Chiều 30/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác tham dự Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, tại tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Nông có 367 cơ sở giáo dục, trong đó 41 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tổng số học sinh 182.675, tăng 7.048 em so với năm học 2021-2022. Tổng số trẻ 5 tuổi đến trường là 14.690 trẻ, đạt tỷ lệ 98,4%.
Mạng lưới trường, lớp cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập; tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 97%...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành là tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học. Cụ thể, nhân lực trong ngành giáo dục đang thiếu 1.021 người so với định mức (Mầm non thiếu 235 người; Tiểu học thiếu 324 người; THCS thiếu 260 người; THPT thiếu 202 người).
Ông Lưu Văn Trung - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông cho hay, việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức dạy và học. Phía địa phương luôn quan tâm, tìm hướng để tháo gỡ vấn đề này, tuy nhiên chưa thể giải quyết xong. Trong khi đang thiếu giáo viên nhưng địa phương vẫn phải tinh giảm biên chế theo quy định nên càng khó khăn hơn. Do đó, ông Trung kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan xem xét, giao bổ sung 1.021 biên chế giáo dục.
Tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Đắk Nông vượt khó, thực hiện hiệu quả công tác giáo dục. Bộ trưởng khẳng định Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến công tác giáo dục Đắk Nông nói riêng và toàn Tây Nguyên nói chung. Bởi theo Bộ trưởng, giáo dục vùng Tây Nguyên không chỉ để phát triển con người, cung cấp nguồn nhân lực mà còn là câu chuyện an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc, phát triển bền vững của vùng, của đất nước...
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Đắk Nông cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ: Huy động trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số tới trường; rà soát, sắp xếp, đầu tư hệ thống các trường nội trú, bán trú; quan tâm tới đời sống của học sinh, giáo viên trong các trường nội trú, bán trú; phát triển đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số; giảm thiểu sự chênh lệch giữa giáo dục vùng thuận lợi với vùng khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Bộ trưởng nhấn mạnh, chất lượng đội ngũ giáo viên rất quan trọng, quyết định đến chất lượng đổi mới. Với những địa bàn khó khăn, khi tính chủ động của đội ngũ còn chưa cao thì bài toán đặt ra không chỉ đảm bảo số lượng mà cần hỗ trợ nhiều hơn đến việc nâng cao năng lực. Như vậy các mục tiêu đổi mới giáo dục mới đạt được về chiều sâu và không bị tụt hậu xa hơn về khoảng cách với các vùng thuận lợi. Bộ GD&ĐT sẽ có trách nhiệm rất lớn cho vấn đề này, chứ không chỉ dừng lại ở giải quyết vấn đề số lượng.
Trước đó Tiền Phong có loạt bài "Bắt bệnh kinh niên thiếu giáo viên", phản ánh nhiều khó khăn, bất cập mà nhiều địa phương (trong đó có các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông), đang gặp phải suốt nhiều năm qua; cùng với đó là các giải pháp để giải quyết tình trạng này.