đang bắt đầu di chuyển từ trên đồi cao xuống các khe suối, bờ bụi và bắt đầu xuất hiện gây hại cây ngô với mật độ 50 - 60 con/m2.
Theo các nhà chuyên môn, châu chấu tre lưng vàng dài, thời gian sống và phá hại khoảng 5 - 6 tháng trong năm, châu chấu trưởng thành có thể bay xa 40 - 60 km, di chuyển nhanh thành từng đàn rất đông. Khi hết thức ăn trên rừng chúng có thể di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác gần bìa rừng như: ngô, lúa, cỏ chăn nuôi... hoặc bay sang các nơi có rừng cây, ao, trường học, nhà trình tường. Loài côn trùng này sống thành đàn, có sức tàn phá lớn đối với hoa màu, cây trồng của người dân, rất khó kiểm soát. Thức ăn yêu thích của chúng là ngô, tre, lúa. Đặc biệt, trong ngày 29/5 có hàng vạn con châu chấu xuất hiện đậu kín tường rào, cây xanh trước cổng trường Tiểu học Thiện Hòa (xã Thiện Hòa). Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, đàn châu chấu không ảnh hưởng đến học sinh.
Hiện tại, người dân phối hợp với chính quyền địa phương phun thuốc để diệt trừ châu chấu. Trước thực tế đó, UBND huyện Bình Gia đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra và có giải pháp ngăn chặn loài côn trùng này gây hại cho cây trồng của người dân. Dự báo, giai đoạn cuối vụ xuân và vụ mùa năm 2024, có nguy cơ cao châu chấu phát sinh, lây lan gây hại diện rộng. Do đó, để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra, UBND huyện Bình Gia đã có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn chủ động các giải pháp ngăn ngừa côn trùng gây hại.