Đắk Lắk: Người dân phải “vét” từng giọt nước cứu cây, cứu mình

TP - Thời tiết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk những ngày này càng khắc nghiệt. Nhiều ao hồ suối giếng khô cạn, hàng nghìn hecta cây trồng khô héo, chết dần. Người dân phải “vét” từng giọt nước để cứu cây, cứu mình…
Lòng hồ Dhung Tiên khô cạn

Nguồn nước khô cạn

 Về xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) những ngày cuối tháng tư, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân chờ chực bên lòng hồ đã cạn nước để “mót” từng giọt nước ngầm tưới cây.  Ông Y Lut Niê (buôn Tlan, xã Cư Pơng) cho hay: Nhà có gần 1 ha cà phê hơn tháng nay không được tưới nước.

Nguồn nước duy nhất cho vườn cà là hồ Dhung Tiên rộng cả hecta, sâu 5-6 mét nhưng đã cạn từ lâu. Không còn nước, ông và các dân xung quanh phải thuê máy múc đào sâu lòng hồ tìm nước ngầm song mỗi ngày chỉ được vài khối nước. Chờ từ sáng sớm đến trưa, ông  Y Lut mới tưới được khoảng chục cây cà phê.

Đứng bên vườn cà phê đang “chết đứng” vì nắng hạn, bà H’Ear Mlô- vợ ông Y Lut xót ruột bảo: Nếu trời cứ nắng mãi không mưa, chẳng bao lâu nữa vườn cà này sẽ cháy trụi. Đây là nguồn sống của cả gia đình nên vợ chồng bà bất chấp trời trưa nóng vẫn phơi mình tìm nước. Cạnh đó, vườn cây của ông Y Âch Niê cũng bị “lửa trời” thiêu đốt. Ông Y Âch chia sẻ: Năm nay trời dứt mưa sớm, nắng lại gay gắt nên vừa tưới nước xong vườn cây đã khô lại. Nhà ông cũng muốn khoan giếng tìm nước nhưng kinh phí không có, đành chờ “nước trời”.

Chặt bỏ cây trồng

Không riêng Krông Búk, các huyện Buôn Đôn, Ea Súp… cũng đang căng mình chống hạn. Đến khi không tìm được nguồn nước, họ phải phá bỏ vườn cây. Gia đình anh Ngô Văn Hòa (thôn 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) có hơn 5 ha trồng cây ăn quả thì đã chặt bỏ hơn 2 ha mít, mận đang thời kì cho quả vì nắng nóng kéo dài, không có nước tưới.

Anh Hòa chặt bỏ hơn 2 ha mít, mận

Anh Hòa kể: Nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào suối Ba Tư (chảy từ huyện giáp ranh Cư M’gar sang) đã hết nước từ đầu tháng 2; còn 5 giếng khoan của nhà cũng cạn, chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Chờ trời nhưng mãi không mưa, anh đành chặt bỏ cho… đỡ xót lòng. Anh ước tính thiệt hại trong đợt hạn này gần 300 triệu đồng, phải mất thêm 5 năm để đầu tư lại vườn cây mới.

Không chỉ anh Hòa, anh Nguyễn Xuân Lập (ngụ cùng thôn) cũng vừa chặt 5 sào mít.  Hai hec-ta điều 2 năm tuổi của anh Lập cũng đang nằm trong diện chặt bỏ vì cả tháng nay bị khô héo, để cũng không có khả năng phục hồi. 

Bà Trần Thị Thủy, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết: Nắng nóng kéo dài  làm cho hơn 60 ha cây trồng bị khô héo, trong đó có tới 70% diện tích không có khả năng phục hồi. Xã Ea Huar chịu hạn nặng nhất vì phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ huyện giáp danh Cư M’gar.

Không chỉ cây trồng, cả người dân cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hơn tháng nay, nhà anh Lục Văn Cường (thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) phải đi xin nước hàng xóm về dùng. Nhà anh có 2 giếng khoan sâu 70-80 mét hiện không có nước. Các giếng gần nhà cạn dần, người dân chỉ còn cách tiết kiệm tối đa nguồn nước để “cầm hơi” qua ngày. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Súp (1.234 hộ), Cư Mgar (1.031 hộ), huyện Krông Búk trên 200 hộ. Tại huyện Ea Súp, Trung đoàn 737 đã chở nước cung cấp cho các vùng trọng điểm; các vùng còn lại người dân tự chia sẻ hỗ trợ nhau để có nước sinh hoạt.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, tính đến giữa tháng 4/2019, toàn tỉnh có khoảng 60 hồ chứa nhỏ bị khô cạn và khoảng 100 hồ gần cạn; hầu hết các suối nhỏ ở vùng nghèo thảm phủ rừng không còn dòng chảy. Mực nước các sông, suối và hồ chứa giảm mạnh vào thời kỳ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4/2019 do nắng nóng và nhu cầu tưới tập trung cao. Tổng diện tích cây trồng các loại bị thiếu nước tưới khoảng hơn 4.626 ha.