Dàn cây 'quái thú' bỏ lại 2 năm ở Huế: Người dân lo lắng, chính quyền lúng túng

TPO - Hơn 2 năm kể từ khi 3 cây cổ thụ khủng (còn gọi là cây “quái thú”) được gửi trồng tạm tại Huế do vượt tải trọng cầu đường, đến nay, 1 trong số đó đã xuất hiện dấu hiệu khô chết, có nguy cơ gãy cành đổ thân rơi trúng nhà dân bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chủ cây vẫn chưa quay lại để chuyển 3 “cụ” cổ thụ này đi nơi khác.
Một trong 3 cổ thụ "khủng" mắc kẹt lại tại Huế hơn 2 năm nay bắt đầu khô chết.
 3 cây cổ thụ "khủng" khô chết và "ở lỳ" hơn 2 năm tại Huế khiến người dân bất an (VIDEO: Ngọc Văn)

Bà Đặng Thị Lan (ngụ phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) cho biết, kể từ khi chồng bà cho ông Kiều Văn Chương (chủ cây, ngụ Thạch Thất, Hà Nội) gửi lại 3 cây cổ thủ "khủng" (cây đa sộp) trên đất của gia đình và trồng sát nhà ở, người này rất nhiều lần không dám ngủ trong nhà, phải đi trú nhờ gia đình láng giềng con cái về đêm, đặc biệt là những lúc mưa to gió lớn, vì sợ cây đổ đè chết người.

Cây đa "khủng" nằm ở giữa này không còn cành lá sum suê, thân ngọn phía trên bắt đầu khô mục rất nguy hiểm cho người ở bên dưới.

Do chồng bà là người trực tiếp được ông Kiều Văn Chương (chủ cây) đặt vấn đề và gửi lại những cổ thụ "khủng" này trên phần đất của gia đình gần Quốc lộ 1 (nhánh tránh TP Huế), nên việc chủ cây có trả tiền thuê đất, hay bồi dưỡng công chăm sóc, bảo vệ cây cho người chồng hay không, bà Lan không hề hay biết. Riêng bản thân bà Lan không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ chủ cây. Bà Lan còn cho biết thêm, sau khi cho ông Chương gửi lại 3 cây đa "khủng", chồng bà vì lý do cá nhân cũng không có mặt tại gia đình gần 2 năm qua, khiến bà và con cái hết sức lúng túng khi xử lý những “của nợ” này.

 

Một cây cổ thụ to lớn được trồng tạm sát nhà dân hơn 2 năm nay, khiến chủ nhà không ít lần phải ngủ nhờ nhà người khác vì sợ cây đổ trúng.

Trong lúc bà Lan khẳng định không liên lạc được với chủ cây, thì chồng bà này khi trao đổi với PV Tiền Phong đã cho biết: Trước khi xảy ra dịch COVID-19, ông đã liên hệ được với đại diện chủ cây, người này hứa sẽ vào xử lý rốt ráo những việc liên quan đến cây cối.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, người này không thể vào Huế như đã hứa. “Họ nói sẽ di dời và chuyển lại những cây này để trồng tại TT-Huế, còn thực hư thế nào thì tôi không rõ. Mấy tháng trước họ hứa vào xử lý nhưng rồi không thực hiện được, do dịch bệnh COVID-19”, chồng bà Lan cho hay.

 

Bên cạnh cây bị khô chết và bị bỏ mặc, hai cây còn lại vẫn tươi tốt và không ngừng phát triển, điều này khiến chủ đất cho mượn mặt bằng trồng tạm cây thêm lo lắng.

Liên quan xử lý 3 cây đa sộp khủng nằm “gửi” lâu ngày trên đất của dân, UBND thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế) từng cho biết, họ không có thẩm quyền xử lý 3 cây "quái thú" do một chủ cây ở Hà Nội gửi lại trên đất hộ dân thuộc địa bàn, vì đây là giao dịch dân sự giữa hai đối tượng là người dân với nhau. Theo quyền thị xã Hương Thủy, thẩm quyền giải quyết tài sản cá nhân không thuộc cơ quan này.

Ngôi nhà trông quá nhỏ bé so với hai cây cổ thụ.

Trong trường hợp chủ cây không vận chuyển, không lấy lại 3 cây đa sộp kể trên, UBND thị xã không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết tài sản. Do đó, UBND thị xã Hương Thủy đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc này theo quy định pháp luật.

 

Do đây là quan hệ giao dịch dân sự nên chính quyền không thể xử lý các tài sản là 3 cây cổ thụ khủng này.

Trong một diễn biến khác, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TT-Huế từng cho biết, cây đa là loài vẫn được trồng trong sân chùa, vườn nhà mà không bị cấm. Hay như, cây sao đen là cây rừng mà lại trồng trên các đường phố...

Do đó, việc 3 cây đa cổ thụ trồng tạm ở phường Thủy Châu là cây không thuộc đối tượng sinh vật ngoại lai cấm trồng tại vùng này.

 

Bà Đặng Thị Lan, chủ khu đất có 3 "cụ" đa khủng được gửi tạm cho biết, dù nhiều lần gọi điện cho chủ cây nhưng không liên lạc được.

Trước vấn đề “khó xử” về 3 cây cổ thụ khủng “mắc cạn” hơn 2 năm trời tại Huế, một vị luật sư là trưởng một văn phòng luật tại Huế cho biết, sẽ sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để giúp người dân xử lý về việc này, nếu nhận được yêu cầu từ phía gia đình bà Đặng Thị Lan.

 

Trong khi, trao đổi với PV, chồng bà Lan lại cho rằng, chủ cây có ý định chuyển cây ra khỏi khu đất gửi tạm từ đầu năm 2020, nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên chưa thể vào Huế để xử lý.

Trước đó, như Tiền Phong liên tục thông tin, cuối tháng 3/2018, lực lượng CSGT tỉnh TT-Huế đã chặn bắt 3 cây cổ thụ chở trên xe tải siêu trường siêu trọng, do vi phạm quá khổ quá tải và không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi từ Tây Nguyên lưu thông qua địa bàn. Đích đến của cây là một tỉnh, thành phía Bắc. Chủ cây là ông Kiều Văn Chương (Hà Nội).

Cổ thụ khủng bị chặn, xử lý quá tải tại Huế hồi tháng 3/2018.

Những cây này sau đó được trồng tạm trên đất bà Đặng Thị Lan và "ở lỳ" tại đó cho tới nay.

Sau khi chủ cây bổ sung giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc cây, 3 cây "quái thú" này lại vướng vấn đề quá khổ quá tải đường sá, cầu cống do chưa tìm được phương tiện vận chuyển phù hợp, nên phải nằm lại đất Huế từ gần 2 năm nay, và chưa biết đến bao giờ mới được di chuyển đi nơi khác.