Dân bị phạt oan vì 'ma trận' biển báo giao thông!
> Việt Nam có biển giao thông 'lạ'
> Biển giao thông 'bẫy' người
Hiện trên địa bàn TP.HCM có gần 4.000 tuyến đường lớn, nhỏ và dĩ nhiên biển báo giao thông cũng được các cơ quan chức năng lắp đặt khắp nơi. Tuy nhiên, do công tác lắp đặt còn bất cập, thiếu khoa học dẫn đến việc nhiều người dân bức xúc khi bị xử phạt.
Đại lộ... “gài bẫy”
Một buổi chiều cuối tháng 4-2011, vừa đổ dốc cầu Lò Gốm (Q.6), anh Nguyễn Hữu Long (ngụ P.16, Q.8) điều khiển xe gắn máy vào làn xe của mình với vạch đứt đoạn trên đại lộ Đông - Tây (vừa đổi tên là đại lộ Võ Văn Kiệt), thì bất ngờ bị CSGT chặn lại. Chủ xe ngỡ ngàng vì chẳng biết phạm lỗi gì. Không chỉ có anh Long, nhiều người đi xe gắn máy cũng bị CSGT gọi lại “hỏi thăm”, với lỗi vi phạm chủ yếu: “Lấn tuyến”. Sau một hồi nói đủ lý lẽ, anh Long đành móc 100.000 đồng nộp phạt.
Đưa chúng tôi 2 tờ biên lai thu tiền phạt, trên đó người xử phạt ghi vội rất cẩu thả, không ghi rõ lỗi vi phạm, họ tên người nộp tiền, địa chỉ..., anh Long uất ức: “Biển báo chỉ một đường, CSGT phạt một nẻo, chỉ có người dân tụi tui là lãnh đủ”.
Theo tìm hiểu của PV, đại lộ Võ Văn Kiệt có hai làn đường dành cho xe máy. Một làn dành cho xe máy đi thẳng và một làn vẽ hình xe gắn máy, xe ô tô, xe khách, xe tải cùng mũi tên rẽ phải. “Nếu nghĩ đơn giản theo biển báo này thì xe gắn máy được chạy vào làn xe ô tô, xe khách, xe tải khi rẽ phải. Nhưng mấy anh CSGT lại không nghĩ vậy mà cho rằng xe gắn máy chạy lấn tuyến và xử phạt làm nhiều người dân bức xúc. Ông Bửu Phước, ngụ P.16, Q.8 nói: “Biển báo này không khác gì đánh đố người đi đường và là nguyên nhân của những vụ cãi cọ không hay giữa CSGT và người dân. Nhiều người ở khu vực này đã gán cho con đường này là đại lộ… gài bẫy”.
Dễ “ăn” vé phạt!
Thực trạng biển báo làm khổ người đi đường chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh về biển báo giao thông. Theo hướng dẫn của cánh tài xế taxi, chúng tôi lưu thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng từ Q.1 về sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đến đoạn giao cắt với đường Võ Thị Sáu (Q.3), dù đã chú ý quan sát nhưng khó nhọc lắm mới thấy biển cấm rẽ trái (đương nhiên cấm quay đầu), cấm rẽ phải vào đường Võ Thị Sáu vì bị cây che khuất. “Cấm rẽ phải thì đương nhiên có thể hiểu vì đây là đường một chiều. Còn cấm rẽ trái và quay đầu xe thì nhiều người, trong đó có tui bó tay.
Thông thường người điều khiển phương tiện đến giao lộ này cứ nghĩ có thể rẽ trái từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào Võ Thị Sáu hòa vào dòng xe cộ đang lưu thông hướng từ Q.1 về Q.3 hoặc vô tư quay đầu xe. Nếu chưa bị phạt mà biết ở đây có biển cấm là chết liền”, chị Nguyễn Thanh Thủy (ngụ Q.Tân Phú) nói.
Cũng nằm trong vòng vây của cây cối là các biển báo nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại các giao lộ: Trần Quốc Toản, Lý Chính Thắng. Nguy hiểm nhất là biển báo cấm quay đầu ngay chân cầu Công Lý (trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm) bị cây “nuốt” khiến nhiều xe dễ dàng phạm luật và bị CSGT “vịn”. Tương tự, tại giao lộ D1 - Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh); Nguyễn Đình Chiểu - Cao Thắng (Q.3), và trên cả đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7).
Tréo ngoe nữa là biển phân làn đường rẽ trái trên đường Điện Biên Phủ trước chỗ giao cắt với đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh). “Tài xế taxi không thuộc đường cứ ung dung rẽ trái vào Ung Văn Khiêm là “chết” ngay vì trước đó có một bảng cấm xe 4 bánh đặt hơi chếch tầm nhìn”, một tài xế taxi chỉ chúng tôi. Hỏi một vài tài xế xe tải đậu gần đó, chúng tôi được biết làn rẽ trái đó dành cho con đường nhỏ sau đường Ung Văn Khiêm, cách giao lộ này... vài chục mét!.
Còn trên đoạn đường dẫn từ đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương về đường Nguyễn Văn Linh (thuộc thị trấn Tân Túc, Bình Chánh), ở làn đường (xe 4 bánh) bên trái, ngoài cùng cạnh dãy phân cách có vạch sơn kẻ trên đường cho phép xe đi thẳng và rẽ trái. Nhưng lại “bẫy” người đi đường khi đèn tín hiệu lưu thông rẽ trái và đi thẳng không trùng khớp. Vì vậy, nếu hai xe đi thẳng, rẽ trái lỡ vào cùng làn đường này thì chiếc này sẽ vướng chiếc kia. Và khi vượt qua giao lộ này sẽ “ăn” ngay vé phạt nếu gặp CSGT với lý do “cản trở lưu thông”(!).
Buồn cười hơn là biển báo treo tạm bợ ở những đoạn đường có công trình đang thi công cũng khiến nhiều cảnh dở khóc dở cười. Chẳng hạn, biển báo cấm các phương tiện xe con trở lên rẽ trái từ đường Trần Quang Diệu vào Lê Văn Sỹ (Q.3) thì biển cấm rẽ trái quay về một bên, còn biển phụ cấm xe con lại quay về hướng khác (!), làm nhiều người đi xe máy cứ lấm la, lấm lét khi rẽ trái vì tưởng là phạm luật.
Một điểm bất hợp lý khác nằm trên đường Lý Thường Kiệt về ngã tư Bảy Hiền có 2 làn đường, nhưng gần qua Bệnh viện Thống Nhất đường lại chia thành 3 làn. Trong khi vạch sơn mờ hẳn, lại không có biển hướng dẫn nên cánh tài xế thường bị phạt vì lỗi “lấn tuyến”.
Cảnh sát giao thông phạt sai
Một cán bộ của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (TP.HCM) cho biết: “Đoạn đường Võ Văn Kiệt (từ giao lộ Ngô Nhơn Tịnh - QL1A đi qua địa bàn 3 quận: 6, 8, Bình Tân) là do Đội CSGT Phú Lâm quản lý. Đầu tháng 4-2011, Sở GTVT TP.HCM đã tiến hành cắm biển báo mới cho làn đường bên trong cùng trên đường Võ Văn Kiệt (tính theo hướng từ Q.1 - Q.Bình Tân). Do phương tiện có nhu cầu quẹo phải nên cơ quan chức năng cắm biển báo cho phép ô tô, xe 2 bánh hòa chung làn đường trên.
Theo biển báo mới này, CSGT không được thổi phạt xe gắn máy lưu thông lấn tuyến (trong phạm vi làn đường này) vì xe gắn máy được phép lưu thông vào 2 làn đường. Ngoại trừ ô tô, xe ba bánh chỉ được phép lưu thông vào 1 làn đường theo quy định của biển báo. Nếu người điều khiển xe gắn máy nào bị xử phạt do lỗi lấn tuyến trong làn đường bên trong cùng này kể từ đầu tháng 4.2011 đều có thể liên lạc với đội để giải quyết”.
Trao đổi với PV, một cán bộ của Khu quản lý giao thông số 1 khẳng định: “Việc cây xanh che lấp biển báo khiến người điều khiển phương tiện không nhìn thấy dẫn đến vi phạm luật giao thông bị CSGT thổi phạt thì trách nhiệm đó thuộc của khu”.
Theo Đàm Huy (Thanh Niên)
Theo Lê Nga - Minh Nam
Thanh Niên