Loại đầu thôi không nói. Còn hạng người thứ hai bị cấm, thì đoán chắc chỉ có là phụ nữ. Nên chỉ thấy gọi là những “con hát”. Trong xã hội phong kiến, phận nữ có được học chữ đâu mà thi cử. Nhưng cấm cửa trường thi đến cả đời con đời cháu của họ.
Rồi lẩn thẩn nghĩ ngợi về đàn bà. Để nghiệm ra rằng nữ không chỉ là giới tính, mà còn là một thể tính tâm hồn của con người, rất người.
Theo thuyết hiện sinh, tính nữ hiện thân cho một phương diện của vô thức, gọi là Anima. Đó là tất cả những khuynh hướng tâm lý, như tình cảm, tâm trạng mơ hồ, trực giác, năng lực tình yêu cá nhân, xúc cảm với thiên nhiên… Thiếu Anima - tính nữ ấy, con người coi như không có những linh giác, không tình yêu và không biết yêu. Và tất nhiên cũng không thể có mặt trái của Anima, là ảo mộng ái tình, những thói tật “đàn bà”.
Cuộc đời nếu vậy hẳn sẽ nhàm chán biết bao!
Những tác phẩm văn chương nghệ thuật lớn, tác giả thường đẩy người nữ đến bên “rìa vực” thế giới. Ngoại cảnh lẫn nội tâm. Như để gieo cầu hạnh phúc, gánh đỡ nỗi đau nhân loại. Giúp giải mã nhân sinh.
“Người đàn bà trong cồn cát” của Abe Kobo (Nhật Bản, 1924-1993) như một biểu tượng ấy. Ngôi làng nhỏ ven biển luôn bị bão cát cuồng nộ chờ chực chôn vùi. Đêm đêm, trong ngôi nhà đầu làng dưới hố cát sâu, một người đàn bà không tên từng có chồng và con bị cát vùi chết một mình quần quật xúc từng đống cát bão gió thổi xuống. Ngưng xúc, ngôi nhà và cả ngôi làng sẽ chẳng mấy chốc bị vùi lấp, xóa sổ. Một cảnh huống nhân sinh kỳ lạ. Để rồi một hôm một người đàn ông lạc đường dạt đến…
Tình yêu rối rắm của Hương Cửu (“Một nửa đàn ông là đàn bà”, Trương Hiền Lượng) với Vĩnh Lân – một trí thức trong trại lao cải thời Cách mạng văn hóa Trung Quốc. Những Anna Karenina (Lev Tolstoy), Lara (Boris Pasternak), cô gái điếm nhỏ Delgadina (G. Marquez), …Là hoan ca tình yêu, đánh thức những khoảng tối tăm vô thức trong mỗi người suốt trăm năm, dẫu đều là những bi kịch.
Sự “lẩn thẩn” của lịch sử, đó là dù bị cấm cửa trường thi, nhưng vẫn lại có những bà phi, bà chúa xuất thân từ ca nương, sau này được dân gian thờ phụng. Sức mạnh của tính nữ có lẽ không phải chỉ ở dung nhan khiến vua chúa bỏ qua danh phận. Mà là sự đánh thức. Lệ “Bảo kết Hương thi” sau đó được bãi bỏ dưới thời Lê Dụ Tông.
“Một nửa đàn ông là đàn bà”. Vậy suy ra đàn bà chiếm 3/4 thế giới? Kỳ thực, nhân loại trăm phần đàn ông và cũng trăm phần đàn bà. Không có sự chia phần thế giới, mà chỉ là sự đan bện, lấp đầy nhau như nước. Trong cả mỗi góc khuất không thể nhìn ra, dù trong trí tưởng. Vĩnh hằng trong từng phút giây…